Sinh viên sợ “sập bẫy” việc làm thêm ngày Tết

Năm hết Tết đến, trong khi ai nấy đều háo hức trở về đoàn tụ với gia đình thì có một số người, nhất là các bạn sinh viên lại lựa chọn ở lại thành phố làm thêm với hi vọng có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, các bạn trẻ này cũng phải đối mặt với không ít cạm bẫy do một số trung tâm “ma” giăng sẵn.

Tết con không về…  

Sinh viên học xa nhà ở lại thành phố làm thêm tết không còn là hiện tượng quá xa lạ. Tuổi trẻ với những ham muốn, khao khát thể hiện bản thân, tự đứng trên đôi chân của chính mình luôn sẵn sàng đón nhận mọi thử thách của cuộc sống. Vì vậy, không ít bạn sinh viên học tập tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã sẵn sàng từ bỏ cái tết đoàn viên để mưu sinh.

Có thể dễ dàng tìm thấy những đoạn tự quảng cáo, giới thiệu bản thân của các bạn sinh viên trên các trang việc làm trên Facebook, các diễn đàn với mong muốn có được một công việc làm thêm trong những ngày nghỉ tết.
 
Sinh viên sợ “sập bẫy” việc làm thêm ngày Tết

Là sinh viên năm cuối, Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM, Nguyên đã đăng thông tin tìm việc làm thêm tết trên một diễn đàn với lý do “điều kiện kinh tế không cho phép về quê ăn tết cùng gia đình nên đành lòng ở lại tìm việc làm ngày tết cho khuây khỏa cũng như kiếm thêm một chút thu nhập.”

Là con trai, Nguyên vẫn sẵn sàng nhận những công việc tưởng như chỉ dành cho chị em: “Em nhận trông nhà ngày Tết Nguyên đán 2014 cho gia đình anh/chị nào cần giúp gia đình hương khói trong ngày Tết nguyên đán 2014, thắp nhang đơn giản và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chăm sóc chó mèo (em đặc biệt yêu quý cho mèo), chăm sóc cây cảnh và khuôn viên. Đảm bảo an toàn, chu đáo, cẩn thận. Em cũng đã có thâm niên làm công việc này 2 năm rồi đều không xảy ra bất cứ sự cố gì.”

Hay Thoan, cô sinh viên sinh năm 1993, đang học trường Cao đẳng Kinh Tế - Kỹ Thuật Sài Gòn, quê ở Thanh Hóa, đăng tin trên diễn đàn webtretho, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tết này không về quê, muốn tìm một công việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập sang năm có khoản tiền đi học tiếng Anh.

Hầu hết các bạn trẻ dù cả năm đi học xa nhà vẫn chấp nhận không về nghỉ tết và tìm công việc làm thêm đều xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, mong muốn trong vài ngày tết với thu nhập gấp đôi, gấp ba ngày thường sẽ phần nào san sẻ gánh nặng với cha mẹ.

Như trường hợp của Thoan, là con cả trong gia đình có 3 chị em, bố mẹ đều làm nông ở miền quê nghèo Triệu Sơn, Thanh Hóa, đây không phải cái tết đầu tiên Thoan không được đoàn tụ với gia đình.

Thoan tâm sự: “Lúc đầu em định tết này sẽ về với bố mẹ, nhưng vé xe khách đắt quá nên em đành ở lại. Em gọi điện nói rõ như vậy, bố mẹ cũng hiểu và động viên em ở lại làm, vì làm tết bao giờ lương cũng cao hơn nhiều. Năm ngoái em trông nhà cho một gia đình công chức đi du lịch cũng được trả 400.000/ngày, sau đợt làm cũng dành dụm được vài triệu.”

Chớp thời cơ “giăng bẫy”

Khi sinh viên tự “quảng cáo” bản thân cũng là lúc các trung tâm giới thiệu việc làm đưa ra những lời mời chào với công việc nhẹ nhàng và mức lương hấp dẫn trong kỳ nghỉ tết, không ít trong số đó là những cái bẫy được giăng sẵn, chỉ chờ “con mồi” là các bạn sinh viên còn non nớt “sa lưới.”

Nguyên, Thoan là những bạn trẻ may mắn đã không rơi vào cạm bẫy việc làm thêm tết của một số trung tâm “ma”. Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp khác đã vô tình “sa lưới” và có những bài học đáng nhớ. 

Chỉ cần gõ từ khóa “làm thêm tết” là đã có hàng loạt kết quả cho bạn lựa chọn. Hầu hết những quảng cáo này đều “ưu tiên” sinh viên năm nhất, năm hai, đồng thời có những lời giới thiệu rất hấp dẫn như: “việc làm thêm để tăng thu nhập giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình hoặc bản thân rất tốt” cùng hứa hẹn về mức lương “trong mơ” với sinh viên dù chỉ trong một thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, dịp gần tết, tại các biển quảng cáo công cộng, các điểm xe buýt, thậm chí là cột điện đều dán đầy các mẩu tin tuyển dụng nhân viên làm thời vụ tết.

Những mẩu tin không có thông tin, địa chỉ rõ ràng mà thông thường chỉ có số điện thoại liên hệ tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro với những bạn trẻ đang khao khát tìm được một công việc làm thêm, đặc biệt là trong dịp tết.

Hồng Loan, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Tài nguyên môi trường Hà Nội kể lại sự việc bị “sa lưới” của mình năm ngoái. Sau khi liên hệ theo số điện thoại trên tờ rơi được phát trước cổng trường sau giờ học, Loan rủ người bạn cùng phòng đến “văn phòng” giới thiệu việc làm ở phố Tam Trinh để trao đổi công việc.

Khác với những gì cô bạn tưởng tượng, gọi là văn phòng nhưng ở đó chỉ có 2 chiếc bàn với ít giấy tờ, không hề có biển hiệu tên cơ sở là gì, nhất là theo lời Loan “người ở đó trông cũng chẳng ra dáng nhân viên gì cả”.

Tuy nhiên, vì háo hức đi làm kiếm tiền về sắm tết, Loan vẫn nộp hồ sơ với lệ phí 50.000 đồng. dù lúc đầu trên tờ rơi ghi rõ “không cần nộp lệ phí”. Không chỉ vậy, một nhân viên ở đây lại dẫn Loan và người bạn sang một “văn phòng” khác để “phỏng vấn”. Sau màn phỏng vấn ấy, nhân viên ở đó lại yêu cầu nộp lệ phí 150.000 đồng nếu muốn đi làm luôn vì dịp tết số người đăng ký rất nhiều.

Đoán ra mình đã bị lừa, Loan nói dối không chuẩn bị đủ tiền nộp nên sẽ quay lại sau rồi “chuồn thẳng”. Loan chia sẻ: “Cũng may mình nhận ra là bị lừa không thì chẳng biết sẽ phải nộp thêm bao nhiêu tiền nữa. Năm nay dù vẫn có ý định tìm việc làm thêm tết nhưng cũng thấy sợ.”

Tranh thủ ngày tết ông Công ông Táo, Loan cùng một số người bạn đi bán cá vàng.
Tranh thủ ngày tết ông Công ông Táo, Loan cùng một số người bạn đi bán cá vàng.

Nếu Loan may mắn không bị thiệt hại quá nhiều thì Hải, sinh viên Đại học Giao thông vận tải Hà Nội lại rơi vào cảnh ngộ khó có thể lường trước. 

Tết năm ngoái, Hải ở lại thủ đô xin làm phục vụ cho một quán cà phê ở phố Hàng Nón. Mặc dù làm thời vụ nhưng cửa hàng này vẫn có hợp đồng rõ ràng khiến Hải an tâm. Sau 10 ngày làm thêm, Hải bị chủ quán bắt chẹt, phải đền bù vì nghỉ ngang, dù trước đó có thỏa thuận về thời gian làm việc. Cậu không ngờ được rằng, bản hợp đồng có vẻ rất minh bạch kia là “có thời hạn”, song lại không ghi rõ trong bao lâu.

Còn vô vàn cái “bẫy” mà sinh viên làm thêm tết sẽ phải đối mặt như: bẫy tiền lương, bẫy thời gian làm việc, thậm chí là bẫy công việc nhạy cảm đã và đang được giăng sẵn, chỉ cần mất cảnh giác là các bạn trẻ hoàn toàn có thể phải gánh chịu những thiệt hại vật chất, và đáng buồn hơn là những tổn thất về tinh thần.

Bởi vậy, mong muốn kiếm tiền trong dịp tết là hành động thiết thực với một số bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, nên cẩn thận và đề phòng trước những lời mời chào ngon ngọt của các trung tâm việc làm để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc.

Theo Thảo Nguyên
Lao Động