“Sẽ thu hút các tăng ni, Phật tử quốc tế đến Việt Nam theo học”

Một hướng phát triển được Học viện Phật giáo VN (PGVN) chú trọng và bắt đầu được triển khai, đó là việc thu hút các tăng ni sinh quốc tế. Học viện PGVN sẽ nâng cao chất lượng đào tạo để trở thành một địa chỉ đào tạo Phật giáo vượt ra khỏi khuôn khổ Việt Nam.

Hệ thống học viện Phật giáo đã có những đóng góp to lớn vào công tác giáo dục, đào tạo tăng tài cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong 30 năm thành lập và phát triển vừa qua  - Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban tăng ni của Giáo hội, Phó Giám đốc Học viện Phật giáo Việt Nam đã nhận xét như vậy. Trong thời gian tới, nhiều mô hình đào tạo mới sẽ được triển khai tại Học viện, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo chung của Học viện và của cả công tác giáo dục trong GHPGVN.

 

Bạch Thượng tọa Thích Thanh Quyết, xin Thượng tọa cho biết những điểm nổi bật trong hoạt động giáo dục của GHPGVN nói chung và của Học viện PGVN nói riêng trong thời gian qua?

 

Học viện PGVN nằm trong một tổ chức lớn là GHPGVN, và muốn cho giáo hội phát triển, đồng hành cùng dân tộc, muốn văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt Nam đồng thăng hoa thì tăng ni, Phật tử sẽ là một trong những người nòng cốt để nắm bắt, thúc đẩy sự phát triển của Giáo hội.  Nhiệm vụ của Học viện là đào tạo những người có đủ phẩm chất trên hai khía cạnh: Về trình độ là có thế học và Phật học; về nhân cách là phẩm cách, dám hy sinh vì lý tưởng của Phật tổ, đó là phục vụ chúng sinh, là Hoàng dương chính pháp, là phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.

 

Học viện được GHPGVN cho phép thành lập từ những ngày đầu GHPGVN ra đời. Từ tháng 11/1981, khi GHPGVN được thành lập thì Học viện cũng được thành lập. Trụ sở của Học viện từ trước được đặt ở chùa Quán Sứ (Hà Nội) và kể từ năm 2006 thì được chuyển lên huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Từ khi chuyển về địa điểm mới, Học viện đã đào tạo được 1 khóa và đang đào tạo khóa thứ 2 với chất lượng đào tạo rất tốt. Có thể khẳng định rằng, đây là học viện Phật giáo có quy mô, có chất lượng, có hệ thống quản lý tốt nhất Việt Nam hiện nay.
 
“Sẽ thu hút các tăng ni, Phật tử quốc tế đến Việt Nam theo học” - 1
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Giám đốc Học viện Phật giáo Việt Nam.

 

Là ngôi trường chuyên đào tạo về Phật giáo, vậy chắc hẳn Học viện có những đặc thù riêng trong công tác quản lý cũng như chương trình học. Xin Thượng tọa cho biết những đặc thù riêng biệt đó?

 

Vì là một ngôi trường đào tạo tăng ni, những người xuất gia nên chương trình đào tạo của Học viện có những bộ môn chuyên ngành mà không một trường đại học nào có. Đó là tư tưởng Phật giáo, Kinh kệ nhà Phật, những môn thực hành như thiền học, tọa thiền… hay các khóa tu, các nghi lễ của nhà Phật đều được giảng dạy, thực hiện đều đặn.

 

Bên cạnh đó, các tăng ni sinh cũng phải học những môn học đại cương như những ngôi trường đào tạo bình thường khác, đó là những tri thức của thế học. Ở GHPGVN vẫn giảng dạy các bộ môn nằm trong các hệ thống triết học như triết học phương Đông, triết học Mác - Lenin, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử VN, lịch sử thế giới, văn học VN, văn học thế giới…

 

Một ni tăng ngoài việc thông kinh kệ nhà Phật, phải có vốn kiến thức nhất định về thế học thì đứng ở trong vị trí xã hội mới vững chắc được.

 

Thưa Thượng tọa, những tăng ni, Phật tử được đào tạo ở Học viện có gì khác so với những tăng ni hằng ngày vẫn tu hành trong chùa mà không được qua các lớp đào tạo ở Học viện?

 

Đương nhiên là khác hẳn về chất, vì mỗi tăng ni sinh theo học tại Học viện không chỉ được tu, mà còn được học kiến thức. Những môn học chuyên ngành về giáo lý nhà Phật ở trình độ rất cao, môi trường của Học viện cũng là một môi trường tu hành rất tốt nên kết quả đưa lại cho các tăng ni sinh ở học viện chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với những người chưa được qua các hệ thống đào tạo.

 

Để được theo học tại Học viện, các tăng ni sinh phải qua các khóa thi rất nghiêm ngặt. Chỉ những tăng ni sinh đã tốt nghiệp THPT và trải qua các lớp sơ cấp và trung cấp Phật học, thì mới đủ điều kiện gửi hồ sơ thi vào Học viện. Ngoài những bài thi về kiến thức thế học, kiến thức Phật học, còn có thêm những điểm số về phẩm cách, về ứng xử của mỗi tăng ni. Những tăng ni khi đã thi vào Học viện đã có vốn kiến thức thế học cũng như Phật học tương đối vững vàng, vào được Học viện, được học tập trong  môi trường đào tạo chú trọng cả hai mảng đó nên trình độ sẽ được nâng lên rất cao.

 

Xin Thượng tọa cho biết những khó khăn, trở ngại mà Học viện đã gặp phải và vượt qua để trở thành một địa chỉ đào tạo Phật giáo lớn nhất cả nước?

 

Những ngày mới thành lập GHPGVN cũng như Học viện, những khó khăn ban đầu thì có thể thấy rõ, đó là những khó khăn chung cùng với tình hình phát triển của đất nước. Theo chiều dài phát triển của GHPGVN, các tăng ni sinh theo học tại Học viện ngày một đông, nên yêu cầu cấp bách hiện tại là xây dựng được một mô hình đào tạo cho Học viện trên diện rộng, có quy mô lớn hơn.

 

Khi chuyển Học viện lên Sóc Sơn, việc thay đổi môi trường đào tạo cũng gặp khá nhiều khó khăn về công tác quản lý tăng ni sinh. Không giống như ở chùa Quán Sứ, môi trường có quy mô nhỏ, dễ quản lý, môi trường và phạm vi mới của Học viện rất rộng, số lượng tăng ni sinh cũng tăng lên gấp nhiều lần nên việc tổ chức, quản lý thế nào cho phù hợp cũng là một khó khăn.

Và cuối cùng, thử thách lớn nhất khi chuyển Học viện về ở một địa điểm mới chính là khi mở rộng được mô hình, quy mô đào tạo thì chất lượng các tăng ni sinh là điều cần quan tâm nhất. Nội dung của chương trình đào tạo và cách đào tạo thế nào để nâng cao hơn nữa chất lượng các tăng ni sinh sau khi tốt nghiệp cũng là một thử thách mà từng ngày các vị lãnh đạo Học viện, các giảng viên cũng như các tăng ni sinh đang cố gắng thực hiện.

 

Vậy trong thời gian sắp tới, hoạt động của Học viện cũng như của Giáo hội sẽ tập trung vào công tác giáo dục như thế nào để phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được, thưa Thượng tọa?

 

Trong tương lai, Giáo hội đang đề xuất sẽ đào tạo ở mức cao hơn cho những tăng ni sinh muốn nghiên cứu sâu lĩnh vực Phật học, như cấp học sau đại học chẳng hạn, để khi ra trường, các tăng ni, Phật tử sẽ mang những tấm bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ về Phật học chứ không phải chỉ cấp độ Cử nhân Phật học như hiện tại.

 

Hướng phát triển thứ hai của Học viện cũng rất được chú trọng và đã bắt đầu được triển khai, đó là việc thu hút các tăng ni sinh quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo là một yếu tố cần được đầu tư, để tạo cho Học viện uy tín lớn hơn, trở thành một địa chỉ đào tạo Phật giáo vượt ra khỏi khuôn khổ Việt Nam, nâng cao uy tín của GHPGVN đối với cộng đồng Phật giáo quốc tế.

 

Là một người luôn theo sát công tác giáo dục trong GHPGVN kể từ những ngày đầu thành lập, Thượng tọa đánh giá thế nào về các thành tựu mà GHPGVN nói chung và Học viện nói riêng đã đạt được trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển vừa qua?

 

Theo tôi, thành tựu lớn nhất của công tác giáo dục trong GHPGVN mà cụ thể hơn ở đây chính là Học viện PGVN, đó chính là việc đã đào tạo liên tiếp những lớp tăng tài phục vụ cho Giáo hội, nếu không có 30 năm đào tạo thì Giáo hội không thể có hệ thống các bậc tôn tức của Giáo hội cũng như các Tỉnh hội để lãnh đạo các tăng ni, Phật tử của cả nước. Những vị tăng tài này đều có Đức, có Trí, có Bi, có Dũng (từ bi và dũng mãnh) để chèo lái con thuyền của Giáo hội hòa nhập với xã hội trong thời gian dài vừa qua. Trong mọi thời gian, mọi hoàn cảnh thì những đóng góp của họ cho Giáo hội vẫn là những đóng góp lớn, giúp cho Giáo hội phát triển đồng hành cùng dân tộc theo con đường đã nêu là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

 

Xin cảm ơn Thượng tọa về buổi trò chuyện này!

 

Cư sỹ Phạm Nhật Vũ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho hay: “Học viện Phật giáo Việt Nam là một địa chỉ đào tạo uy tín trong 30 năm phát triển vừa qua của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội hiện có 4 Học viện, đã đào tạo gần 5 nghìn tăng ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học, đang đào tạo trên 2.000 tăng ni sinh. Ngoài ra, Giáo hội còn có 8 lớp cao đẳng Phật học và 30 trường trung cấp Phật học, 50 lớp sơ cấp Phật học trên toàn quốc. Gần 4000 tăng ni sinh xuất sắc đã được gửi đi du học tại các nước có các trường Phật học lớn. Gần 100 tăng ni tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành Phật học đã về nước và hiện đang giảng dạy ở các trường đào tạo Phật học trong nước và công tác tại các Ban Viện Trung ương Giáo Hội”.

 

Thái Anh (thực hiện)