Sinh viên nghỉ Tết: Dùng dằng nửa ở, nửa về!

Muốn về quê, muốn hưởng cái không khí ấm cúng của ngày Tết. Nhưng lại không dám về nhà, hay không muốn về nhà? Thực tế đang có những sinh viên dùng dằng nửa ở nửa về.

Mặc dù đã thi xong, các bạn cùng phòng kéo nhau về quê, nhưng Thế (ĐH Nông lâm) vẫn chưa định ngày về. Năm nào cũng thế, mỗi lần về quê là mỗi lần cậu ngán ngẩm. Bởi tội của cả năm trời được bố mẹ, anh chị em gom lại để hỏi trong những ngày Tết. Nào là cả năm không về thăm nhà lấy một lần, một lá thư hay cuộc điện thoại thăm hỏi cũng không có. Chưa kể, những thông tin nghe được từ bạn bè: cầm xe, thi lại, đi chơi, đều được đưa ra tra khảo.

 

"Mình có 4 chị gái đã lập gia đình. Tết về, đi tới nhà chị nào cũng bị la chuyện này chuyện kia. Lúc thì tóc dài, khi thì quần rộng... Nghe riết thấy mệt. Năm trước, 30 Tết mới về, mấy ngày nghỉ đi đánh bài với bạn, không hề xuất hiện trong nhà luôn. Năm nay về chắc là mệt".

 

Đến lúc này, T cũng chưa quyết định về quê hay không trong dịp Tết. "Có vài người bạn ở thành phố, có thể đến nhà họ ăn Tết. Không thì đi Bến Tre chơi Tết cũng vui", anh bạn suy tính.

 

Không sợ gia đình la mắng, nhưng Thanh Phong, SV Sư phạm kỹ thuật cũng không muốn về ăn Tết sớm. Cả năm học hành, làm thêm, học thêm... Phong không còn thời gian dành cho bạn bè. Sau khi thi hoc kỳ xong - ngày 20/1, Phong sẽ thiết kế để đi chơi vài nơi. 28 Tết quay về nhà. Nói là thế, nhưng một người bạn bật mí: "Nhà Phong buôn bán, nên cuối năm thường nhiều việc. Anh chàng sợ phải... đổ mồ hôi đấy!".

 

Trong thời gian sống chung với bạn gái, Tuấn Anh đã rất cẩn thận, thậm chí với cả bạn bè. Mỗi lần có người nhà, cậu thu xếp đâu vào đấy. Nhưng không ngờ, mới đây, mẹ lại phát hiện có quần áo nữ trong tủ. Thế là một ngày ngồi nghe quở trách. Sau đó bố gọi điện vào, bà ngoại thì... đòi chết.

 

Mấy tháng rồi, bố đòi "bằm trăm mảnh" khi thấy mặt thằng con. Càng gần đến Tết, Anh càng lo lắng. Hôm qua, anh chàng đã phải gọi điện năn nỉ mẹ: "Mẹ nói sao cho bố bớt nóng giùm con". Và dặn dò các bạn của mình để không tiết lộ những thông tin khác. Nói giùm với bố mẹ là không còn sống chung, cũng không còn liên lạc với người yêu.

 

Cảm giác của Tuấn Anh bây giờ là nôn nao, pha lẫn lo lắng và hối hận. Làm cho gia đình buồn, có lẽ không người con nào mong muốn.

 

Bỏ học cả năm nay, nhưng Diễm, SV Văn Lang vẫn không dám cho gia đình biết. Ba mẹ nghe tin, muốn xác định thực hư. Qua điện thoại, dễ dàng chống chế. Nhưng cái Tết này là nỗi ám ảnh. Kỳ hè có thể không về vì bận việc, vì phải học thêm, nhưng Tết thì không có lý do gì để... trốn cả.

 

Ngồi tỉ tê, Diễm không khỏi hối hận. Lúc quyết định bỏ học, cũng sợ, không biết giải thích thế nào với gia đình. Nhưng chán quá, nhắm mắt làm liều. Tết này cùng lắm là chịu một trận đòn và không cho lên Sài Gòn nữa. Nhưng cô sẽ xin gia đình đi làm xem ba mẹ có đồng ý không.

 

Không chịu nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ, Minh Thức
"quẩy" balô từ Vũng Tàu lên Sài Gòn lập nghiệp thay vì ôn thi ĐH tiếp. Hồi hè, Thức tuyên bố trước bà con họ hàng: "Lúc nào giàu con sẽ quay về". Một mình bươn chải ở thành phố không phải là chuyện dễ. Thức vừa làm vừa học thêm đồ hoạ vi tính. Suốt ngày chạy sô với đủ thứ công việc cũng chỉ đủ để trang trải những nhu cầu cần thiết.

 

Cuối năm, Thức cũng nôn nao như bao người con xa quê khác, cũng muốn có một cái Tết ấm cúng cùng gia đình. Thế nhưng, Thức ngậm ngùi: "Tìm vài công việc để làm cho đỡ buồn. Lỡ thể hiện chí nam nhi rồi. Mong là năm sau có cái gì đó để còn có đường về".

 

Tốt nghiệp khoa Pháp (ĐH Huế), Lệ Huyền về làm nhân viên cho một công ty Du lịch ở ĐakLak. Đi làm nửa năm nay, nhưng với lương thử việc 300.000 đồng/tháng, Huyền không mặt mũi nào về gặp bố mẹ. Tiền về thì có, nhưng tiền vô lại ở đâu...Và còn cả 1 tháng nữa mới lãnh lương, tiền đâu để chi tiêu, không lẽ lại ngửa tay xin.

 

Theo Đoan Trúc  

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm