Sinh viên học thế nào?
Đây là nỗi lo của rất nhiều sinh viên năm 1. Bởi không phải ai cũng sáng tạo ra phương pháp học riêng và tự tin thực hiện theo đúng kế hoạch.
Nhưng nếu có vài kĩ năng tự học cơ bản, thì bạn không cần phải căng thẳng… Tùy bạn sắp xếp lịch học và tự đặt mục tiêu cho mình, kèm theo các phương pháp tham khảo sau đây
Tư duy, phân tích sâu hơn một vấn đề
Các môn như: triết học, xã hội học, tâm lý học… đều khiến bạn hơi khó khăn trong việc nắm bắt vì những định nghĩa hơi trừu tượng, phức tạp và khó hình dung. Do vậy, nên tập trung vào các ví dụ mà giảng viên đưa ra. Từ ví dụ cụ thể ấy, bạn hãy biết liên tưởng và kết hợp từ kiến thức có được để hiểu sâu hơn về định nghĩa ấy…, đồng thời tìm thêm các trường hợp khác mà bạn nghĩ ra…
Chẳng hạn như đối với môn tâm lý, bài tập đưa ra là: “Có nên lên án hành vi của người đang say rượu hay không?”, bạn cũng nên tự tạo thêm một số bài tập khác dựa trên thực tiễn, tự phân tích, đúc kết, bạn sẽ cảm thấy việc học thú vị hơn.
Đừng ù lì và chỉ biết tiếp thu lời giảng một cách máy móc. Chủ động, tích cực và linh hoạt hơn trong cách tiếp cận kiến thức, bạn hiểu bài nhanh hơn và việc học cũng chất lượng hơn.
Đọc và đọc
Đọc sách, nghiên cứu tài liệu, tranh thủ tìm thêm những quyển giáo trình phục vụ cho việc học… Chẳng cần phải thuộc lòng như thời phổ thông, cũng không nhất thiết đọc từ đầu đến cuối theo trình tự. Hãy đọc xem như giải trí, bồi bổ tri thức cho tâm hồn, thích phần nào đọc phần đó. Nhưng đọc phải hiểu và suy ngẫm, đọc phải ghi vào đầu.
Khi học mà bạn không đọc trước tài liệu, bạn sẽ cảm thấy có rất nhiều vấn đề khó hiểu. Chịu khó đọc trước, bạn sẽ ít phải tư duy, và cũng theo kịp lời giảng hơn.
Tự diễn đạt quan điểm bằng lời
Khi có một vấn đề trong bài được đặt ra, bạn phải tự diễn đạt ra bằng lời và nói lên quan điểm ấy bằng cách xung phong chẳng hạn. Nếu không, bạn có thể tự nói với chính mình, hoặc ghi ra giấy. Việc này khiến não bộ phải hoạt động liên tục và cách diễn đạt của bạn cũng sẽ trôi chảy hơn, phục vụ tốt khi kì thi gần bắt đầu
Nên “quan trọng hóa vấn đề” một tí
Tất nhiên không phải suốt ngày lo lắng, thấp thỏm trong tuyệt vọng mà chẳng hành động gì để cải thiện. Tuy nhiên, bạn phải có trách nhiệm với việc học của mình và tránh những tác động bên ngoài (lười học, tâm lí không ổn định, bị rủ rê cúp tiết, buông thả bản thân…). Hãy xem việc học đại học cũng quan trọng như khi bạn đang học lớp 12 vậy. Vẽ ra viễn cảnh nếu phải thi lại nhiều môn bạn sẽ thế nào, ra sao, từ đó sẽ chăm chỉ hơn và nghiêm túc hơn khi đã trở thành sinh viên.
Tự chọn môi trường học tập cho mình
Hãy kết bạn với những ai có cùng quan điểm, sở thích và cách học giống bạn, tự rèn luyện bản thân trong khuôn khổ (thay vì đi chơi thì vào thư viện, thay vì ngồi online thì đọc sách tham khảo, dù môn học có chán đến mấy cũng phải ráng đến lớp nghe giảng…). Chỉ cần tạo cho bản thân môi trường học tập tốt, thì bạn cũng sẽ gặt hái được kết quả như mong đợi.
Theo Mực Tím