Sinh viên Nhật Bản góp phần "cứu" rừng đước Việt Nam

(Dân trí) - Trong tám năm qua, hàng trăm sinh viên các trường đại học ở Nhật Bản đã dành kỳ nghỉ hè của mình để tham gia khôi phục những cánh rừng đước ở huyện Cần Giờ, TPHCM. Họ ngâm mình trong cánh rừng đước trong nhiệt độ xấp xỉ 40 độ C để “cứu” cây đước.

Những sinh viên này là thành viên của Hội Nam Du, một tổ chức phi chính phủ về môi trường có trụ sở tại thành phố Nagoya, Nhật Bản.

Sinh viên Nhật Bản góp phần "cứu" rừng đước Việt Nam  - 1
Các thành viên Hội Nam Du nhổ bỏ những tầng cây thấp ảnh hưởng đến sự phát triển của cây đước ở huyện Cần Giờ, TPHCM năm 2009.

Kể từ năm 2002, Hội Nam Du đã phái sinh viên Trường đại học Nanzan ở Nagoya và sinh viên nhiều trường khác đến tham gia khôi phục rừng đước bị phá hủy trong chiến tranh ở Cần Giờ.

Theo Asahi, cây đước không chỉ là cái nôi cho sự phát triển cuả hệ sinh thái nhiệt đới ven biển mà còn đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn sự xói mòn bờ biển bởi bão và sóng thần. Huyện Cần Giờ của TPHCM là quê hương của nhiều loài đước. Vào năm 2001, Cần Giờ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) chỉ định là Khu dự trữ sinh quyển.

Cùng với các sinh viên Việt Nam, thành viên Hội Nam Du đã khôi phục và quản lý các cánh rừng đước trên diện tích 50 héc ta ở Cần Giờ.

Khi các dự án trồng đước hoàn thành năm 2006, Hội Nam Du lại tập trung vào việc chăm sóc một giống đước mới trồng có tên "Rừng trao đổi văn hóa giữa bạn trẻ Nhật Bản và Việt Nam".

Tháng 8 vừa rồi, một nhóm gồm 34 thành viên Hội Nam Du, sinh viên Trường ĐH Nanzan và các trường khác đã đến Cần Giờ chăm sóc rừng đước, loại bỏ những tầng cây thấp mọc dưới cây đước và kiểm tra việc tăng trưởng của cây đước.

Các sinh viên đến từ Nhật Bản cũng bắt đầu việc trồng thử nghiệm cây đước trong các vùng nước ngập mặn bị bỏ hoang khác ở Cần Giờ.

Fujimoto, một chuyên gia về môi trường rừng đước trên thế giới, đã khảo sát rừng đước ở Cần Giờ từ cuối những năm 1990. Sau khi làm cố vấn cho Hội Nam Du một thời gian, anh trở thành người chỉ huy thứ hai của nhóm và từ đó hướng dẫn các sinh viên những kỹ thuật trồng đước.

Phần lớn thảm thực vật nhiệt đới dưới nước của Cần Giờ đã được phục hồi nhờ những nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ như Hội Nam Du và chính quyền TPHCM cũng như hỗ trợ chính thức của chính phủ Nhật Bản. Nhưng theo chuyên gia Fujimoto, vẫn còn có nhiều việc phải làm.

"Việc khôi phục rừng đước mất nhiều thế kỷ. Cho đến khi cây đước có thể tự sống sót thì việc bảo tồn chúng là hết sức quan trọng", Fujimoto cho biết.

Xuân Vũ
Theo Asahi