Sẽ phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia Huế
(Dân trí) - Ngày 2/10, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế cho biết hiện Đại học Huế đang hoàn thiện đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia (ĐHQG) trình Bộ, ngành Trung ương xem xét, phê duyệt. Hiện đã hội đủ nhiều điều kiện để trở thành ĐHQG Huế.
Ngày 30/9 vừa qua, ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Hoành Khánh Hùng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đã tham dự phiên họp Đảng ủy Đại học Huế mở rộng, thông qua đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia.
Tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đánh giá cao và hoan nghênh Tập thể cấp ủy và Đảng bộ Đại học Huế trong việc thực hiện Kết luận 48/KL-TW và Thông báo 175/TB-TW của Bộ Chính trị, sự nỗ lực và vươn lên của Đại học Huế trong bối cảnh giáo dục đào tạo có sự cạnh tranh vùng miền rất rõ rệt, ngân sách hạn chế và xu thế hội nhập quốc tế mạnh, ở vùng đất khó khăn và điều kiện ít lợi thế như Huế.
Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo đây là bước đi phù hợp với chủ trương của Đảng, đáp ứng nguyên vọng của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong suốt lịch sử 62 năm xây dựng và phát triển, những sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học của Đại học Huế, những bác sĩ, kỹ sư, thầy cô giáo đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội các địa phương miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Đại học Huế cũng là nơi bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị hàn lâm trong học thuật.
Huế đang đẩy mạnh phát triển trên nhiều mặt trong đó có giáo dục
Đề án đã thể hiện được sự tác động tích cực của việc phát triển Đại học Quốc gia Huế nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, như Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Luật số: 4/2018/QH14 Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều.
Góp ý cho chiến lược phát triển Đại học Huế, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh sự đồng tâm, hiệp lực của Đại học Huế trong việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng các tiêu chí đánh giá quốc tế. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng Đại học Huế trong việc hỗ trợ xây dựng cơ chế hợp tác, sắp xếp cơ sở vật chất, tạo điều kiện tối đa để Đại học Huế xứng tầm với vị thế, vai trò của mình trong mối quan hệ với tỉnh Thừa Thiên Huế, vùng miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; là đầu mối giao lưu đối ngoại, hợp tác quốc tế về giáo dục tại vùng đất Cố đô văn hiến với bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, nuôi dưỡng nhiều thế hệ hiền tài. Lãnh đạo Tỉnh cũng khẳng định vai trò của Đại học Huế đối với tỉnh nhà trong việc xây dựng 3 trong 4 trung tâm theo Kết luận 48/KL-TW: Giáo dục đào tạo; Khoa học công nghệ và Y tế chuyên sâu.
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế (đứng) phát biểu về xây dựng, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia như trong Kết luận 48 của Bộ Chính trị 10 năm qua
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết, việc xây dựng, phát triển Đại học Huế thành ĐHQG đã được khẳng định trong Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 25/5/2009. Dù đã trải qua 10 năm, song do nhiều chính sách liên quan giáo dục ĐH, Luật giáo dục đại học và định hướng của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thay đổi phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự dịch chuyển nguồn nhân lực trong các khu vực.
Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc với Đại học Huế, Thông báo số 38/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển Đại học Huế, đến năm 2030 Đại học Huế trở thành một trong những ĐH nghiên cứu hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động theo tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và khu vực, là cơ sở đào tạo tiên phong, nòng cốt của hệ thống giáo dục đại học.
Hiện nay, Đại học Huế có quy mô đội ngũ cán bộ khoa học, đào tạo lớn hơn cả 2 Đại học quốc gia và 2 đại học vùng, với mô hình giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đã hội đủ điều kiện để trở thành một ĐHQG. Ngoài việc đảm bảo cơ sở vật chất và có đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao thì so với các ĐH trong toàn quốc, trong đào tạo và giáo dục Đại học Huế có nhiều điểm nổi bật, vừa đặc sắc lại vừa đặc trưng trong hệ thống giáo dục đại học ở nước ta.
Ngày hội việc làm tại trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Huế
Những nét đặc sắc của giáo dục đại học ở Huế đã hình thành cho Đại học Huế là Trung tâm giáo dục đại học quốc gia có từ những năm trước giải phóng và đến hôm nay. Đại học Huế cũng đang vươn lên với thứ hạng top đầu của các đại học Việt Nam cho dù đó là sự khởi đầu tham gia xếp hạng thế giới mà ít được quan tâm khi đang còn có nhiều khó khăn về mọi mặt và chưa được Nhà nước ưu tiên, thiếu môi trường kinh tế năng động như các thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Sẽ phát triển mạnh
Hiện Đại học Huế đã hoàn thành đề án phát triển Đại học Huế thành ĐHQG, đồng thời đã lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà trí thức và toàn xã hội để góp ý và trình Bộ GD&ĐT ngay trong tháng 9/2019. Đại học Huế sẽ thúc đẩy, đề xuất đến tất cả mọi cấp sớm nhất để có chủ trương.
Khi được phê duyệt trở thành ĐHQG, Đại học Huế sẽ có điều kiện tiên phong thí điểm mở các mã ngành đào tạo mới, thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu trọng điểm, đáp ứng nhu cầu của xã hội và đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong điều kiện đó, ĐHQG Huế cùng với ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò dẫn dắt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; thu hút được các nguồn lực, phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ và chuyển giao công nghệ, góp phần gia tăng trọng số các hoạt động nghiên cứu và tăng xếp hạng quốc tế. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, kinh tế trí thức của Việt Nam.
Đại học Huế sắp trình Đề án xây dựng Đại học Quốc gia lên Bộ Ban ngành Trung ương xem xét và phê duyệt
Điều mà Đại học Huế xác định khi trở thành ĐHQG là xây dựng hệ thống giáo dục đại học hàng đầu theo định hướng nghiên cứu, chất lượng cao của giáo dục ĐH, tác động trực tiếp và sâu sắc đến sự chuyển biến về kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, phấn đấu nâng cao thứ hạng trong bảng xếp hạng ĐH châu Á và thế giới, trong đó lộ trình dự kiến đến năm 2027 sẽ nằm trong tốp 250 châu Á và 1.000 thế giới; năm 2030 vào tốp 200 châu Á và 1000 thế giới; năm 2045 sẽ ở tốp 100 châu Á và 300 thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết, tác động lớn nhất khi được trở thành ĐHQG là sẽ tạo ra 1 Trung tâm Khoa học Công nghệ, Giáo dục đào tạo, Y tế chuyên sâu dẫn dắt tại khu vực miền Trung nằm ở Huế. Tại Huế cũng sẽ có cơ hội lớn để kết nối công nghệ nguồn thế giới để xây dựng 1 Đại học nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam, từ đây sẽ lan tỏa các nhân lực về trí tuệ để thúc đẩy kinh tế xã hội đất nước ngày càng phát triển.
Đại Dương