Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT:
“Sẽ chọn giáo viên thực sự tâm huyết để dạy lớp 1”
“Giáo viên lớp 1 phải thực sự yêu trẻ, tâm huyết với nghề. Có lẽ Bộ sẽ phải có hướng dẫn nhắc nhở về việc lựa chọn giáo viên thực sự có năng lực, tâm huyết để phân công dạy lớp 1” -chia sẻ của ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ xem xét để có công văn yêu cầu giáo viên không được chấm điểm đối với học sinh lớp 1 trong học kỳ I. Việc làm này được xem như một trong những biện pháp nhằm làm giảm áp lực học trước cho học sinh trước khi bước vào lớp 1 - ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết.
Để không gây áp lực cho học sinh, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn về việc đánh giá học sinh tiểu học chỉ bằng nhận xét thay vì cho điểm để. Tuy nhiên vẫn có nhiều giáo viên chưa bỏ thói quen cho điểm học sinh. Với việc thay đổi cách đánh giá - không chấm điểm - hy vọng sẽ làm giảm bớt áp lực trong việc học thêm của phụ huynh, học sinh tiểu học.
Tôi vẫn khẳng định việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học.
Nhưng Bộ giải thích thế nào khi mặc dù biết nhưng phụ huynh vẫn "phớt lờ" những cảnh báo để cho con đi học thêm?
Nguyên nhân có thể vì phụ huynh quá kỳ vọng, muốn con phải đọc thông, viết thạo hơn các bạn khác. Mặt khác là nhiều người rơi vào tâm lý đám đông, không cân nhắc kỹ tác hại. Đây là sự lầm tưởng của phụ huynh.
Nhưng thực tế một lớp học quá đông, 50, 60 học sinh, cô không thể quan tâm tới từng học sinh thì không học trước có đuổi kịp chương trình, bạn bè?
Đúng là ở Hà Nội và các thành phố lớn có hiện tượng lớp quá đông. Tuy nhiên với chương trình tiểu học, nội dung kiến thức không quá nhiều, nhất là lớp 1. Với những lớp học này cô giáo sẽ vất vả hơn nhưng khắc phục dần, giải quyết từng bước thì vẫn đạt yêu cầu. Đối với trường hợp này, chúng tôi có hướng dẫn giáo viên trao đổi để có sự phối hợp với phụ huynh trong việc kèm dạy ở nhà nhưng tuyệt đối không phải đi học thêm bên ngoài.
Không ít phụ huynh phản ánh cô giáo lớp 1 đã quen với việc học sinh phải biết đọc, biết viết nên dạy nhanh, dạy lướt. Những học sinh không đáp ứng được thì bị chê lười, dốt, phụ huynh lại phải cho đi học thêm. Vậy việc chuyên môn, chất lượng giáo viên trên lớp là do ai quản lý, kiểm soát?
Theo phân cấp thì trước hết hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, rồi tới các cấp quản lý, nếu giáo viên không thực hiện đúng chuyên môn, trách nhiệm. Bình bầu thi đua cuối năm đều đánh giá trừ điểm đối với cơ sở, địa phương phát hiện sai phạm. Tới đây Bộ cũng sẽ kiểm tra đột xuất và cũng rất mong báo chí cung cấp địa chỉ cụ thể để có hình thức xử lý phù hợp.
Ông có cho là vấn đề là ở giáo viên hay không vì nếu tâm huyết với học sinh thì giáo viên đã không gây ra những tình huống để phụ huynh hiểu là phải đi học thêm?
Đúng là giáo viên lớp 1 phải thực sự yêu trẻ, tâm huyết với nghề. Giáo viên lớp 1 đặc biệt quan trọng. Trẻ mới vào học lớp 1 thì đọc, viết không quá quan trọng. Vấn đề là nắm bắt được tâm lý học sinh, khuyến khích học sinh vào nề nếp, có hứng thú trong học tập. Có lẽ Bộ sẽ phải có hướng dẫn nhắc nhở về việc lựa chọn giáo viên thực sự có năng lực, tâm huyết để phân công dạy lớp 1.
Xin cảm ơn ông.
ThS Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Tiểu học - Sở GD-ĐT TPHCM: Hoàn thành chương trình mầm non, HS đã hội đủ tố chất vào lớp 1
Điều đáng quan tâm nhất mà phụ huynh cần lưu ý là nên giúp con phát triển kỹ năng quan sát, tập trung và tâm lý sẵn sàng hòa nhập, kỹ năng giao tiếp với môi trường xung quanh, với bạn bè đồng lứa thông qua các hoạt động vui chơi (theo phương pháp học mà chơi mà hầu hết các trường mầm non trên địa bàn TPHCM đang áp dụng) trong những năm trẻ học mầm non, nhất là năm cuối của bậc học này. Những kỹ năng này sẽ giúp trẻ rất nhiều khi bước vào môi trường học mới ở lớp 1 - thời điểm chính thức bắt đầu được “học chữ”.
Thể Uyên ghi |