SGK Giáo dục thể chất: Lãng phí và không thực sự cần thiết
(Dân trí) - “Thay vì đầu tư một lượng tiền lớn vào in và phát hành sách giáo khoa Giáo dục thể chất, chúng ta nên cân nhắc xây dựng thêm các sân chơi bơi lội, cầu lông, bóng đá… cho học sinh, khi đó tinh thần hăng hái học tập sẽ tăng cao; giờ học sẽ lại thu hút học sinh mỗi tuần”.
Đây là chia sẻ của một số giáo viên trước thông tin của Bộ GD&ĐT đưa ra trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới, môn Thể dục (hay còn gọi là Giáo dục thể chất) cũng sẽ có sách giáo khoa (SGK) cho học sinh.
SGK Thể dục không thực sự cần thiết
Thầy Phùng Hải Nam, Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Bài B (Hà Nội) cho rằng, khi nắm được thông tin này nhiều giáo viên ngạc nhiên đặt câu hỏi “SGK Thể dục thì dạy những gì?”.
Vẫn biết từ trước tới nay, Giáo dục thể chất là môn học phụ ở nhiều địa phương; nhất là vùng nông thôn từng có không ít nơi giảm số tiết thể dục để tăng số giờ học văn hóa cho học sinh. Cho nên động thái này của Bộ GD&ĐT rất đáng mừng đối với giáo viên dạy Thể dục nói riêng và bộ môn Giáo dục thể chất nói chung.
Tuy nhiên, thầy Nam băn khoăn: "Vốn dĩ nội dung trong các buổi học Thể dục từ trước đến nay thường rất nhàm chán, không ít học sinh nói với tôi rằng sợ học những bài thể dục 24 động tác, 36 động tác…, các em muốn được học nhiều các môn như bóng rổ, bơi lội, bóng đá, cầu lông.
Thay vì đầu tư một lượng tiền lớn vào in và phát hành SGK Giáo dục thể chất, thì chúng ta nên cân nhắc xây dựng thêm các sân chơi cho học sinh, dạy học đúng những điều các em muốn, khi đó tinh thần hăng hái học tập sẽ tăng cao lên; giờ Giáo dục thể chất sẽ lại thu hút học sinh mỗi tuần".
Cô Nguyễn Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, việc ban hành SGK cho môn này không thật sự cần thiết. Vì hiện tại đã có chương trình chuẩn hướng dẫn dành cho các giáo viên, tùy vào điều kiện mỗi cơ sở giáo dục để lựa chọn tổ chức các hình thức môn học khác nhau.
Chúng ta đang hướng tới giảm áp lực học tập cho học sinh đồng nghĩa giảm số giờ ngồi học, tăng cường số giờ vận động, vui chơi, thể dục thể thao. Việc đưa ra SGK liệu có làm tăng số giờ ngồi học lý thuyết, rồi sau đó mới đến thực hành; cần nhìn nhận lại và linh động hơn trong việc có nên đưa xuất bản SGK Giáo dục thể chất cho học sinh.
Thầy Nguyễn Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cán Tỷ (Hà Giang) chia sẻ, nếu đúng sẽ có SGK Giáo dục thể chất thì hơi lãng phí đối với các em học sinh vùng cao. Khó khăn lắm mới huy động được các em đến lớp để học chữ; nên phần lớn số giờ học đều dành cho học văn hóa, còn học Thể dục chỉ là phụ, giờ giải trí nghỉ ngơi.
Trong khi đó, đến giờ nghỉ mà còn để các em học thêm sách Thể dục nữa thì hơi khó. Cũng giống như đưa ra việc đánh giá “Đạt” và “Không đạt” đã không gây áp lực điểm số lên các em, thì cũng không nên đưa thêm SGK, thêm chữ nữa.
Cần đổi mới nội dung môn học
GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, SGK Giáo dục thể chất không cần thiết ban hành cho học sinh, cần nhất là linh hoạt nội dung giảng dạy, phong phú hoạt động.
Ví dụ nhóm học sinh này thích cầu lông, nhóm khác thích đá bóng… thì giáo viên linh động để chia nhóm các em, dạy các kỹ năng cơ bản, cho các em được thoải mái vừa học, vừa chơi đáp ứng được nhu cầu thể thao của các em mới là điều quan trọng.
Hoặc nếu có ban hành thì chỉ nên có số lượng ít, còn lại hãy số hóa nội dung, công bố rộng rãi trên các trang web để phụ huynh, học sinh được xem qua điện thoại, máy tính bảng, vậy mới là thời đại công nghệ 4.0.
“Theo tôi được biết, chưa có quốc gia nào trên thế giới có SGK Giáo dục thể chất, chỉ có giáo trình, giáo án của giáo viên. Cải biến cho nội dung chương trình học tốt hơn, phong phú và bắt kịp đúng nhu cầu tăng vóc dáng, thể lực cho trẻ thay vì cứ mãi nhảy xa, thể dục động tác, vươn vai, hít thở… trẻ mẫu giáo cũng biết làm, nói gì đến các em cấp 2, cấp 3 thấy chán học là đương nhiên”, GS Dong cho hay
NGƯT Nguyễn Tiến Đoàn, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, SGK Giáo dục thể chất cho học sinh là lãng phí, không nên ban hành, chỉ cần có tài liệu hướng dẫn dạy học cho giáo viên là đủ. Tập trung làm rõ các tiêu chí đánh giá chất lượng thể dục, thể thao của các em thay vì đưa ra SGK để đọc, trong khi môn học này đến 90% là cần thực hành, hình ảnh sinh động.
Lấy ví dụ để thấy rõ, các em học đá bóng thì sách sẽ viết về các kỹ thuật, cách đá, luật chơi, vị trí sút bóng, điều kiện sân bóng… nhưng những điều đó trên mạng Internet có vô vàn, không có gì mới mẻ thì liệu rằng các em sẽ chán càng thêm chán môn học. Đi đôi với việc chán là không dùng đến sách để học, gây ra lãng phí tiền của cho phụ huynh, lãng phí giấy in…
Du học sinh Nguyễn Vũ Tân ở New Zealand ngạc nhiên quá lãng phí để mua cuốn sách ấy. Ở New Zealand, một năm học THPT có khoảng 12 môn học, nhưng chỉ cần mua 4 cuốn sách cơ bản nhất: Toán, Văn hóa, Ngôn ngữ và Khoa học; còn lại 8 môn kia sẽ được học sinh tự do lựa chọn học vào các thời điểm khác nhau, tài liệu học do giáo viên cung cấp bản mềm hoặc lên thư viện tìm đọc.
“Đáng nói là hoạt động thể dục rất được coi trọng, mỗi học sinh buộc phải chọn ít nhất 2 loại hình thể thao để học, mới đủ điều kiện lên lớp, lên cấp. Nhưng cũng không hề có SGK, chúng em được học thông qua các câu lạc bộ, các anh chị đi trước, rồi cuối cùng mới đến giáo viên chỉnh các động tác đúng chuẩn. Giờ thể dục nằm trong môn học ngoại khóa nên khá thoải mái và đa số học sinh đều thích thú vì trung bình 01 ngày sẽ có tới 2,5 tiếng cho môn học này”, Tân chia sẻ thêm.
Hà Cường