Sai lầm thường gặp khi hoàn thiện hồ sơ xin Visa, giấy phép du học Canada
Vì sao khối trường cao đẳng Canada chiếm 62% tổng số hồ sơ nộp xin cấp giấy phép học tập và tỷ lệ đạt visa chỉ là 42% trong khi ngược lại khối trường đại học chiếm 13% tổng số hồ sơ xin giấy phép học tập nhưng tỷ lệ đạt visa lại cao tới 80%?
Theo báo cáo từ bộ phận Thị thực – Tổng lãnh sự quán Canada tại Việt Nam, tỷ lệ hồ sơ xin cấp giấy phép du học Canada được cơ quan này thông qua trong năm 2014 là 55%. Cụ thể chia theo các nhà cung cấp giáo dục (education provider - là các cơ sở đào tạo như trường tiểu học, trường trung học, cao đẳng, đại học) là: Học sinh xin giấy phép du học khối trường học (K-12) với các chương trình từ mẫu giáo đến lớp 12 chiếm 25% tổng số hồ sơ và tỷ lệ được thông qua là 70%; Học sinh xin giấy phép du học khối trường đại học (University) với các chương trình như cử nhân, thạc sĩ, thạc sĩ nghiên cứu, tiến sĩ chiếm 13% tổng số hồ sơ và tỷ lệ được thông qua là 80%, cao nhất trong các khối. Học sinh xin giấy phép du học khối trường cao đẳng (College) và trường ngôn ngữ với các chương trình như tiếng Anh, tiếng Pháp, cao đẳng, cử nhân, chứng chỉ sau đại học chiếm 62% tổng số hồ sơ và tỷ lệ được thông qua là 44%, thấp nhất trong các khối.
Câu hỏi đặt ra với những số liệu được cung cấp này là: Vì sao khối có tỷ lệ được cấp giấy phép cao nhất lại có số lượng hồ sơ được nộp ít nhất và vì sao khối có tỷ lệ được cấp giấy phép thấp nhất lại có số lượng hồ sơ nộp là cao nhất? Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép du học của học sinh và gia đình đang gặp vấn đề gì? Vai trò của các tổ chức cung cấp giáo dục, các tổ chức tư vấn, các cơ quan hỗ trợ là gì và hiện đang được thực hiện thế nào, được học sinh và gia đình hiểu ra sao? Loạt bài viết này sẽ cùng phân tích để tìm ra câu trả lời với mục tiêu trọng tâm là hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép du học Canada thành công.
Hồ sơ xin giấy phép du học Canada thường bị từ chối vì những lí do nào?
Trong mẫu thư từ chối cấp giấy phép du học của bộ phận thị thực – Tổng lãnh sự quán Canada tại Việt Nam có liệt kê hầu hết các loại lí do hồ sơ không được thông qua như: Nhà cung cấp giáo dục tại Canada không hợp lệ, không chứng minh được mục đích du học thực sự, không chứng minh được khả năng tài chính đủ để chi trả, thông tin không trung thực, điều kiện sức khoẻ không phù hợp…Ngoài những lí do về lịch sử nhập cư của bản thân học sinh và gia đình, có thể chia các lí do từ chối thành hai nhóm chính như sau: Nhóm 1: Không chứng minh được kế hoạch học tập - sự nghiệp rõ ràng và/hoặc không thể hiện được mục đích du học thực sự; Nhóm 2: Không chứng minh được hồ sơ tài chính minh bạch, hợp lý và hợp pháp.
Bộ hồ sơ hợp lý, hợp lệ, hợp pháp là như thế nào?
Xem xét một trường hợp ví dụ dưới đây để bạn có hình dung cụ thể về bộ hồ sơ xin cấp giấy phép học tập tại Canada.
Tháng 11/2015, học sinh Trần Trung Đức đang học lớp 12 chuyên Lý tại Hà Nội, điểm học tập các học kỳ trung học phổ thông từ 8.5 trở lên, điểm tiếng Anh IELTS 7.0. Đức có mong muốn được phát triển trong ngành công nghệ kỹ thuật điện.
Đức có một chị gái đã kết hôn và làm kiểm toán tại Việt Nam. Bố trước đây công tác trong lĩnh vực xây dựng, chuyên ngành môi trường đã nghỉ hưu với mức lương 5 triệu/tháng, hiện tại là chuyên gia tư vấn xây dựng công trình xử lý rác thải cho Công ty A tại Hà Nội với mức lương 20 triệu/tháng. Mẹ hiện là kế toán trưởng Công ty B với mức lương 17 triệu/tháng.
Ngoài ra, bố mẹ Đức kinh doanh bất động sản tự do và cho vay vốn kinh doanh, cụ thể là: Cho bà Kiều Mai Lan vay số tiền 1 tỷ để kinh doanh cửa hàng quần áo, lãi suất 10%/năm từ tháng 9/2015, trả lãi 2 tháng/lần (khoảng 8,3 triệu/tháng), hợp đồng thời hạn 02 năm; Cho công ty D vay tiền theo hạn mức 2 tỷ, lãi suất 12%/năm từ tháng 1/2015, trả lãi 1 quý/lần, hợp đồng thời hạn 01 năm. Sổ tiết kiệm đứng tên mẹ Đức được mở tại ngân hàng từ tháng 10/2015 kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 6%/năm với số tiền 1,3 tỷ đồng.
Căn nhà 4 tầng tại đường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã có sổ đỏ đứng tên bố mẹ Đức hiện đang cho công ty C thuê làm văn phòng với giá 30 triệu/tháng bắt đầu từ 01/07/2015 với thời hạn thuê 5 năm, thanh toán tiền nhà 6 tháng/lần vào đầu kỳ. Căn nhà 5 tầng tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã có sổ đỏ đứng tên bố mẹ Đức hiện cho bà Nguyễn Thu Hương thuê tầng 01 làm cửa hàng bán văn phòng phẩm, đồ lưu niệm với giá thuê 5 triệu/tháng bắt đầu từ tháng 11/2015, hợp đồng thuê 2 năm, thanh toán tiền nhà 03 tháng/lần vào đầu kỳ. Các tầng còn lại của ngôi nhà này là nơi ở của gia đình Đức.
Với trường hợp này, hồ sơ xin giấy phép học tập tại Canada của học sinh cần lưu ý một số điểm như sau:
Về kế hoạch học tập: Đây là phần quan trọng nhất trong hồ sơ xin giấy phép học tập cũng như trong kế hoạch du học của mỗi học sinh. Đây chính là kết quả của quá trình nghiên cứu, tìm hiểu của học sinh nhằm tạo ra định hướng, kế hoạch sự nghiệp dự kiến, là căn cứ để đầu tư thời gian, tiền bạc, cơ hội của gia đình và cũng là căn cứ chủ yếu để đánh giá mục đích du học thực sự của cơ quan xét duyệt visa, giấy phép. Trong kế hoạch học tập này, bạn cần làm sáng tỏ câu trả lời của một số câu hỏi chính như sau:
+ Ước mơ, nguyện vọng của bạn là gì và nền tảng bắt đầu?
+ Lộ trình sự nghiệp dự kiến của bạn trong vòng ít nhất 5 năm nữa ra sao? Sau khi kết thúc khóa học, kế hoạch sự nghiệp của bạn thế nào?
+ Bạn và gia đình bạn đã chuẩn bị thế nào để thực hiện lộ trình đó?
+ Khóa học tại Canada đóng góp giá trị gì cho lộ trình dự kiến của bạn? Vì sao bạn lựa chọn Canada và khóa học này thay cho một chương trình học ở Việt Nam hoặc một quốc gia khác? Giá trị đó có tương xứng với việc đầu tư tài chính, thời gian của bạn và gia đình cho khoá học này hay không?
+ Khoản đầu tư này có nằm trong khả năng mà gia đình bạn có thể đảm bảo tính ổn định để bạn tập trung hoàn thành kế hoạch học tập của mình, ngay cả khi có rủi ro xảy ra hay không?
Về căn cứ chuẩn bị hồ sơ: Bộ hồ sơ được cung cấp cần phải vừa phù hợp với quy định và hướng dẫn của chính phủ Canada về hồ sơ xin giấy phép học tập, vừa phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Về hồ sơ học tập chi tiết: Các nội dung về tư vấn hướng nghiệp để xác định lộ trình sự nghiệp (bao gồm học tập và làm việc sau tốt nghiệp) sẽ được lần lượt đề cập trong các bài viết sắp tới. Với trường hợp cụ thể nêu trên đây, giả sử học sinh và gia đình đã nghiên cứu, có lộ trình học tập – làm việc rõ ràng, so sánh môi trường giáo dục các nước, các nhà cung cấp giáo dục tại Canada và lựa chọn chương trình học cử nhân kỹ thuật điện tại đại học Waterloo kéo dài 5 năm đã bao gồm 2 năm co-op (thực tập hưởng lương) kỳ nhập học tháng 9/2016.
Về hồ sơ chứng minh tài chính: Trường hợp nêu trên cần chú ý chứng minh nguồn thu từ tiền cho thuê nhà, tiền cho vay vốn theo món và theo hạn mức, tiền gửi tiết kiệm, tiền lương của bố mẹ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Chi tiết về các căn cứ pháp lý, danh mục hồ sơ chi tiết và yêu cầu cụ thể với từng loại giấy tờ của trường hợp ví dụ trên đây, quý vị xem thông tin và phương án đề xuất tại link: http://hotroduhoc.vn/ho-so-xin-visa-du-hoc-canada/ Các trường hợp học tập, nguồn thu khác, vui lòng liên hệ Chương trình Hỗ trợ du học để được hỗ trợ bằng cách điền đầy đủ thông tin tại link: http://hotroduhoc.vn/dang-ky-tu-van-canada/ |
Khi nào nên bắt đầu chuẩn bị hồ sơ?
Hồ sơ du học Canada nên được bắt đầu chuẩn bị khoảng 2 năm trước thời điểm du học. Lấy ví dụ học sinh muốn tham gia chương trình học cử nhân kỹ thuật điện tại đại học Waterloo kỳ tháng 9/2016 như trên, có một số lưu ý quan trọng như sau:
Về thời gian xin visa, giấy phép học tập tại Canada: Thời gian xét trung bình được Tổng lãnh sự quán Canada tại Việt Nam công bố là 9 tuần. Tuy nhiên tháng 09 hàng năm là kỳ nhập học chính của Canada nên thời gian xét có thể dài hơn. Vì vậy, thời gian nộp hồ sơ được đề xuất là 4 tháng hoặc nhiều hơn trước thời gian nhập học.
Về thời gian nộp hồ sơ xin thư mời học: Thông thường các chương trình học kỳ tháng 9/2016 sẽ đóng cửa nhận hồ sơ xin thư mời học vào đầu tháng 2/2016. Một số ít trường có 03 kỳ nhập học mỗi năm (tháng 01, tháng 05 và tháng 09) có thể kéo dài thời gian nhận hồ sơ đến tháng 04/2016. Như vậy, quá trình tìm hiểu để có được định hướng học tập – làm việc, cân nhắc cơ hội tương lai và đưa ra quyết định đầu tư cần được tiến hành trước đó một thời gian đủ dài. Thời gian được đề xuất tối thiểu là 01 năm trước khi nộp hồ sơ xin thư mời học.
Bắt đầu chuẩn bị cho hồ sơ xin giấy phép học tập tại Canada như thế nào?
Để thực hiện thành công kế hoạch du học Canada, học sinh và gia đình cần chú ý một số điểm quan trọng sau:
Nghiên cứu và xác định lộ trình học tập – làm việc: Để có thể xác định được kế hoạch sự nghiệp, từ đó xác định được kế hoạch học tập đòi hỏi sự nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu thông tin từ bản thân học sinh và gia đình. Việc tìm hiểu thông tin nên bắt đầu sớm, tốt nhất là khoảng 02 năm trước thời điểm nhập học để nắm rõ cơ hội và điều kiện tham gia, từ đó xác định các nhiệm vụ theo từng mốc thời gian cụ thể mà gia đình và học sinh cần phải hoàn thành.
Thành tích học tập: Điểm học tập (GPA – Grade Point Average) của học sinh là căn cứ đầu tiên đối với việc xin học tại Canada, được quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, việc duy trì thành tích học tập cao là điều học sinh cần xác định từ lúc bắt đầu chương trình trung học phổ thông hay chương trình đại học của mình. Thông thường, các trường đại học (University) tại Canada yêu cầu mức GPA tối thiểu để đủ điều kiện nộp hồ sơ xin thư mời học chương trình cử nhân là từ 70% đến 85%, chương trình thạc sĩ là từ 70% đến 80%. Với các trường cao đẳng (College), yêu cầu mức GPA cho các chương trình cao đẳng thường là 60% đến 75%, chương trình cử nhân là 65% đến 75%, chương trình chứng chỉ sau đại học là 60% đến 75%.
Ngoại ngữ: Học sinh nên chuẩn bị tốt điều kiện ngoại ngữ từ Việt Nam để tiết kiệm chi phí, có nền tảng tìm hiểu thông tin trước khi du học và tham gia tốt các chương trình đào tạo tại Canada. Điều kiện đầu vào của các chương trình thường được quy định như sau: Các chương trình cao đẳng IELTS 6.0 đến 6.5; Các chương trình đại học IELTS 6.0 đến 7.0. Các chương trình chứng chỉ sau đại học 6.0 đến 7.0. Các chương trình thạc sĩ IELTS 6.5 đến 7.5. Một số chương trình thạc sĩ còn yêu cầu thêm chứng chỉ GMAT 500 – 550 điểm, chứng chỉ GRE 300 điểm hoặc chứng chỉ tiếng Pháp. Nếu có điều kiện về thời gian và tài chính, trước khi bắt đầu khóa học chính, học sinh có thể tham gia các chương trình tiếng Anh ngắn để thích nghi tốt hơn với môi trường học tập, sinh hoạt tại Canada.
Hồ sơ tài chính: Hồ sơ chứng minh tài chính cần đảm bảo minh bạch, hợp lý, hợp lệ và hợp pháp. Hoàn thiện hồ sơ tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam là điều gia đình học sinh cần tìm hiểu và thực hiện nhằm chứng minh được khả năng tài chính cũng như sự tương đồng về giá trị với xã hội Canada là tự chủ, trung thực và công bằng.
Như vậy, việc hoàn thiện hồ sơ hợp lý, hợp lệ và hợp pháp là điều kiện then chốt để quyết định việc xét duyệt giấy phép học tập tại Canada. Các số liệu được đưa ra tại đầu bài viết chỉ mang tính chất tham khảo tại thời điểm nhất định với sự phân chia theo loại nhà cung cấp giáo dục và chương trình học. Việc lựa chọn chương trình học nào, nhà cung cấp giáo dục nào là một phần kết quả nghiên cứu khi học sinh và gia đình tìm hiểu, xác định lộ trình sự nghiệp, kế hoạch học tập của mình, không phản ánh tỷ lệ được cấp visa, giấy phép học tập là bao nhiêu. Những thông tin này là điều kiện cần để xét duyệt hồ sơ xin cấp visa, giấy phép học tập của học sinh. Điều kiện đủ là học sinh cần chứng minh được sự tương đồng giữa giá trị cốt lõi của bản thân, gia đình và giá trị xã hội của Canada. Các giá trị cụ thể là tự chủ, trung thực và công bằng. Giá trị này được thể hiện chi tiết qua năng lực nghiên cứu, tìm hiểu, xác định lộ trình sự nghiệp, kế hoạch học tập phù hợp; khả năng học tập, ngôn ngữ, tài chính tương xứng để thực hiện kế hoạch; hồ sơ cung cấp trung thực, tuân thủ quy định của Canada và quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong quá trình tìm hiểu và hoàn thiện hồ sơ, quý vị có thể liên hệ Chương trình hỗ trợ du học bằng cách điền đầy đủ thông tin tại link: http://hotroduhoc.vn/dang-ky-tu-van-canada/hoặc liên hệ số điện thoại 093 652 8386 (Ms.Phương) và 04 6686 4343 (Ms.Mỵ) để được hỗ trợ chi tiết.
Chương trình Hỗ trợ du học