Sai phạm tại ĐH Lao động-Xã hội: Thiếu điểm vẫn được tuyển vào trường
(Dân trí)- 73 thí sinh thi khác khối, thiếu điểm vẫn được tuyển vào học tại trường; 4 sinh viên đã bị buộc thôi học do vi phạm quy chế tuyển sinh vẫn được học tiếp… là một số sai phạm tại Trường ĐH Lao động-Xã hội vừa được thanh tra Bộ LĐ, TB và XH công bố.
Chiều ngày 14/11, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh đã công bố kết luận thanh tra việc xử lý tố cáo tại Trường đại học Lao động - Xã hội.
Sau gần hai tháng thanh tra, rà soát 5.322 hồ sơ tuyển sinh vào các hệ ĐH, CĐ của Trường ĐH Lao động - Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát hiện 73 thí sinh thi khác khối, thiếu điểm vẫn được tuyển vào học tại trường.
Trong đó, có 2 thí sinh dự thi khối B trúng tuyển dù trường không tuyển sinh khối này và 3 thí sinh dự thi khối C vẫn được tuyển vào học ngành Kế toán (ngành Kế toán không tuyển sinh khối C). 68 thí sinh khác thiếu điểm, không đăng ký ngành học hoặc tẩy sửa ô đăng ký vẫn được học tại các ngành, các hệ đào tạo của nhà trường.
ĐH Lao động - Xã hội thậm chí vẫn cho học tiếp 4 sinh viên đã bị buộc thôi học do vi phạm quy chế tuyển sinh theo điều tra độc lập của công an TP Hà Nội năm 2010.
Trong quá trình thanh tra, ngoài những sai phạm nghiêm trọng về công tác tuyển sinh, đào tạo tại một trường ĐH công lập, ĐH Lao động - Xã hội còn bị phát hiện mắc nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ như bổ nhiệm các phó giám đốc cơ sở Sơn Tây, các trưởng, phó khoa thiếu nhiều quy trình, thủ tục. Hiệu trưởng trường còn lạm quyền tự ý thành lập khoa Sau ĐH hoàn toàn không đúng thẩm quyền.
Trong quy chế tuyển dụng, ký hợp đồng đối với cán bộ giảng viên, trường đề ra tiêu chuẩn rất lý tưởng “tốt nghiệp ĐH chính quy loại giỏi, xuất sắc hoặc có văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp. Trường hợp bằng trung bình khá, bằng khá thì yêu cầu đã đỗ cao học”. Tuy nhiên, trên thực tế, từ 1/1/2009 đến 15/8/2011, trường tuyển mới 48 người về làm công tác giảng dạy và có đến 19 trường hợp bằng trung bình khá, trung bình, khá, không đúng với chính quy định do nhà trường ban hành.
Kiểm điểm trách nhiệm trong 45 ngày
Đối với sinh viên đã chuyển từ các cơ sở đào tạo khác về cơ sở 43 Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) học tập, giao Hiệu trưởng kiểm tra, rà soát, đối với sinh viên không đủ các điều kiện để chuyển trường, chuyển trả sinh viên đó về cơ sở đào tạo cũ.
Bộ yêu cầu, trường thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định số 1033/QĐ-ĐHLĐXH ngày 1/12/2010 của hiệu trưởng Trường ĐH Lao động - Xã hội về việc buộc thôi học đối với 4 sinh viên do vi phạm quy chế tuyển sinh theo điều tra độc lập của công an TP Hà Nội năm 2010.
Đối với 19 người tốt nghiệp đại học hạng trung bình, trung bình khá hoặc khá đã được trường tuyển dụng về làm giảng viên, giảng viên kiêm chức bậc đại học: Nếu có nhu cầu làm các công việc khác (không tham gia giảng dạy ở bậc đại học trở lên) thì bố trí sang công việc đó; nếu không có nhu cầu sử dụng thì chấm dứt quan hệ lao động.
Đối với các trường hợp sửa nâng điểm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu hiệu trưởng chủ trì, rà soát, so sánh lại toàn bộ việc thi, quản lý điểm của sinh viên, trường hợp sửa nâng điểm không phản ánh đúng kết quả học tập thì phải sửa lại và phản ánh đúng kết quả học tập của sinh viên.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày lãnh đạo Bộ ký quyết định (14/11/2011).
Hồng Hạnh