Sẽ cơ cấu lại các trường ĐH,CĐ gặp khó khăn về tuyển sinh
(Dân trí) - Trong bối cảnh có một số trường ĐH, CĐ, Trung cấp ở các địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây, năm 2016, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các địa phương có cơ sở đào tạo trực thuộc cơ cấu lại hệ thống các trường.
Thực hiện Luật Giáo dục đại học và Nghị Quyết số 29/NQ-TW, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục trong năm 2016 là cơ cấu lại hệ thống trường đại học, cao đẳng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và chất lượng đào tạo.
Theo đó, trong bối cảnh có một số trường ĐH, CĐ, Trung cấp ở các địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các địa phương có cơ sở đào tạo trực thuộc cơ cấu lại hệ thống các trường như chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường đại học có uy tín… để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên; giảm thiểu các cơ sở không đảm bảo chất lượng, góp phần đào tạo nhân lực có chất lượng và phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản trị đại học cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý các nhà trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các trường có nhiều khó khăn trong tuyển sinh trong những năm qua và dự báo còn tiếp tục gặp khó khăn trong những năm tới cần xây dựng đề án cấu trúc lại mục tiêu, hoạt động, chuyển đổi cơ cấu tổ chức cho phù hợp với tình hình, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Bộ GDĐT sẽ phối hợp với cơ quan quản lý trực tiếp các trường này để bàn bạc thống nhất việc xử lý cụ thể.
Vẫn còn hiện tượng xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực theo quy định và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành không đồng đều ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo do việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên đội ngũ GV chung của trường không phân chia theo ngành đào tạo; tổ chức đào tạo không đúng quy định vẫn còn xảy ra ảnh hưởng tới lợi ích của người học.
Được biết, trong năm qua, một số trường đại học, nhiều trường cao đẳng và trường ngoài công lập còn gặp khó khăn trong tuyển sinh, tỷ lệ SV ngoài công lập vẫn có xu hướng giảm. Cụ thể, khối ngành kinh tế chiếm tỷ lệ trên 30% trong tổng số SV; khối ngành nông, lâm, ngư và khoa học xã hội, nhân văn đạt tỷ lệ thấp; tỷ lệ tuyển mới trình độ ĐH chiếm gần 70% trên tổng số tuyển mới 2014; tỷ lệ SV ngoài công lập giảm xuống dưới 17%.
Tình trạng này đã diễn ra trong những năm gần đây và do nhiều nguyên nhân: chủ yếu nhất là việc làm cho sinh viên tốt nghiệp khó khăn, một số trường không có chiến lược đầu tư nâng cao chất lượng để phát triển lâu dài, số học sinh thi tốt nghiệp phổ thông có xu hướng giảm khiến dự báo nhu cầu học tập của người dân trước đây (450 sinh viên/vạn dân) không còn phù hợp, dẫn đến tình trạng nguồn cung chỗ học vượt nhu cầu của người dân.
Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học
Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, năm 2016, Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh GDĐH; hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, song song với đó là thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo. Đồng thời, bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia và chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, sẽ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH phù hợp với các quy định mới của Luật GDNN, căn cứ trên thực tế nhu cầu học tập của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bộ sẽ chú trọng quy hoạch mạng lưới các CSĐT sư phạm, các trường ĐHSP trọng điểm. Tiếp tục chuyển đổi các trường đại học dân lập sang mô hình tư thục theo quy định của Luật GDĐH; hạn chế tối đa việc nâng cấp và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng công lập.
Thứ trưởng Ga cho rằng, đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật thì trên cơ sở mục tiêu đã được xác định, các cơ sở đào tạo cần rà soát lại kế hoạch phát triển nhà trường trong từng giai đoạn, cấu trúc lại các đơn vị trong trường, xây dựng qui chế hoạt động mới phù hợp với các qui định hiện hành.
Bên cạnh đó, tổ chức lại các hoạt động đào tạo và NCKH cho phù hợp. Tổ chức tập huấn, học tập kinh nghiệm quản trị đại học, nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận với phương thức quản lý đại học của các nước phát triển. Đồng thời, cử cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người trong quy hoạch tham gia bồi dưỡng kiến thức quản trị đại học để đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới hệ thống.
Hồng Hạnh