Sinh viên “9 phẩy”

Hoạt động Đoàn - Hội rất cừ, sân chơi nào cũng góp mặt và chơi ra trò, điểm trung bình học tập thường suýt “đụng trần”, cộng thêm điểm rèn luyện - đó là chân dung các “Sinh viên 9 phẩy”. Họ đã làm điều đó như thế nào?

“Cuộc sống mới là cuộc chơi lớn”

Nguyễn Hà Thảo Chi - SV năm 3, khoa ngữ văn - báo chí (ĐH KHXH&NV TPHCM), học cùng lúc ba lớp: Lớp ngữ văn, lớp cử nhân tài năng văn chương, lớp ngữ văn Anh hệ tại chức; là phó bí thư Đoàn khoa ngữ văn - báo chí.

Tôi thường nạp 30-40% kiến thức khi học trên lớp. Cách ghi chép cô đọng, trình bày hợp lý cũng là yếu tố để bài học vào đầu nhanh. Với mỗi môn học, dù là đại cương hay chuyên ngành, tôi cũng cố gắng tìm cái hay, cái mới để khám phá, tự tạo hứng thú cho mình.

Tôi hay thắc mắc và thường không thỏa mãn với những kiến thức trong giáo trình hay bài giảng của thầy cô nên tự tìm tòi thêm. Nếu đổ ra bài thi những gì giảng viên đã trao cho thì... rất chán! Tôi xem bài thi như là một cuộc chơi nhỏ, cuộc sống mới là cuộc chơi lớn. Để bài thi được 9, 10, bí quyết của tôi là ngoài việc đáp ứng đầy đủ những kiến thức cơ bản, bài thi còn cần thể hiện ý kiến cá nhân, những kiến thức tự tích lũy. Trang bị đủ những điều này, tôi thường “say” khi làm bài.

Vào chuyên ngành, tôi đọc thêm nhiều như là một nhu cầu suy ngẫm, rút ra điều gì khi khép lại trang sách chứ không phải bị “ép đọc”; học vì yêu thích nên tôi không thấy nặng nề và luôn muốn chủ động với kiến thức.

“Tôi chơi nhiều hơn học, nhưng...”

Sinh viên “9 phẩy” - 1

Nguyễn Huy Khánh - SV năm 1 hệ hoàn chỉnh ĐH khoa công nghệ thông tin - ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM: thành viên đội tuyển trường ba lần dự thi Olympic tin học SV toàn quốc, giải nhất cá nhân Olympic tin học SV toàn quốc 2004 khối không chuyên, nhì đồng đội lập trình SV quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á 2006; có mặt ở nhiều sân chơi ở trường...

Tôi chơi nhiều hơn học. Nhưng với quan niệm học là cho bản thân, tôi học môn nào nắm chắc môn đó. Ở lớp tôi nghe giảng là chính, chỉ ghi những gì cần thiết.

Trước kỳ thi, tôi hệ thống hóa lại kiến thức, ôn tập nhẹ nhàng. Chờ nước đến chân mới nhảy thì bài thi khó được điểm cao. Thi là cơ hội để sinh viên thể hiện mức độ hiểu môn học, cứ cố gắng hết sức rồi sẽ nhận được những kết quả xứng đáng. Một tấm bằng tốt nghiệp đẹp cũng là yếu tố gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Ưu điểm của tôi là hay ấm ức trước những gì chưa thật hiểu. Học qua Internet, bạn bè và qua các cuộc chơi... giúp tôi chủ động với kiến thức.

“Cái gì hiểu mới là tài sản của mình”

Sinh viên “9 phẩy” - 2

Nguyễn Vũ Ngọc Dung: ủy viên BCH Đoàn trường, ủy viên thường vụ Đoàn khoa kinh tế vận tải biển ĐH Giao thông vận tải TPHCM, SV ba tốt cấp thành 2005, kỷ lục gia SV 2006 với 69 thành tích trong học tập, công tác, làm thêm cả thông dịch viên, dịch thuật.

Tôi chơi nhiều bằng học nên thấy việc học nhẹ nhàng. Tôi thường “tiêu hóa” bài ngay trên lớp, đồng thời nếu cứ giữ tâm lý “ngán” các môn đại cương thì khó mà học được. Vì vậy, tôi cố gắng tạo cho mình tâm lý thoải mái, cởi mở hết sức để tiếp nhận bài giảng. Một số môn đại cương khi đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, tôi thật sự tìm được hứng thú để học. Đúng là không phải ngẫu nhiên mà những môn này được đưa vào chương trình, nếu không ứng dụng ngay thì sẽ ứng dụng trong tương lai.

Vào chuyên ngành, cách học của tôi có khác chút ít. Tôi đọc thêm nhiều sách, báo liên quan đến ngành học, nghiên cứu thêm những môn khác có tác dụng bổ trợ. Tôi không “học sáng tạo” mà “học phù hợp”, song không có nghĩa là không quan tâm đến tính sáng tạo. Phương châm học của tôi là học thì phải hiểu, cái gì hiểu mới thật in sâu, mới thật là tài sản của mình. Để làm được điều ấy, tất nhiên SV phải dành thời gian tìm tòi, đào sâu, mở rộng kiến thức. Tôi nghĩ rằng học ở ĐH được 9 phẩy là không khó nếu biết cách.

Theo Đào Trung Uyên
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm