Sao để trường xin “tự chết”?

Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường. Tuy nhiên, nhiều trường đã không thực hiện cam kết khiến điều kiện dạy học không bảo đảm, quyền lợi học sinh bị xâm phạm.

Sở GD-ĐT TPHCM vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục của Trường THCS - THPT Hiền Vương trong thời hạn 2 niên khóa (2012-2013 và 2013-2014) vì trường gặp khó khăn trong quản lý nhân sự và tài chính. Sau thời gian này, nếu trường khắc phục được những khó khăn trên thì Sở GD-ĐT TP mới xem xét cho hoạt động trở lại.

Những trường học phải đình chỉ hoạt động hay giải thể bởi những lý do như khó khăn tài chính, quản lý nhân sự yếu, bất ổn trong nội bộ hay không bảo đảm điều kiện dạy học phải đóng cửa thời gian qua không phải là chuyện hiếm. Trước Trường THCS - THPT Hiền Vương, có thể kể đến Trường THPT Khai Trí, Trường Tiểu học Dân lập Phương Nam… Tuy nhiên, nếu so với số lượng các trường đang hoạt động thì số trường phải ngưng hoạt động không nhiều. Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết toàn TP hiện có khoảng 82 trường phổ thông ngoài công lập đang hoạt động.

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho biết chủ trương xã hội hóa giáo dục đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường. Đối với những trường phải thuê mướn cơ sở làm chỗ dạy học, Sở GD-ĐT TP yêu cầu trường cam kết sau 5 năm hoạt động phải xây dựng được cơ sở riêng. Tuy nhiên, nhiều trường đã không thực hiện cam kết khiến điều kiện dạy học không bảo đảm, quyền lợi học sinh bị xâm phạm. Vị lãnh đạo này cho biết Sở đang rà soát lại điều kiện dạy và học ở các trường ngoài công lập. Vì quyền lợi học sinh, Sở sẽ kiên quyết đóng cửa những trường không bảo đảm điều kiện dạy và học.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng song do thả nổi kiểm soát nên giáo dục ngoài công lập ở TPHCM như là bức tranh đa màu, trong đó có nhiều trường được đầu tư tốt song cũng có không ít trường thiếu đầu tư, cơ sở dạy học tồi tàn, còn giáo viên thì đi mượn.

Với Trường THCS - THPT Hiền Vương, những khó khăn của trường đã kéo dài từ lâu. Điều đó Sở GD-ĐT có biết hay không? Nếu biết mà để cho tới khi chủ đầu tư làm tờ trình xin tạm ngưng hoạt động, xin “tự chết”, sở mới ra quyết định đình chỉ hoạt động thì quả là điều cần xem xét.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc chuyển học sinh của Trường THCS - THPT Hiền Vương sang trường khác vào thời điểm giữa năm học sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học của các em. Trách nhiệm đó là của Sở GD-ĐT TPHCM.

Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm