“Rùng mình” với tệ nạn bạo lực trẻ em

(Dân trí)- Tại hội thảo quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Bộ LDTB&XH và GD-ĐT tổ chức hôm nay 24/9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thốt lên: “Tôi thực sự đau lòng, trong 1 năm qua cả nước có tới 1.600 vụ HS đánh nhau, trong đó 7 vụ chết người”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đối tượng tham gia đánh nhau chủ yếu là học sinh THCS và THPT. Đây là lứa tuổi đang có sự phát triển mạnh mẽ, tâm sinh lý có nhiều biến đổi. Các nhà trường đã xử lý kỷ luật 881 học sinh, cảnh cáo gần 1.600 em và buộc thôi học hơn 730 học sinh. Đau lòng hơn khi nhà trường phải có quyết định xử lý vụ việc do chính những người thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên trong nhà trường gây ra.

Ông Graig Burgess, đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam cho biết, năm 2002 các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã tiến hành nghiên cứu toàn cầu, trong đó có Việt Nam về bạo lực đối với trẻ em. Nghiên cứu cho thấy, bạo lực đối với trẻ em đang là vấn nạn trên toàn Việt Nam và dưới mọi hình thức.

“Bạo lực có thể gây hậu quả cho sức khỏe thể chất và tình thần của trẻ, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và hủy hoại sự phát triển của trẻ em, ảnh hưởng đến việc trở thành con người tốt, trở thành cha mẹ tốt trong tương lai” - ông Graig Burgess chia sẻ.

Còn Đại tá Nguyễn Chí Việt, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an tiết lộ: “Trong năm đã phải xử lý hình sự hơn 1.200 vụ, 248 vụ xử lý hành chính. Nếu như các loại án giết trẻ em, mua bán, bắt cóc giảm thì số vụ xâm hại tình dục lại gia tăng với tính chất nghiêm trọng hơn với gần 50 trẻ em bị giết, 60 trẻ em bị bắt cóc. Cơ quan công an phải ra bản án tới 20 năm tù giam với đối tượng bạo hành trẻ em như vụ cháu Hoàng Anh ở Cà Mau, cháu Hồng Thắm ở Bạc Liêu bị cậu ruột đánh gãy xương bả vai…
 
“Rùng mình” với tệ nạn bạo lực trẻ em - 1
Các nữ sinh trong một vụ "hỗn chiến" giữa đường.

Giải pháp nào?

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ TB & XH cho biết: “Nguyên nhân đầu tiên đó là nhận thức của gia đình coi việc đánh con là bình thường. Trong khi đó, việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh chua được các nhà trường quan tâm đúng mức. Nhiều giáo viên còn áp dụng các hình thức xử phạt cứng nhắc như đánh, phạt phơi nắng mà không hề biết mình đã vi phạm. Bên cạnh đó, các hoạt động bảo vệ trẻ em chủ yếu là trợ giúp khi sự kiện đã xảy ra. Luật pháp về việc phòng ngừa cũng như các chế tài xử lý cũng chưa đầy đủ”.

Còn Đại tá Nguyễn Chí Việt cho rằng: “Nguyên nhân đầu tiên thuộc về các em vì hầu hết trẻ em vi phạm pháp luật là do kém hiểu biết về pháp luật, thiếu sự tu dưỡng, ham chơi bời, chỉ thích hưởng thụ. Đặc biệt lứa tuổi từ 16-18, tâm sinh lý còn nông nổi, hiếu thắng và liều lĩnh, luôn phô trương sức mạnh của mình. Để không thua kém bạn bè, thích giống các nhân vật trong phim, nhiều em đã phạm tội giết người mà không có cảm giác ghê tay.

Đưa các em vào trường giáo dưỡng hay trại giam là biện pháp bắt buộc cuối cùng, khi không thể áp dụng các biện pháp khác. Nhưng khi các em trở về cần được chính quyền, gia đình, đoàn thể tiếp nhận trong tình thương thật sự" - Đại tá Việt đề nghị.

Bà Mai Thị Nguyệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, đề xuất: “Chính phủ cần rà soát các văn bản pháp luật để điều chỉnh, bổ sung những vấn đề có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho phù hợp và đảm bảo tính thực thi. Nếu có vi phạm, cha mẹ không những bị xử lý hình sự mà còn bị tước hoặc hạn chế quyền chăm sóc, giáo dục, quyền quản lý tài sản của con. Đồng thời khởi tố cả những người che dấu hoặc không tố giác khi biết các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em”.
 

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ TB & XH cho biết: “Tình trạng trẻ em bị buôn bán đang gia tăng, trong năm 2008 chỉ có 208 em bị bắt cóc thì năm 2009 có tới 628 em. Bọn tội phạm dường như có sự phân vùng để bắt cóc. Các tỉnh biên giới phía Bắc bán sang Trung Quốc chủ yếu trẻ trai, tỉnh biên giới phía Nam bán sang Campuchia nhiều trẻ gái. Còn trong các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Quảng Nam lại nở rộ nạn buôn bán trẻ em sơ sinh, trẻ em trong bào thai. Bọn tội phạm sử dụng vệ tinh đến các vùng quê để phát hiện phụ nữ có thai hoặc gia đình có mâu thuẫn để gạ gẫm mua hoặc móc nối với các cơ sở bảo trợ xã hội, núp dưới hình thức trợ giúp nhân đạo để hợp pháp hóa những đứa trẻ này rồi bán cho người nước ngoài…

Hồng Hạnh