Sản phẩm nghiên cứu ấn tượng về xử lý rác, nuôi tôm của học sinh Sóc Trăng
(Dân trí) - Xuất phát từ thực tế cuộc sống cộng với niềm đam mê sáng tạo, nhiều em học sinh ở Sóc Trăng đã nghiên cứu cho ra đời nhiều đề tài khoa học có tính thực tiễn cao.
Hệ thống ủ phân sinh học từ xử lý rác
Nhóm 5 em học sinh của trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Sóc Trăng) nghiên cứu đề tài "Hệ thống ủ phân sinh học", gồm Trần Tấn Thành, Nguyễn Tuấn Khanh, Bùi Gia Duy (lớp 12A4), Nguyễn Tuấn Hào (lớp 11A3) và Ngô Hoàng Long (lớp 11A2).
Trước khi nghiên cứu, nhóm này nhận định hiện nay lượng rác thải ở nhiều địa phương rất lớn nhưng công tác xử lý rác gặp không ít khó khăn dẫn đến còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, các em có ý tưởng và cho ra đời đề tài nói trên.
Theo em Trần Tấn Thành, "Hệ thống ủ phân sinh học" được làm bằng những vật liệu có sẵn như gỗ, sắt, nguồn điện, thiết bị máy bơm nước, máy cắt…
Nói về tính mới, sáng tạo của sản phẩm, em Tấn Thành cho biết hệ thống áp dụng được cho hầu hết các loại rác hữu cơ, xử lý rác với số lượng lớn trong thời gian ngắn, không gây ô nhiễm môi trường. Theo em Tấn Thành, áp dụng công nghệ tự động hóa là một điểm sáng của hệ thống khi không có nhân công đi kèm với việc không tốn tiền thuê nhân lực.
Mặt khác, hệ thống chạy bằng nguồn năng lượng mặt trời, một nguồn năng lượng sạch, vô hạn. Không dừng lại ở đó, hệ thống còn có khả năng tái sử dụng lượng vi sinh vật của chu trình trước mà không cần bổ sung sau mỗi lần chạy, giảm lượng chế phẩm cần sử dụng, tiết kiệm được lượng tiền cần để mua chế phẩm. Đồng thời, biến thị trường rác thành một nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Hệ thống nuôi tôm áp dụng internet vạn vật
Ngoài đề tài trên, em Trần Tấn Thành còn thực hiện đề tài "Hệ thống nuôi tôm áp dụng internet vạn vật" cùng với 2 người bạn khác là Quách Lộc Nguyên (lớp 12A4) và Nguyễn Minh Nhựt (lớp 11A4).
Theo nhóm này, tỉnh Sóc Trăng thích hợp cho nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, trong đó có con tôm. Tuy nhiên, những thách thức vừa qua như tôm bệnh còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho các nông dân. Đa số tôm chết hàng loạt là do môi trường nước có sự biến đổi chưa phù hợp với sinh vật nuôi.
"Làm sao để người nuôi theo dõi được chính xác, trực tiếp những thông số quan trọng đến môi trường nước như độ đục, nồng độ oxy hòa tan, nồng độ pH… để có thể điều chỉnh kịp thời", nhóm của Thành đặt vấn đề khi nghiên cứu đề tài.
Với đề tài "Hệ thống nuôi tôm áp dụng internet vạn vật", em Quách Lộc Nguyên cho biết: "Sản phẩm này là một hệ thống điều khiển và giám sát tôm nuôi. Khi hệ thống được cấp điện, các thông số từ cảm biến thông báo về ứng dụng. Như khi độ pH thay đổi quá mức, chuông cảnh báo sẽ bật và thông báo cho người dùng cần bao nhiêu vôi hoặc khi trời tối hệ thống sẽ bật đèn và khởi động máy quạt nước..."
Ưu điểm của sản phẩm này là các vật liệu đều có sẵn trên thị trường, giá cả lắp đặt không quá cao. Hệ thống của nhóm có thể kết nối vào internet từ đó nâng cao sự tiện dụng, giúp người dùng có thể điều khiển ao nuôi ở mọi khoảng cách địa lý. Thậm chí, có thể dễ dàng điều khiển bằng điện thoại thông minh một cách đơn giản, thuận lợi cho người nông dân trong quá trình chăn nuôi.
Trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sóc Trăng năm 2021, 2 đề tài "Hệ thống ủ phân sinh học" và "Hệ thống nuôi tôm áp dụng internet vạn vật" đã đạt được giải nhất.