Rút phương án thêm 1 năm học cấp 2

(Dân trí) - Dự thảo Đề án đổi mới giáo dục được đưa ra lấy ý kiến tham vấn các chuyên gia sáng 28/8 đã rút phương án đề xuất thay đổi hệ thống giáo dục phổ thông, tăng thêm 1 năm học ở bậc THCS.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng với tư cách là cơ quan thẩm tra đề án đổi mới giáo dục khi đề án này trình ra Quốc hội tổ chức hội thảo tham vấn các chuyên gia để xây dựng báo cáo thẩm tra trước khi trình UB Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD-ĐT rút lại phương án thay đổi về hệ thống giáo dục, tức là xin giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (9 năm giáo dục cơ bản - gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS + 3 năm THPT).

Theo ông Hiển, trước đó có nhiều ý kiến đề nghị thay đổi như đề xuất của Bộ GD-ĐT (thêm 1 năm học ở bậc THCS). Tuy nhiên, qua phiên họp của Ủy ban quốc gia về đổi mới GD-ĐT tại Chính phủ 2 ngày trước, Hội đồng phát triển giáo dục và nhân lực cũng như nhiều ý kiến khác, Bộ GD-ĐT quyết định giữ nguyên như hiện hành.

Góp ý thêm nội dung này, GS Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng nhận định, dự thảo đề án chưa giải thích rõ lý do vì sao chuyển từ hệ 9+3 sang 10+2. Những lập luận như phải 10 năm mới trang bị đủ kiến thức phổ thông, học sinh mới phát triển tâm sinh lý cần thiết để lựa chọn con đường học tiếp hoặc vào đời… không dựa trên một bằng chứng khoa họcnào.

Ông Tiến cho rằng, trên thực tế, phần lớn các hệ thống giáo dục hiện nay vẫn thiết kế theo hệ 9+3, lớp 10 vẫn nằm ở cấp THPT và được coi là lớp quá độ để chuẩn bị tâm thế tốt cho học sinh trước khi bước vào phân hóa ở lớp 11, 12. Ông Tiến chỉ rõ những khó khăn trong việc chuyển đổi trường, lớp; biến động cơ cấu đội ngũ giáo viên; gánh nặng ngân sách nhà nước phải cáng đáng khi chương trình phổ cập giáo dục bắt buộc tăng lên một năm…

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục cũng cùng quan điểm nhận định, cả 3 lý do đưa ra của cơ quan soạn thảo đề án về việc thay đổi hệ giáo dục đều không thuyết phục. Tuy nhiên, do việc Bộ GD-ĐT đã rút phương án này, ông Thuyết chỉ góp ý nhẹ nhàng không nên để việc này lặp lại, chưa chuẩn bị rõ thì chưa nên đưa ra nội dung gì để rồi lại nhanh chóng rút ngay khi dư luận không đồng tình. Đây không phải lần đầu tiên Bộ GD-ĐT mắc lỗi này.
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội thảo
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội thảo.
 
“Đề án đổi mới được vẽ bằng… tưởng tượng” (!)
 
GS. Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT băn khoăn, nhìn vào đề án đổi mới vẫn chưa hình dung được mô hình giáo dục sẽ xây dựng thế nào. Ông Hạc thậm chí đã hỏi thêm một số cán bộ đang công tác tại Bộ GD-ĐT nhưng cũng chưa có câu trả lời xác đáng.

“Không thể có mô hình giáo dục nào mà tổng điểm thi 3 môn chỉ 8 điểm mà cũng vào học đại học. Không thể có hướng lý giải thế nào cho chất lượng. Vấn đề là để phục vụ các trường, trường vẫn thu được tiền và họ vẫn muốn tuyển sinh thôi” - ông Hạc bức xúc.

Cựu Bộ trưởng GD-ĐT khuyến cáo, việc đổi mới có thành công hay không phụ thuộc vào việc thay đổi cách dạy - và học và thay đổi trong quan điểm nhận thức của xã hội. Ông Hạc khái quát, mấy chục năm qua, học sinh các cấp tại Việt Nam đều học vì thi, học để đối phó với thi cử cả. Giờ cần phải thay đổi, sao để người đi học tự xác định học vì mảnh bằng hay vì chính bản thân mỗi người, học vì cuộc sống và giá trị của bản thân chứ không phải vì những đánh giá hình thức của xã hội.

Cùng hướng phân tích này, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, không nên đặt vấn đề từ việc cải cách thi cử thế nào, đưa ra 1, 2 hay “n” phương án tổ chức thi. Tại sao không đặt câu hỏi, có cần thiết phải tổ chức các kỳ thi không, thi cử hướng tới mục đích gì.

“Phải xác định vì có trẻ con mới cần mở trường học. Vì mở trường mới cần có thầy cô giáo, hiệu trưởng, có cơ quan quản lý, có ông giám đốc Sở… Vậy mà chỉ toàn người lớn ngồi tranh cãi với nhau xem nên bắt trẻ con học gì, thi gì. Ta đang không xem xét vấn đề từ cuộc sống của trẻ mà áp định kiến của chúng ta về cả một đời thi cử vào để phán xử cần làm gì. Sao không đặt vấn đề, sự học làm nên cuộc sống của con trẻ chứ không phải học để làm quan, để khoe khoang. Nếu vậy thì không việc gì phải thi cử” - ông Đại lập luận.

GS Nguyễn Minh Thuyết chọn hướng phản biện từ nội dung báo cáo đánh giá tác động trong dự thảo đề án. Ông Thuyết nhận xét, hầu hết những tác động tích cực được nêu ra đều là sản phẩm tưởng tượng của người viết, không có căn cứ khoa học.

Ông Thuyết dẫn chứng: “Nói có chương trình mới sẽ giảm tải được cho học sinh, chặn được dạy thêm học thêm… là hết sức tưởng tượng vì dạy thêm học thêm hiện tại không phải vì chương trình quá nặng mà vì túi tiền của thầy cô, vì yêu cầu đảm bảo cuộc sống của thầy cô thôi”.

Tương tự, nói có chương trình mới, số lượng học sinh sẽ giảm, không có chuyện 50-60 học sinh/lớp, theo ông Thuyết là bất logic vì muốn giảm mật độ học sinh/lớp, trường, nhà nước phải đầu tư thêm rất nhiều để có thêm thầy cô, trường lớp. Việc này không phụ thuộc vào chương trình học thế nào.

Ngoài ra, nguyên Phó Chủ tịch UB Văn hóa, Giáo dục còn cảnh báo, đề án hoàn toàn “lờ” vấn đề kinh phí, nguồn lực tài chính mà thiếu yếu tố quyết định này sẽ không thể “qua cửa”… Quốc hội.

P.Thảo

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm