Sinh viên đua nhau lập “sòng” cuối năm
(Dân trí) - Đánh bài ăn tiền được xem là trò “giải trí” khá phổ biến trong giới sinh viên thì những ngày này, nhiều trường đã nghỉ học, thêm không khí… sắp Tết nên ở nhiều nơi có thể thấy sinh viên vào “sòng”.
Xóm trọ thành “sòng”
Nhiều dãy trọ sinh viên (SV) những ngày cuối năm trở nên rôm rả hẳn vì nhiều “sòng” được lập, không chỉ một hai phòng mà có dãy nhiều phòng cùng trở thành "tụ điểm" để SV sát phạt nhau.
Tại khu trọ trên đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp, TPHCM) nơi tập trung SV các trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Văn Lang…, từ sáng sớm, những tiếng lẻng xẻng của quân cờ cá ngựa lai vang lên tại phòng trọ của cậu SV tên L. Lâu nay, chơi cá ngựa ăn tiền đã là thú vui của L. và cậu bạn trong phòng cùng một số thanh niên ở trong xóm thế nhưng những ngày này thì mật độ chơi dày đặc và số tiền đánh cũng cao hơn.
Mọi ngày, họ thường bê bộ bàn ghế nhựa ngồi đánh ngay lối đi lại của dãy trọ, nhiều SV khác cũng vây lại xem như đang theo dõi một trò giải trí thì bây giờ L đã thu “sòng” vào phòng, chốt kín cửa. Cậu nói: “Bọn mình chỉ đánh cho vui nhưng mấy hôm nay phòng nào cũng chơi, chơi nhiều tiền nên cẩn thận vẫn hơn”.
Từ sáng đến tối, 3 - 4 ổ bạc dần dần được lập lên tại khu trọ này, ngoài cá ngựa SV còn đánh tiến lên, phỏm… Cùng với những lá bài thắng thua những tiếng chửi thề, chửi tục của SV cũng dễ dàng được tuôn ra mỗi khi đi lỡ bước bài.
“Từ sáng đến xuyên đêm, hôm nào cũng có phòng đánh bài. Có bạn chơi nguyên ngày, chỉ mua vài cái bánh vừa ăn vừa đánh rồi hôm sau ngủ vật ra, tỉnh dậy lại chơi tiếp. Mê gì mà mê khiếp!”, Trần Thị Bình, SV một trường CĐ sống tại khu trọ này cho hay.
Phòng trọ là nơi được SV lập “ổ bạc” nhiều nhất vào dịp cuối năm. Nhưng bên cạnh đó các quán cà phê, quán trà sữa… cũng là địa điểm “họp mặt” lý tưởng của nhiều người.
Tại một quán cà phê trên đường D2 (Q. Bình Thạnh), từ tầm trưa các nhóm SV đến từ nhiều trường ĐH, CĐ kéo nhau vào chơi bài. Hay tại quán trà sữa H. ở đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) cũng là điểm “gặp gỡ cuối năm” của SV một số trường như ĐH Tôn Đức Thắng, Thủy lợi... Không chỉ nam nhi mà còn có sự góp mặt của nhiều nữ sinh. Họ không hề kém cạnh, cũng ngồi dạng chân, gác đùi, cười xả láng… với những quân bài.
Những tờ giấy treo nội dung “Không đánh bài dưới mọi hình thức” được treo ở các quán nước này dường như chỉ là hình thức nhắc nhở bằng lời, khách hàng cứ thoải mái với tiến lên, phỏm… nước nôi vẫn được phục vụ tận tình.
Chơi cho vui, thua tiền triệu
Hầu hết lý lẽ của SV khi đánh cờ bạc, nhất là dịp áp Tết là chơi cho vui, cho có không khí. Quả thật, ngoài những SV chơi bài có “số má”, sát phạt nhau tiền triệu thì không ít cô cậu nhập cuộc với kiểu chơi mà giới cờ bạc gọi là “cò con”. Chơi mấy ngàn lẻ giải trí, nghĩ chẳng thấm tháp vào đâu nhưng không ít SV điên cuồng lao vào vòng quay từ vài ba ngàn đó.
Những người trong phòng của Thanh Thảo - SV Trường CĐ Bách Việt vẫn chưa tin nổi việc cô bạn trong phòng tên Nhân chơi tiến lên cho vui với mấy chị trong xóm nhưng đến giờ đã thua mấy triệu đồng. Cô đã vay tiền tiền hết mọi người trong phòng, vay thêm bạn bè… để hy vọng gỡ lại vốn trước khi về quê.
Thanh Thảo cho biết, chơi mỗi ván chỉ 2 - 4 nghìn nhưng ván nào úng heo (hai), úng “hàng” (tứ quý hoặc ba đôi thông) hay bị đối phương chặt heo thì thua đến mấy chục ngàn. “Hôm đầu nó thắng hăng lắm, hôm sau đẩy số tiền đánh cao hơn, không ngờ thua triền miên, có đêm hết gần cả triệu bạc. Bảo nghỉ đi nó không chịu, cay cú lắm còn nói phải uýnh kiếm bằng được ít tiền về ăn Tết”, Thanh Thảo lắc đầu.
Với “món” cờ bạc, nhiều SV ban đầu đều nghĩ đánh vui thế nhưng khi đã dây vào thì rất khó dứt ra vì người thắng không chỉ muốn thắng tiếp mà còn khó nghỉ vì sợ mang tiếng “chuồn”. Còn người thua thì chẳng bao giờ muốn nghỉ vì hy vọng còn đánh còn gỡ lại vốn. Thế nên không ít SV khi thua thì xoay xở mọi cách như vay mượn, cầm đồ… để có tiền chơi tiếp.
ThS Phan Thị Luyện (ĐH Luật Hà Nội) cho hay đánh bài ăn tiền là một tện nạn được coi là phổ biến trong giới SV, không chỉ SV các trường ĐH, CĐ khác mà ngay cả SV trường Luật được trang bị kiến thức pháp luật cũng tham gia. SV coi đây là trò tiêu khiển những lúc nhàn rỗi nên các tụ điểm chơi cờ bạc của SV cũng xuất hiện nhan nhản nhiều nơi.
Đặc biệt, nhiều SV không tham gia cờ bạc nhưng vẫn cho rằng hành vi này là bình thường vì họ thường xuyên nhìn thấy hành vi này ngay xóm trọ, nơi công cộng và cho rằng SV chơi cho vui. “Chúng ta cần tạo môi trường văn hóa xã hội lành mạnh phục vụ cho hoạt động học tập và rèn luyện, vui chơi cho SV; cần nhiều địa điểm hoạt động sinh hoạt, các câu lạc bộ, nhóm… thu hút SV hơn nữa”, giảng viên này nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM), thực trạng đạo đức SV đang cần phải nhận diện và khắc phục. Tuy nhiên lâu nay, ở trường học giảng viên chủ yếu tập trung việc truyền thụ kiến thức chuyên môn, chưa coi trong việc giáo dục đạo đức cho SV hoặc nếu có thì nặng về hình thức, lý thuyết suông…
Bên cạnh “kẽ hở” từ nhà trường, nhiều người cho rằng, ở bậc phổ thông sự quản lý của gia đình với con cái chặt chẽ hơn thì khi vào đại học, cuộc sống, các em ít được gia đình quản lý, quan tâm đến việc học và sinh hoạt hàng ngày. Mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Chưa kể trong môi trường sống trọ, SV xa nhà cũng dễ bị lôi kéo, rủ rê tham gia các tệ nạn.
Hoài Nam