Sĩ tử "cắm đầu ôn luyện", ao ước một điều khiến phụ huynh rơi nước mắt

H.H

(Dân trí) - Khi cô ra đề viết bài luận "Nếu có một điều ước ngay lúc này, bạn sẽ ước gì", T. đã viết một đoạn văn có câu mở đầu: "Tôi ước được ngủ".

Một tuần 7 buổi học thêm vẫn là... ít 

6h30 thứ hai, một tuần mới của T. bắt đầu sau ngày chủ nhật được "xả trại". T. đặt báo thức tự dậy, mang các giỏ quần áo lên sân thượng giặt, đi nấu ăn sáng rồi gọi các em dậy chuẩn bị đi học.

Kể từ khi bước vào giai đoạn nước rút, T. được "miễn giảm" một số việc nhà như dọn nhà, rửa bát, gấp quần áo. Em gái T. học lớp 4 làm các công việc này thay anh. Riêng bữa sáng thì T. vẫn nấu cho các em.

Sĩ tử cắm đầu ôn luyện, ao ước một điều khiến phụ huynh rơi nước mắt - 1

Ngày mới của sĩ tử 2k8 H.T.T bắt đầu từ 6h30 với hai công việc giặt quần áo và nấu ăn sáng

7h sáng, T. rời khỏi nhà. Trường cách nhà 2,5km nên T. tự đạp xe đi học. T. học ở trường từ 7h30 đến 16h15 thì rời trường tới lớp học thêm toán.

18h30, lớp học kết thúc, T. đạp xe về tới nhà lúc 19h. T. có 15 phút tắm táp trước khi ăn tối và có 45 phút để ăn uống và nghỉ ngơi.

20h, T. ngồi vào bàn học, bật máy tính, đeo tai nghe bình luận bóng đá trong lúc mở bài tập hình cô giáo giao ở lớp học thêm ra làm. Nghe bình luận bóng đá trong lúc giải toán là cách để T. giảm mệt mỏi trong giờ tự học. 

Sau khi hoàn thành bài tập toán, T. chuyển sang làm các đề luyện tiếng Anh của lớp học thêm tiếng Anh vào tối hôm sau.

23h30, T. lên sân thượng thu quần áo vào giỏ mang xuống nhà, vệ sinh cá nhân và lên giường đi ngủ khi đồng hồ điểm 0h sáng.

6h30 sáng thứ ba, ngày mới của T. lại bắt đầu với nhịp điệu như thứ hai. Có chút khác là tối nay T. sẽ về nhà muộn hơn - khoảng 20h30. T. sẽ không tắm mà ngồi vào bàn ăn luôn và thường ăn một mình.

Sĩ tử cắm đầu ôn luyện, ao ước một điều khiến phụ huynh rơi nước mắt - 2

T. ở lớp học thêm tiếng Anh nâng cao

21h, T. lên phòng học, giải quyết các bài tập ở trường và chuẩn bị bài cho buổi học thêm chiều tối thứ tư.

0h, T. đi thu dọn quần áo, vệ sinh cá nhân và lên giường đi ngủ. Giấc ngủ ít hơn tối thứ hai 30 phút nếu T. ngủ được luôn. Có hôm T. kêu với mẹ về việc bị trằn trọc tới 2h sáng "không hiểu vì sao".

6h30 sáng thứ tư, nhịp điệu ngày của T. lặp lại như thứ hai. Trong tuần, T. chỉ có 3 buổi được ăn cơm cùng bố mẹ và các em vì được về nhà "sớm".

Lịch học thêm của T. trải kín 6 buổi chiều tối từ thứ hai đến thứ bảy. Thứ hai, thứ tư, thứ năm là lớp toán cơ bản. Thứ ba và thứ bảy là lớp tiếng Anh nâng cao, thứ sáu là lớp văn nâng cao. Lớp toán gần trường nên T. tự đạp xe. T. được mẹ đưa đón đi học lớp văn. Một người quen gần nhà được mẹ T. thuê đưa đón T. đi học lớp tiếng Anh.

Sĩ tử cắm đầu ôn luyện, ao ước một điều khiến phụ huynh rơi nước mắt - 3

T. ở lớp học thêm toán

Thứ bảy, T. trống lịch buổi sáng, là ngày duy nhất trong tuần T. được ngủ đến 8h. Từ 14h15 chiều thứ bảy, T. lại bước vào lớp văn cơ bản kéo dài 2 ca. 17h30 kết thúc lớp văn, xe ôm đón T. đi đến lớp tiếng Anh ở Cầu Giấy cho kịp học ca 18h. 20h kết thúc lớp tiếng Anh, xe ôm đón T. về nhà. 20h30, T. mới được ngồi vào bàn ăn bữa tối.

Ngày chủ nhật tuy được nghỉ nhưng T. dậy sớm như ngày thường để đi đá bóng với CLB. T. có niềm đam mê với bóng đá nên giữa ngủ và đá bóng, T. chọn đá bóng. Tương tự, tối thứ 7, T. sẽ không học gì mà xem giải Ngoại hạng Anh đến khuya.

Chị K. mẹ T. cho biết, dù con đi ngủ sớm sẽ đảm bảo sức khỏe hơn nhưng chị muốn để con được tận hưởng và thư giãn thực sự với sở thích của mình giữa những ngày tháng mà chị gọi là "lao lực".

"Bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, T. bước vào giai đoạn học hành lao lực. Nhưng khi hỏi con có thấy vất vả quá không, con bảo bình thường vì lớp con ai cũng thế, nhiều bạn còn hơn thế", chị H.T.K, mẹ của T. bắt đầu câu chuyện.

T. đang học lớp 9 một trường THCS dân lập thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Năm lớp 7 và 8, điểm số ba môn toán - văn - Anh của T. thuộc top 5 trong lớp. Gia đình định hướng cho T. thi vào trường THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội). Tuy nhiên sau đó T. muốn thi thêm chuyên toán THPT Chuyên ĐH Sư phạm. Những bối rối, chênh vênh và nhiều lần "quay xe" theo dạng "xóa đi làm lại" của T. cũng từ đây.

T. bắt đầu học thêm từ hè lớp 7 sang lớp 8 với môn duy nhất là toán. Nhưng được hai tháng, T. phải nghỉ vì dịch Covid-19. Tới đầu lớp 9, T. học thêm trở lại với cô giáo chủ nhiệm cũ, tuần hai buổi 1 kèm 1. Vì tiến bộ nhanh, T. được cô khen ngợi, động viên. Điều này vừa giúp T. có cảm hứng với học tập, vừa khiến T. và mẹ đặt hi vọng vào việc thi chuyên chọn.

Để phục vụ việc thi chuyên của con, chị K. tìm thầy luyện thi. Tuy nhiên, khi chia sẻ về việc con trai chưa từng học toán nâng cao, những người thầy mà chị K tìm đến xin học đều từ chối dạy. Tưởng như phải bỏ cuộc thì tới tháng 12/2022, qua sự giúp đỡ của một người bạn, chị K đưa con trai tới gặp một thầy dạy toán có tiếng ở Hà Nội. Thầy nhận dạy T. một tuần một buổi vào sáng thứ bảy, học cùng 3 học sinh khác của thầy.

Tuy nhiên chỉ sau buổi thứ hai, thầy khuyên T. không nên thi chuyên vì đã quá trễ để ôn luyện. Lúc này, chị K. mới thực sự hiểu, chuyên chọn không dành cho những học sinh không đi học thêm từ nhỏ. Chưa kể, T. không phải cậu bé có tư chất xuất sắc. T. chỉ là một học sinh bình thường có sự yêu thích và tự giác với học tập.

Việc học thêm với thầy kéo dài chừng 3 tháng và gián đoạn nhiều buổi do thầy bận. Tháng 3/2023, T. nghỉ học. Dù tiếc vì con không được học với thầy nữa, chị K. vẫn cảm thấy có chút nhẹ nhõm bởi con có thêm một buổi cuối tuần nghỉ ngơi. 

Sĩ tử cắm đầu ôn luyện, ao ước một điều khiến phụ huynh rơi nước mắt - 4

Hình ảnh quen thuộc của T. mỗi buổi chiều vội vã đi đến các lớp học thêm.

Khi xác định con không thể thi chuyên, chị K khuyên con trai không nên đăng ký hồ sơ, tránh tư tưởng phân tán, chỉ nên tập trung ôn luyện để thi trường THPT Nguyễn Tất Thành. "Con muốn đăng ký thi thử các trường để xem khả năng của mình ra sao. Tôi nói con không cần thử. Chân mình đi giày số 40 thì chỉ nên thử với chiếc giày số 41. Chứ chiếc giày số 43 mà vẫn muốn xỏ chân vào là không biết mình là ai. Thi thử không chỉ tốn kém mà còn dễ gây căng thẳng, lo lắng.", chị K. chia sẻ.

Quay lại thời điểm tháng 10/2022, chị K tìm cô giáo ôn thi môn tiếng Anh vào trường Nguyễn Tất Thành cho con. Qua một phụ huynh khác giới thiệu, chị xin được cho con vào lớp khi lớp đã học được gần một năm. Những bài kiểm tra đầu tiên, T. được 2 điểm, 3 điểm. Ba tháng sau, T. lên được mức 4 điểm, 4,5 điểm. Nhìn mức điểm nhúc nhích từng chút một của con, chị K. không khỏi chênh vênh về tâm lý. Một mặt vui vì con có tiến bộ, một mặt sốt ruột vì con tiến bộ chậm quá. T. đối diện với lần "quay xe" thứ hai, hạ mục tiêu xuống thấp hơn: đỗ lớp 10 công lập THPT.

Khi mục tiêu chỉ còn là lớp 10 công lập, chị K. thấy thảnh thơi như không hề có sĩ tử 2k8 trong nhà. Ba lần thi thử, T. đều đạt mức điểm 40 - 42, vừa vặn với nguyện vọng 1 là THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Nguyện vọng 2 chị K. thuyết phục con đăng ký THPT Xuân Phương, cách nhà 300m, với mức điểm trung bình 5 năm liên tiếp là 36.

T. được mẹ "dụ" bỏ lớp tiếng Anh nâng cao, không thi trường Nguyễn Tất Thành nữa cho "nhẹ đầu". Song T. từ chối. T. tự đăng ký tiếp một lớp văn nâng cao vào chiều tối thứ 6. Lý do là đề thi ngữ văn vào Trường THPT Nguyễn Tất Thành yêu cầu viết bài văn, trong khi đề thi ngữ văn lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ yêu cầu viết đoạn văn. Với lớp văn nâng cao này, số buổi học thêm của T. hàng tuần tăng lên 7.

"Từ 6 buổi lên 7 buổi, cháu đã học thêm nhiều hơn một số bạn và ít hơn một số bạn khác. Cháu vẫn có một ngày chủ nhật hoàn toàn không đi học thêm. Nhiều bạn cháu không có ngày nghỉ nào", T. cho hay.

Bài luận "nếu có một điều ước lúc này" khiến phụ huynh rơi nước mắt

Đầu năm lớp 9, T. nặng 61kg. Hiện tại, T. nặng 54kg. Hỏi lý do tại sao T. không bỏ mục tiêu Trường THPT Nguyễn Tất Thành như lời khuyên của mẹ để ăn ngon ngủ kĩ hơn, T. nói T. muốn học ở nơi có nhiều người giỏi. Và vì bạn thân của T. cũng thi vào đây.

"Tôi không hình dung được với các gia đình có con thi chuyên chọn, không khí gia đình sẽ như thế nào. Các cháu sẽ phải học hành với cường độ ra sao. Có trải nghiệm thì mới biết, áp lực học hành thi cử với bọn trẻ không chỉ có từ bố mẹ. Nó có ở khắp mọi nơi. Ở trường, ở lớp, ở bạn bè, ở các lớp học thêm và ở chính con. Những đứa trẻ học tốt có thêm áp lực về thể diện với bạn bè, thầy cô.

Và không phải chỉ bố mẹ đặt mục tiêu cao, ép con học thì mới gây áp lực. Đôi khi một tiếng "chẹp" vô thức của tôi mỗi khi con nhúc nhích từng điểm tiếng Anh cũng là áp lực của con.

Tôi thường xuyên hỏi con có mệt không, có vất vả không, con luôn nói không. Nhưng mới tuần trước, ở lớp tiếng Anh, khi cô ra đề viết bài luận "Nếu có một điều ước ngay lúc này, bạn sẽ ước gì", T. đã viết một đoạn văn có câu mở đầu: "Tôi ước được ngủ".

T. hồn nhiên kể với mẹ về bài luận của mình. Còn tôi nghẹn ngào vì thương con. Miệng con nói không mệt nhưng lòng con thì đang giấu mẹ, giấu tất cả xung quanh những áp lực và nỗi khổ của riêng mình", chị K. thổ lộ.

Sĩ tử cắm đầu ôn luyện, ao ước một điều khiến phụ huynh rơi nước mắt - 5

T. trong ngày sinh nhật bước sang tuổi 15 vào tháng 12/2022. Chị K. nói không biết lúc đó T. đã ước gì.

Hỏi chị K. rằng chị có thật sự vui vẻ nếu T. chỉ đỗ Trường THPT Xuân Phương sau những tháng ngày vất vả lao lực học hành và tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc không, chị K. chia sẻ: "Nói vui là nói dối. Chắc sẽ buồn lắm đấy nhưng T. sẽ còn buồn hơn nữa. Có lần T. còn trách mẹ là tại sao mẹ không bắt con học từ lớp 6, có phải con đã học giỏi hơn nhiều không.

Tôi không phải người mẹ có tầm nhìn xa trông rộng. Tôi không biết định hướng sớm cho con, biết vẽ đường đi nước bước và dẫn dắt con đi. Tôi là người mẹ chỉ biết con đi tới đâu thì theo tới đó.

Tôi luôn động viên T. rằng với khả năng học tập của con, con học ở đâu cũng sẽ tốt cả. Những tháng ngày vừa qua không bao giờ phí phạm. Kiến thức con học vẫn thuộc về con. Và điều quan trọng là con đã tốt hơn rất nhiều so với con của một năm trước. Con của sau này cũng sẽ tốt hơn con bây giờ. Như điểm 4 tuy là điểm dưới trung bình nhưng vẫn cao hơn hẳn so với điểm 2".

Hỏi T. nếu không đỗ Trường THPT Nguyễn Tất Thành, không đỗ cả Trường THPT Minh Khai thì T. có vui vẻ học Trường THPT Xuân Phương không, T. bảo "Có sao đâu. Nếu không đỗ cả Trường THPT Xuân Phương thì cháu sẽ học bổ túc".

Trong câu hỏi cuối cùng về việc tại sao nhất định phải thi trường Nguyễn Tất Thành, T. nói: "Cháu muốn mẹ vui". T. từng hỏi mẹ: "Nếu con đỗ Nguyễn Tất Thành mẹ có vui không?", mẹ T. đáp: "Vui chứ. Rất vui". T. lại hỏi: "Nếu con đỗ Minh Khai mẹ có vui không?", mẹ T. đáp: "Cũng vui". 

Vì hai chữ "cũng vui" và "rất vui" đó của mẹ, T. đã lựa chọn một mục tiêu khó khăn hơn.