Hiệu trưởng được quyền trả lương giáo viên:

Sẽ chỉ là một quyền “ảo”?

(Dân trí) - “Nếu trả theo mức lương thông thường thì khó giữ chân những giảng viên giỏi. Để tăng chất lượng giảng dạy, các trường nên thí điểm phương án hiệu trưởng quyết định trả lương cho giảng viên”.

Đó là gợi ý của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân dành cho các trường ĐH, CĐ. Gợi ý này cũng có thể được xem là một hình thức giao quyền tự chủ mạnh hơn cho các trường và cũng là một cách mà Bộ “nới” hơn trong cơ chế quản lý tài chính.

Tuy nhiên, có quyền trả lương cao hơn cho giáo viên nhưng Hiệu trưởng sẽ lấy tiền ở đâu để trả thì rõ ràng đang là câu hỏi rất bế tắc.

Theo báo cáo tài chính của hơn 200 trường ĐH, CĐ thì nhiều năm nay, các trường đã phải dành phần lớn nguồn tự thu gồm học phí và một số khoản thu khác để bảo đảm cải cách tiền lương. Chính vì vậy, các trường phải dành đến 45% để chi cho lương cùng các khoản mang tính chất lương, học bổng và 35% chi cho nghiệp vụ quản lý.

Nguồn ngân sách nhà nước chi cho các trường không đủ, trong khi nhu cầu trang trải lớn, ít có trường nào cảm thấy tạm hài lòng về kinh phí mà mình đã được cấp.

Như tại ĐH Đà Nẵng, đã dành đến 80% học phí của sinh viên chính quy cho việc chi lương và học bổng. Giám đốc ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga có nêu lên những con số rất buồn: ĐH Đà Nẵng có tới 30% sinh viên thuộc diện chính sách được miễn giảm học phí. Hàng năm khoảng 80% ngân sách nhà trường chi cho lương, học bổng, miễn giảm học phí theo quy định… 20% (tương đương với 10 tỷ đồng) còn lại dành phần lo toan tất cả mọi mặt cho các trường.

Nếu muốn tăng thêm lương cho giáo viên đương nhiên chỉ có thể “xà xẻo” vào con số 20% còn lại này. Nhưng, ông Ga cũng chỉ ra rằng: Hàng năm, trường có tới 250.000 tiết dạy vượt giờ, nếu trường trả cho giảng viên với giá rất rẻ là 4.000 đồng/tiết dạy vượt giờ thì 10 tỷ đồng kia dành cho khoản này đã… hết veo!

Ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam là khá hạn hẹp. Như trong năm 2006, tổng số tiền ngân sách dành cho bậc học này chỉ khoảng hơn 6.000 tỷ. Đã thế, phần lớn ngân sách này đã dành cho việc chi trả tiền lương.

Trong thời điểm hiện tại, hiệu trưởng các trường nếu muốn thực thi quyền trả lương cao hơn cho giáo viên thì chỉ còn trông chờ vào việc được tăng học phí. Nhưng tăng học phí đến đâu thì các trường cọn phải phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như chất lượng phải cao, phải được kiểm định...

Về phần mình, Bộ GD- ĐT tuy có nói sẽ tạo ra một bước đột phá cho về thực hiện đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đào tạo nhưng ngân sách dành cho giáo dục ĐH không tăng, trong khi quy mô đào tạo của các trường ngày càng tăng.

Còn việc phân bổ “miếng bánh” ngân sách, theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Ngữ thì, căn cứ nguồn thu sự nghiệp của các trường năm 2007, kinh phí năm 2008 được bố trí trên cơ sở đảm bảo chi thường xuyên từ nguồn tự chủ của các trường.

Đối với các trường, đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp, không ổn định, Bộ sẽ phân bổ mức kinh phí đảm bảo chi tiền lương, các khoản có tính chất lương và chi giảng dạy học tập của nhà trường với cơ cấu hợp lý.

Vậy là các trường sẽ vẫn phải tiếp tục trong cảnh “giật gấu vá vai” và Hiệu trưởng sẽ quyết tăng lương cho giáo viên giỏi thế nào trong hoàn cảnh đó, trừ khi họ được thêm quyền... cắt giảm lương của những giáo viên khác!

Mai Minh