Sinh viên Hàn thời khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi bộ phận trong xã hội Hàn Quốc. Sinh viên Hàn cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng. Với gánh nặng học phí, áp lực công việc ngày càng đè nặng, họ đã và đang thay đổi như thế nào để thích ứng?
Nếu như trước đây, những môn học đơn giản, dễ kiếm điểm rất được ưa chuộng thì giờ đây, sinh viên Hàn đang đổ xô đăng ký các môn học thực tế hơn để phục vụ cho công việc như: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh công sở, Phương pháp thuyết trình…
Gần đến giờ đăng ký, sinh viên chăm chăm bên chiếc máy tính để click cho bằng được những môn học "thời thượng", có môn chỉ sau 1 phút là đã có đủ số lượng sinh viên. Thậm chí nhiều sinh viên còn tận dụng chương trình Macro (tự động thực hiện các lệnh lặp đi lặp lại chỉ bằng một lần nhấp phím) để đăng ký.
Gần đây, dòng rao vặt của một sinh viên Đại học Busan tại bảng thông báo trong trường đã gây xôn xao trên giảng đường. Nội dung của dòng tin như sau: "Dưới đây là 4 môn học, những bạn nào đã đăng ký rồi mà thấy không cần thiết nữa xin hãy bán lại cho tôi. Tôi không còn cách nào khác ngoài cách này để tốt nghiệp. Tôi sẽ trả tiền 5 man won (50 nghìn won, tương đương khoảng 40USD) cho 1 môn".
Hiện tượng “Solo” và “Cấm click chuột - cấm gõ phím”
Sinh viên ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động phát triển năng lực cá nhân, tìm việc làm, tham gia các lớp học ảo, do đó các hoạt động tập thể, quan hệ xã hội giảm đi đáng kể. Một mình nhưng không phải kiểu bị bạn bè bỏ rơi, xa lánh, mà là một mình để tận dụng thời gian cho bản thân một cách hiệu quả hơn.
Những sinh viên thuộc dạng này luôn mang theo bên mình chiếc laptop, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp họ đang cặm cụi với laptop ở khắp nơi trong trường: lớp học, thư viện, nhà ăn, thậm chí ở cả sân vận động. Do đó nhiều bảng cấm mới đã xuất hiện trong trường, nhất là những nơi cần không gian yên tĩnh như thư viện, phòng nghỉ, bảng "Cấm nói chuyện" trước giờ đã bị tháo đi, thay vào đó là bảng "Cấm click chuột - cấm gõ phím"!
Tuy không còn mặn mà với các hoạt động tập thể, la cà với bạn bè, nhưng sinh viên Hàn rất chăm chỉ… kết bạn nước ngoài để luyện tập tiếng Anh. Nhất là khi các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn ngày càng chú trọng khả năng nói tiếng Anh lưu loát. Trong ký túc xá, số lượng sinh viên đăng ký nguyện vọng ở chung với sinh viên nước ngoài tăng đáng kể, và hiện tượng "cặp kè" với sinh viên nước ngoài ngày càng thịnh hành như một trào lưu.
Không rượu bia - Không album tốt nghiệp!
Thế nhưng, gần đây rất nhiều trường đại học đã phát động phong trào "Cắm trại không rượu", thậm chí bỏ hẳn hoạt động cắm trại, để tiết kiệm chi phí. Thay vào đó, Hội Sinh viên tổ chức các buổi hướng nghiệp, hướng dẫn chọn môn học, kiểm tra tính cách - năng lực cho các tân sinh viên. Xu hướng này đang được sinh viên và xã hội rất ủng hộ.
Lễ tốt nghiệp của sinh viên Hàn cũng thay đổi khá rõ trong thời khủng hoảng. Đối với họ, chụp hình kỷ niệm khi tốt nghiệp là một hoạt động rất ý nghĩa.
Thông thường một sinh viên sẽ phải chi khoảng 200 USD để mua quần áo và trang điểm cho album này (chưa kể chi phí chụp hình). Thế nhưng theo thống kê của trang www.career.co.kr, có tới gần 40% sinh viên từ bỏ ý định chụp hình tốt nghiệp năm nay vì chi phí cao và cảm thấy không cần thiết.
Gần đây sinh viên còn có phong trào mua quần áo cao cấp tại các trung tâm thương mại, sau khi chụp hình xong, họ trả lại hàng (khách được phép trả hàng trong vòng 7 ngày). Một bạn sinh viên cho biết: "Lúc đầu tớ cũng thấy hơi xấu hổ, nhưng phần lớn các bạn cùng khóa đều làm cách này nên mình cũng không thấy ngại nữa".
Tiết kiệm tối đa
Xăng dầu, giá cả leo thang, sinh viên Hàn cân đo đong đếm từng khoản chi phí và tìm cách tiết kiệm đến mức tối đa. Thay vì đi xe buýt, tàu điện ngầm, họ chọn xe đạp, school bus, hay cuốc bộ đến trường. Các tiệm photo quanh trường luôn đông nghẹt khách vì giá sách quá cao, sinh viên chỉ photo những phần cần thiết hoặc photo nguyên cả quyển sách.
Hội Sinh viên cũng tích cực tổ chức các buổi trao đổi, mua bán sách giáo khoa giữa các năm. Trên các tạp chí của sinh viên, có nhiều chuyên mục hướng dẫn cách tiết kiệm, mua đồ second-hand giá rẻ, hoặc cách tái sử dụng những vật tưởng như bỏ đi. Vào những kỳ nghỉ, sinh viên không đi du lịch, hay du học như trước kia mà đi làm thêm để đóng học phí.
Các trung tâm thương mại, thời trang, nhất là khu cao cấp, trước đây nhộn nhịp bao nhiêu thì bây giờ vắng vẻ bấy nhiêu, giới trẻ Hàn có lẽ đã bớt đi shopping hơn xưa, cho dù đó là dịp cuối tuần, hay các dịp khuyến mãi rầm rộ.
Theo Hồ Thảo
Sinh Viên Việt Nam