SGK Tiếng Anh: Tránh vết xe đổ học rồi không nói được

Hôm qua, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo bộ Tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh.

Để xây dựng bộ tiêu chí, Đề án Ngoại ngữ 2020 đã tập hợp một nhóm chuyên gia nghiên cứu sâu về lý thuyết xây dựng tiêu chí. Nhóm này đã đưa ra bộ tiêu chí gồm 2 bộ nhỏ: Bộ tiêu chí đánh giá SGK tiếng Anh tiểu học với 72 tiêu chí; Bộ tiêu chí đánh giá SGK tiếng Anh trung học với 130 tiêu chí. Bộ tiêu chí mới này đề cập 8 lĩnh vực (Hình thức; Thiết kế; Công cụ hỗ trợ học qua nghe - nhìn; Phân bổ ngữ liệu một cách có hiệu quả và xác định mục tiêu; Course Components; Teaching Methods; Nội dung dạy - học; Kỹ năng ngôn ngữ).

SGK Tiếng Anh: Tránh vết xe đổ học rồi không nói được
 
Nhận xét tại hội thảo, GS.TS Hoàng Văn Vân, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng bộ tiêu chí có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Chẳng hạn có tiêu chí còn chưa phù hợp với mục tiêu học tiếng Anh của người VN. GS Vân còn nhấn mạnh khi xây dựng một bộ tiêu chí SGK tiếng Anh thì cần lưu ý vai trò môn tiếng Anh là một môn ngoại ngữ chứ không phải là ngôn ngữ thứ 2 sau tiếng mẹ đẻ. Vì thế các tiêu chí đặt ra là để chọn được những bộ sách thỏa mãn các yêu cầu như tính dân tộc, phù hợp với túi tiền của phụ huynh VN.

“Mình có kinh nghiệm xương máu của dạy ngoại ngữ bao nhiêu năm mà không dùng được”. - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GD Chuyên nghiệp-  Bộ GD&ĐT, bộ tiêu chí chưa thể hiện rõ yêu cầu tích hợp của bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết  đối với SGK. Theo TS Vinh, thoạt tiên bộ tiêu chí mang đến cho người tiếp cận ấn tượng là các tác giả khá kỳ công. “Nhưng hóa ra có đến 90% là copy của một bộ tiêu chí đánh giá khác mà trong bộ tiêu chí cũng đã nhắc đến với tư cách là tài liệu tham khảo. Nhưng theo tôi ngay cả tài liệu tham khảo đó cũng không phải soạn cho SGK phổ thông, vì thế mà khi chúng ta copy cũng đã đưa vào những tiêu chí không phù hợp với bậc học phổ thông”, TS Vinh nói.

 
Cô Vũ Thị Châu Sa đến từ ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng đề xuất nhóm tác giả xây dựng bộ tiêu chí nên bổ sung thêm kết quả nghiên cứu, khảo sát, điều tra đánh giá SGK ngoại ngữ hiện đang sử dụng tại VN bởi đó là những thông tin cần thiết để đưa thêm vào bộ tiêu chí những đề mục đặc thù liên quan đến người học và điều kiện giảng dạy ngoại ngữ của nước ta.

Thầy Nguyễn Minh Trí, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi chia sẻ: “Học ngoại ngữ làm gì mà ông nước ngoài nói mình không nghe được, mình nói họ không hiểu, mình viết họ thấy xa lạ, mình đọc thì khó khăn? Cái này liên quan tới phần chúng ta nói ở đây, đó là ngữ liệu. Bây giờ tiêu chí cần có yêu cầu về ngữ liệu được đưa vào SGK phải đảm bảo thông dụng và chính xác, không phải là chuyển dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh mà phải là đơn vị tương đương”.

Theo Hồ Thu

Tiền Phong