Sai sót trong đề kiểm tra Ngữ văn lớp 12: Đưa Ninh Thuận, Bình Thuận về ĐBSCL

(Dân trí) - Đề kiểm tra học kì II, lớp 12, môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT Đồng Nai ra cho học sinh đưa hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận thuộc về khu vực Đồng bằng Sông Cửu long đang gây xôn xao dư luận, lãnh đạo Sở GD&ĐT Đồng Nai cho rằng, đề thi không ảnh hưởng đến kết quả làm bài thi của học sinh.


Đề kiểm tra môn Ngữ văn học kỳ 2 năm học 2015-2016 của Sở GD&ĐT Đồng Nai.

Đề kiểm tra môn Ngữ văn học kỳ 2 năm học 2015-2016 của Sở GD&ĐT Đồng Nai.

Theo đề kiểm tra môn Ngữ văn học kỳ II, lớp 12 năm học 2015 – 2016 của Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai diễn ra ngày 12/4, câu 1 phần II có nội dung:

Tính đến nay đã có 12 tỉnh công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong đó có 10 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long là Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận và hai tỉnh Tây Nguyên và Gia Lai và Kon Tum. Dự báo, thiên ai sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, hàng trăm nghìn hộ dân có thể sẽ bị đói do mất nguồn lương thực.

Từ thông tin trên anh, chị hãy viết một bài luận khoảng 400 từ trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng đang diễn ra ở nước ta.

Câu hỏi này được chấm 3 điểm. Theo đề thi, đoạn trích này được trích từ một tờ báo.

Ngay sau kết thúc môn thi, nhiều học sinh lớp 12 tỉnh Đồng Nai chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội và gây xôn xao về việc tắc trách khi ra đề của giáo viên.

Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 13/4, ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai khẳng định: “Sự việc không có gì nghiêm trọng. Không làm ảnh hưởng tới kết quả thi của học sinh”.

Ông Thạch cho hay, khi làm đề văn, một giáo viên làm, một giáo viên phản biện. Đề văn đó trích dẫn nguyên si từ một bài báo. Khi trích dẫn thì phải trích dẫn đầy đủ và để đoạn trích dẫn đó trong ngoặc kép. Tuy nhiên, quy định trong văn học khi trích dẫn để in nghiêng thì không phải để trong ngoặc kép nữa. Trích dẫn trong đề thi dẫn đến sai sót như phản ánh là do cô giáo không đọc kỹ.

Cô giáo có lý giải, do trích dẫn từ tờ báo nên không đọc kỹ nội dung, chỉ đọc 12 tỉnh đó và ngay cả cô giáo phản biện cũng không đọc kỹ bài báo viết nên dẫn đến sai sót trên.

Ông Thạch cho rằng, với sự việc này cũng không thể trách cô giáo và trách tờ báo, chúng ta nên nhìn góc độ thiện chí. Câu hỏi đề dẫn ở đây là chỉ ra những tỉnh đang gặp ảnh hưởng hạn hán của biến đổi khí hậu. Đồng thời, căn cứ vào minh chứng đó để học sinh lý giải hiện tượng biến đổi khí hậu chứ không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của học sinh.

“Nếu ảnh hưởng đến kết quả làm bài của học sinh thì ngay lập tức chúng tôi đã có đề dự phòng để thí sinh làm lại trong ngày hôm sau nhưng ở đây không ảnh hưởng gì đến kết quả học sinh” – ông Thạch khẳng định.

Vậy trách nhiệm của giáo viên ra đề này sẽ xử lý thế nào? Ông Thạch cho biết, ai cũng có sự sai sót trong công việc nhưng không được phép sai sót khi làm đề thi. Tuy nhiên, ở đây lỗi ngoài ý muốn của giáo viên nên chỉ nhắc nhở giáo viên cần cẩn thận hơn trong việc ra đề lần sau. Bởi vì làm đề thi kiến thức phải chuẩn, không thể sai sót.

Hồng Hạnh

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)