"Shark" Thủy bị bắt, phụ huynh Apax vẫn có thể không lấy được tiền
(Dân trí) - Trong trường hợp công ty phá sản và tài sản công ty không đủ chi trả, phụ huynh Apax Leaders sẽ đứng trước nguy cơ không lấy lại được tiền học phí.
Sau khi ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần đầu tư và phân phối Egame, Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup (thường gọi là "Shark Thủy") về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều phụ huynh của Trung tâm Anh Ngữ Apax Leaders băn khoăn về cơ hội lấy lại được tiền học phí đã nộp trước đó.
Theo Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TPHCM), căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 196 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 74 Bộ luật dân sự 2015, mặc dù Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax (Đơn vị sở hữu hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax) chỉ là công ty con của Công ty cổ phần đầu tư Apax Holdings (IBC - một phần chủ chốt trong hệ sinh thái Egroup), tuy nhiên vẫn được xem là một pháp nhân và vẫn phải chịu các trách nhiệm dân sự bằng chính tài sản của mình.
Trên thực tế, số học phí đang đặt ra vấn đề pháp lý chính là số tiền do phụ huynh đóng cho Công ty Anh ngữ Apax, chứ không phải đóng cho "Shark" Thủy. Do đó, về bản chất, đây là giao dịch được phát sinh giữa hai chủ thể là phụ huynh và Công ty Anh ngữ Apax.
"Như vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015, dù "Shark" Thủy có bị các cơ quan có thẩm quyền khởi tố, bắt tạm giam thì công ty Anh ngữ Apax vẫn phải có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về học phí cho phụ huynh đã đóng tiền theo đúng quy định của pháp luật, cũng như thỏa thuận trước đó", ông Tuấn phân tích.
Hội đồng quản trị công ty sẽ là những người trực tiếp quản lý công ty, cần có trách nhiệm trực tiếp trong việc hoàn trả số tiền học phí mà phụ huynh đã đóng.
Trường hợp Hội đồng quản trị công ty không giải quyết, cố tình thoái thác trách nhiệm, phụ huynh có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Song, theo luật sư, vẫn có những trường hợp phụ huynh có thể không nhận lại được tiền học phí. Đó là khi công ty phá sản và tài sản công ty không đủ chi trả.
Thời gian gần đây, Apax Leaders liên tục điều chỉnh thời gian hoàn học phí nhưng đều từ 1 phía, phụ huynh không được thỏa thuận, nhiều người thắc mắc như vậy có đúng pháp luật.
Về vấn đề này, luật sư Trương Văn Tuấn cho hay phía lãnh đạo của Công ty Anh ngữ Apax đã đứng ra thỏa thuận về việc hoàn lại học phí cho những người đã theo học tại đây, do đó, sự thỏa thuận của 2 bên cũng là một giao dịch dân sự đúng quy định của pháp luật. Số tiền trên được coi là một khoản nợ, được xác lập dưới hình thức hợp đồng.
"Căn cứ theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản phải là sự thỏa thuận của các bên, bên cho vay và bên vay. Việc đưa ra thông báo từ một phía là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật", luật sư Trương Văn Tuấn cho hay.
Với các quy định trên, khi nhận được thông báo gia hạn trả tiền học phí, phụ huynh có quyền tiếp tục đồng ý với lời cam kết tiếp theo để phía công ty có thêm thời gian thanh toán.
Trong trường hợp không đồng ý, phụ huynh có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để thực hiện thủ tục yêu cầu lấy lại tài sản mà phía công ty đang nợ với các khoản lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật.
Nếu phụ huynh nhận thông báo đơn phương từ phía Apax nhưng lại không thực hiện quyền khởi kiện sẽ vẫn được xem là động thái đồng ý với thông báo trên.
Thông báo ngày 26/3 từ Công ty cổ phần Anh ngữ Apax do Tổng Giám đốc điều hành Đoàn Thị Thanh Thủy ký cho biết, đơn vị này tạm dừng việc xác nhận học phí và công nợ học phí cho phụ huynh.
Đồng thời, Apax cũng tạm ngừng việc hoàn học phí cho đến khi có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra.