Sách giáo khoa dành cho... nhà bác học ?!

Học sinh được yêu cầu tìm tên quốc gia có quốc kỳ in trong sách. Nhiều quốc gia có quốc kỳ hình dạng tương tự nhau, chỉ khác màu sắc, còn sách thì in...đen trắng để...đố các em đoán ra!!!

Một giáo viên THCS nói nửa đùa nửa thật: “Bạn có bao giờ đọc qua các sách giáo khoa (SGK) không? Đó là loại sách dành để đào tạo... những nhà bác học trong độ tuổi còn mê ăn và đái dầm!”.

 

Bị câu nói đùa của anh ám ảnh, chúng tôi quyết định dành ra hai ngày để đọc SGK các cấp lớp từ tiểu học đến THPT và chợt nhận ra rằng anh bạn ấy nói không sai...

 

Những người thích đùa?

 

Nêu tình trạng môi trường không khí và nguồn nước nơi em sinh sống?

 

Trình bày một thí nghiệm chứng tỏ rằng một vật bị thay đổi vị trí khi nhận được năng lượng?

 

Em hãy nêu những sự kiện lịch sử tiêu biểu trong thời kỳ 1858-1945. Thử lập sơ đồ để thể hiện điều này

 

(Trích SGK Tự nhiên xã hội lớp 5, NXB Giáo Dục 2004)

 

Xin nói ngay rằng đây chỉ là một số trong rất nhiều câu hỏi thuộc rất nhiều lĩnh vực của đời sống được trích từ SGK cho học sinh lớp 5. Người lớn chúng ta cần bao nhiêu thời gian để hoàn tất ba câu hỏi trên, trong khi các em bé trong những giờ học ít ỏi của mình phải trả lời số lượng câu hỏi gấp nhiều lần số đó? Vấn đề không chỉ là học thuộc mà phải hiểu. Nhưng ngay cả học thuộc còn khó nói chi đến hiểu.

 

Các nhà biên soạn SGK quả là những người thích đùa hay họ có sự kỳ vọng quá lớn lao vào con em chúng ta? Tất cả chúng đều có trí tuệ phi phàm và trí nhớ siêu việt? Tôi e rằng không phải! Vậy thì xin cho tôi được ngả mũ chào trước nhất những nhà bác học toàn lĩnh vực của khối lớp 5!

 

Không chỉ có môn tự nhiên xã hội, môn Anh văn (quyển 3 dành cho HS lớp 5) cũng có không ít sự thách đố dành cho các em. Những lá cờ các nước được in một màu, còn các em thì được yêu cầu tìm tên của nước có quốc kỳ đó. (Trong khi có những quốc gia có quốc kỳ hình dạng giống nhau, chỉ khác màu sắc, học sinh sẽ đoán là nước nào?).

 

Cũng trong quyển sách này, có những yêu cầu khó hiểu mà đến cả người lớn đọc có thể cũng tắc tị. Ví dụ: trang 8, bài tập 7 yêu cầu: Nghe và sắp xếp thứ tự các bức tranh, bên dưới trình bày hình vẽ của bốn thành phố lớn ở các nước và không chú thích gì thêm. Vậy thì học sinh “nghe” cái gì và sắp xếp thứ tự theo kiểu gì?

 

Tuy nhiên bất chấp những điều vừa nói, học sinh tiểu học vẫn hiên ngang học mỗi ngày và xuất sắc rất đông! (?).

 

Con em chúng ta giỏi thật!

 

Hãy xem chương trình cải cách lớp 6 mới dạy cho các em điều gì ở môn công nghệ! Chương 1: May mặc gia đình: cắt khâu một số sản phẩm; chương 2: Trang trí nhà ở: sắp xếp đồ đạc và trang trí; chương 3: Nấu ăn trong gia đình với phần thực hành là xây dựng thực đơn, tỉa rau củ; chương 4: Thu chi trong gia đình.

 

Tương tự vậy, Công nghệ 7 giúp các em thành những nhà nông học thật sự với những kiến thức ở tầm... vĩ mô: trồng trọt, cải tạo đất, qui trình sản xuất và bảo vệ môi trường trồng trọt, lâm nghiệp với kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, chăn nuôi với giống và chế biến, thủy sản và bảo vệ môi trường trong sản xuất thủy sản.

 

Không thua chị kém em, Công nghệ 8 có độ dày 208 trang cố gắng hô biến học sinh thành các kỹ sư với bản vẽ khối hình học, bản vẽ kỹ thuật, cơ khí và kỹ thuật điện.

 

Mỗi một quyển sách công nghệ dày từ 140 trang khổ 17 x 24cm trở lên. Tôi tự hỏi không biết các em học sinh có thể thực hành được như những điều qui định trong sách? Có một câu chuyện cười hết sức đáng suy ngẫm: cậu bé than phiền với mẹ bị điểm thấp, mẹ hỏi tại sao, cậu liền nói tại vì mẹ không khâu mà để ba khâu, ba khâu đâu có đẹp bằng mẹ của các bạn nên con bị điểm thấp. Rõ ràng ai cũng hiểu, chỉ có... bộ không hiểu nên mới dẫn tới cảnh những sản phẩm thực hành của giờ công nghệ, kỹ thuật trở thành cuộc so tài khéo tay của các ông bố, bà mẹ với nhau!

 

Càng nhỏ càng học nhiều!

 

Thử làm một phép so sánh xoàng xĩnh, tôi giật mình nhận ra một sự thật kỳ cục: càng nhỏ càng phải học nhiều. Các môn học kỹ thuật, lịch sử, địa lý của THPT đều học ít hơn THCS chương trình cải cách. Cụ thể: môn lịch sử 10 có hai vấn đề chính: lịch sử thế giới cổ đại, trung đại và lịch sử thế giới cận đại với dung lượng 104 trang khổ sách 14,3 x 20,3cm. Lịch sử 8: lịch sử thế giới cận đại và lịch sử Việt Nam 1858-1918 và số trang là 160 trang khổ 17 x 24cm.

 

Tất nhiên, sự so sánh nào cũng khập khiễng. Và tôi chỉ so sánh một cách cơ học là đo đếm độ dày và khổ lớn nhỏ của sách. Nhưng rõ ràng mới chỉ so sánh có vậy, chúng ta đã không khỏi giật mình. Có lẽ các nhà làm chương trình tuân theo qui luật là con người càng lớn thì trí nhớ càng sút kém nên đã giảm bớt khối lượng kiến thức chăng?

 

Cũng theo chiều hướng như vậy, học sinh khối 10 học vật chất, đấu tranh giai cấp, tự do tất yếu, vai trò quần chúng... trong môn giáo dục công dân. Đến năm 11 lại bắt đầu học tình bạn tình yêu, tình cảm gia đình...

 

Môn công nghệ đến lớp 10 chuyển thành môn kỹ thuật, học sinh chỉ phải học tổng cộng 60 trang với hai vấn đề: lâm nghiệp và nuôi cá nước ngọt! Quá ít so với kho tổng hợp kiến thức ở lớp dưới và không hề chuyên sâu thêm nếu nói là xây dựng chương trình theo cơ cấu đồng tâm và nâng cao dần ở cấp lớp trên!

 

Khi đội ngũ những người làm SGK và đội ngũ người dạy, người phân phối chương trình chưa tạo được tiếng nói chung, sản phẩm làm ra không được người tiếp nhận (học sinh) hoan nghênh thì khi đó, đây vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

 

Nguyễn Công Vinh

Tuổi trẻ