Sinh viên “nghiến răng” chi tiêu
(Dân trí) - Học tập và sinh hoạt dựa vào trợ cấp của gia đình, sinh viên vẫn thường được xem là đối tượng thuộc diện nghèo. Nhưng rất lạ đời đây là đối tượng chi tiêu “hơn người” khi phải gánh giá sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố.
Gánh nặng tiền trọ
Tiền nhà trọ luôn là gánh nặng hàng đầu đối với sinh viên (SV) xa nhà. Thông tin nhà trọ SV lại tăng giá được nhắc đến thường xuyên, không chỉ mỗi năm một lần mà những dịp như đầu năm học, sau hè, sau tết… luôn là cái cớ để chủ nhà trọ tăng thêm “chút đỉnh”. Để rồi cứ hai ba tháng một lần, các khoản chi tiêu vốn đã luôn thiếu trước hụt sau, SV lại phải tiếp tục “bóp bụng” dành cho khoản ở trọ.
Nguyễn Thị Quyên, SV trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho biết, cô ở tại một phòng trọ ở gần cầu Ông Lãnh (Q.1, TPHCM) từ giữa năm 2010 với giá thuê lúc đầu là 1,8 triệu đồng. Sau hơn hai năm, mức giá hiện tại của căn phòng 24m2 là 3,5 triệu mà đến người thuê trọ cũng không nhớ đã qua bao nhiêu lần tăng giá.
“Phòng 5 người ở, mỗi tháng cả điện nước mình phải trả từ 850.000 - 900.000 đồng, chiếm 1/3 tổng tiền chi tiêu. Vì nhà trọ tăng giá nhiều lần, SV không kham nổi nên lần lượt rất nhiều người phải chuyển đi tìm chỗ khác rẻ tiền hơn. Đảm bảo giờ đến cuối năm, hoặc cùng lắm sau Tết lạ tăng tiếp cho xem”, Quyên nói.
Vì áp lực đó nên SV có nhiều xu hướng tìm nhà trọ ở vùng ven, ngày càng xa trường học với giá mềm hơn. Nhiều người cũng chấp nhận thuê những chỗ ở khó chật chội ẩm thấp, khó để gọi là phòng, hoặc phải ở ghép rất đông để mong bớt gánh nặng tiền thuê phòng. Đồng nghĩa với việc quãng đường đến trường xa hơn, chỗ ở, sinh hoạt bí bích, chật chội, ngột ngạt hơn…
“Phòng mình 12m2 trước ở 3 người giờ lên 6 người. Nói là chỗ ở chứ thật ra chỉ chổ để ngủ, mỗi khi ngủ trở người cũng không nổi. Hàng ngày phải sống trong cảnh đi ra đi vô đều đụng đầu nhau rất mệt mỏi”, Tiến - SV Trường CĐ Điện lực TPHCM kể khổ. Nhưng đó là cách duy nhất để họ giảm được tiền trọ cho căn phòng có giá gần 2 triệu đồng.
Chi tiêu thiết yếu đều “hơn người”
Ngoài tiền trọ là khoản cố định phải trả hàng tháng, nhiều chi tiêu thiết yếu khác như điện, nước, gas… mà SV sử dụng cũng vô cùng đắt đỏ. Giá cả các khoản này áp dụng tại nhiều nhà trọ, “nhẹ nhẹ” cũng đã cao hơn gấp 3 lần do với giá sinh hoạt chung, chưa để nhiều nơi “loạn” giá điện nước thì SV phải chịu giá cao hơn nữa.
Từ bao năm nay, giá điện được nhiều chủ nhà trọ tại TPHCM áp dụng cho người thuê nhà ở mức 3.000 - 3.500 đồng/số, họ phớt lờ hết mọi quy định về mức giá điện cho người thuê trọ. Mức giá này đắt gần gấp 3 lần quy định, hàng tháng mỗi SV phải trả số tiền điện không nhỏ nhưng ẫn được xem là mức SV… chấp nhận được.
Bởi không ít nơi chủ nhà còn thu với giá 4.000 - 5.000 đồng số điện hoặc đặt ra những cách thức thu tiền đáng sợ như tính theo đầu người, theo đồ dùng sử dụng trong phòng… Có SV rơi vào cảnh không dám sử dụng máy tính, máy quạt vì không gánh nổi tiền điện.
Tiền nước ở nhiều khu trọ SV cũng “loạn” không kém. Tại nhiều khu vực như ở Q.12, Gò Vấp, Bình Tân… SV sử dụng nước giếng khoan cũng phải trả với mức giá 5.000 - 10.000 đồng/m3 - đắt hơn nhiều giá nước máy thực tế. Còn nơi nào “sang” hơn có nước máy SV có thể phải trả giá rất cao từ 12.000 - 20.000 đồng/m3. Nhiều chủ nhà cho SV xài “trọn gói” tiền nước với mức thấp nhất cũng phải 50.000 đồng đến cả trăm nghìn đồng/người/tháng.
SV Nguyễn Thị Huyền, thuê trọ ở đường số 20, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TPHCM cho hay khu trọ mình ở 16 phòng, tiền điện là 3.000 đồng số và tiền nước 17.000 đồng/m3. Mỗi tháng phòng 3 người dùng tiết kiệm cũng hết gần 400.000 đồng tiền điện nước.
Một trong những khoản chi tiêu cơ bản SV phải gánh giá cao "è cổ" là tiền gas đun nấu hàng ngày. Với điều kiện của mình, hầu hết SV dùng bình gas mi ni, khoản tiền phải trả cho việc đun nấu rất cao. Mặc cho thị trường gas tăng hay giảm thì giá bình gas mi ni chỉ có tăng chứ không giảm, chưa kể trọng lượng càng ngày càng nhẹ.
Hiện mỗi bình ga mi ni SV thường dùng có giá từ 6.000 - 7.000 đồng, so với năm 2010 tăng gấp đôi. Với một mình gas đong thiếu trước hụt sau, SV chỉ có thể dùng đun nấu cho một bữa ăn.
Với khoản tiền trợ cấp từ gia đình, SV phải dành rất nhiều cho các khoản tiền chi tiêu cố định hàng tháng mà nhiều chỉ biết lắc đầu khi “SV nghèo nhưng chi tiêu hơn đại gia vì… chẳng đại gia nào phải trả tiền điện, tiền nước cao ngất ngưởng đến thế”.
Đây là những khoản không thể cắt nên nhiều SV buộc phải liên tục tìm cách cắt giảm các khoản chi khác như ăn uống, sinh hoạt hàng ngày và cả việc đầu tư cho việc học... xuống mức thấp nhất có thể.
Chính các khoản chi tiêu ở thành phố quá đắt đỏ cũng là nguyên nhân đẩy SV vào cảnh khó khăn trên con đường học hành. Theo thống kê gần đây nhất của Bộ GD-ĐT, đã có 1.163 SV ở 180 trường ĐH, CĐ trên cả nước phải bỏ học do không có khả năng đóng học phí.
Để tạo điều kiện cho SV đến trường, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Chương trình Công tác HS-SV, trong đó nhấn mạnh yêu cầu các trường cần chủ động tìm kiếm các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để giúp đỡ HS-SV khó khăn về kinh tế. Đặc biệt không để HS-SV phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí cũng như đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho SV.
Hoài Nam