Rộn ràng lớp học ở nhà Gươl
(Dân trí) - Nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu là nơi để Hội đồng già làng họp bàn và quyết định những việc hệ trọng, nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống. Thế nhưng ở thôn Tà Vàng (xã Atiêng, Tây Giang, Quảng Nam), nhà Gươl còn là lớp học của hàng chục trẻ mầm non.
Chúng tôi đến thôn Tà Vàng vào buổi sáng, đứng trên đường ĐT 604 nhìn xuống bản làng Tà Vàng còn phủ kín sương mờ thế nhưng đã nghe tiếng các em rộn rã đọc bài. Lớp học giữa nhà Gươl với 27 em học sinh từ 4-5 tuổi đều là người Cơ Tu của ba thôn Achiêng, Tà Vàng, Ahu như xua tan sương sớm vùng cao…
Lớp học không tên
Nước mũi sụt sịt vì áo mặc không đủ ấm vào buổi sáng đến lớp, những “búp măng non” ở ba thôn Achiêng, Tà Vàng, Ahu vẫn đến lớp học dưới mái nhà Gươl thôn Tà Vàng. Bước chân vào lớp học, tôi không khỏi chạnh lòng trước hình ảnh cô bé Alăng Thị Thủy cặm cụi chép chữ trên cuốn vở mà không “thèm” để ý hai lỗ thủng to trên chiếc bàn học sinh có thể nhìn thấy cả chiếc cặp của em trong ngăn bàn. “Con và các bạn quen rồi cô ạ”, cô bé Thủy bẽn lẽn vặn vẹo hai tay trả lời khi chúng tôi hỏi em có thấy khó khăn khi viết bài không.
Lớp học tại nhà Gươl của thôn Tà Vàng không có tên gọi cụ thể là lớp mẫu giáo nhỏ hay mẫu giáo lớn vì trong số 27 em học sinh ở đây, có em chỉ vừa 4 tuổi, có em đã hơn 5 tuổi. Cũng chính vì chênh lệch tuổi nên mức độ tiếp thu của các em cũng khác nhau có em đã phát âm hết các chữ cái nhưng có em chưa thuộc hết mặt chữ.
“Vì không có phòng nên phải cho hai độ tuổi khác nhau học chung lớp. Gia đình của các em đều nghèo. Bố mẹ thì chủ yếu làm rẫy, làm nương nhưng được cái các em đi học chăm lắm. Sáng từ 7h30' vào lớp, chiều 2h đều đặn các em được Ama, Amế dẫn đến lớp”, cô giáo Bh'ling Thị Hoa bộc bạch.
Bản Tà Lang nằm cách trung tâm huyện Tây Giang khoảng 3km nhưng do người dân 100% là đồng bào Cơ Tu, đời sống vẫn chủ yếu dựa vào ruộng rẫy, nên cuộc sống ở Tà Làng phần nào còn in đậm dấu ấn của làng bản Cơ Tu. So với những trẻ em cùng trang lứa ở những thôn xã khác, tưởng chừng như các em nhỏ thôn Tà Làng có điều kiện để tiếp cận với con chữ hơn do là thôn gần trung tâm xã Atiêng. Tuy nhiên, do đường đến Trường mầm non Họa Mi (trường mầm non của xã Atiêng) cách xa ba thôn cùng với việc phải đóng học phí nên các Amế (mẹ), Ama (bố) không đủ điều kiện cho đi học ở trường xã. Vì thế, cô giáo Hoa đã chủ động xin dời vào nhà Gươl của thôn Tà Làng để dạy cho các em từ tháng 11/2011 đến nay.
Từ khi cô giáo Hoa mở lớp tại nhà Gươl, bản làng bỗng rộn ràng hẳn lên bởi tiếng ê a đọc chữ, giọng hát líu lo hay tiếng cười vui của lũ trẻ mỗi giờ ra chơi. Bố mẹ các em cũng yên tâm hơn khi các em đi học. Già làng Bloong Nhốp, hồ hởi cho biết: “Hồi cô giáo Hoa mở lớp học ở đây tới chừ, nhà nào có con đi học không phải đóng học phí mà lại được học ở gần bản làng nên các Amế, Ama ở nhà vui lắm, mà tụi tui cũng yên tâm, không lo mấy đứa nhỏ không được đến lớp nữa”.
Cô giáo có duyên đứng lớp dưới nhà Gươl
Điểm trường được mở tháng 8/2011 thì lớp học của cô giáo Hoa bắt đầu từ tháng 11, từ “sáng kiến” của cô giáo trẻ người Cơ Tu này. Nhà ở tận dưới thôn Tà Me, P’rao, Đông Giang và mới bước sang tuổi 24, nhưng Bh’ling Thị Hoa đã có gần 5 năm gắn bó với các em nhỏ tại huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam. Cô giáo Hoa tâm sự: “Tuy điều kiện dạy ở nhà Gươl còn nhiều thiếu thốn nhất là về vật chất nhưng bà con dân bản cũng thương quý mình, mà mấy em học sinh ở đây lại ngoan, ham học và tội lắm nên mình thấy dạy ở đây cũng vui”.
Nói thế, bởi những khó khăn vất vả dường như đã quá quen thuộc với cô giáo trẻ vùng cao ở lớp học “đặc biệt” này. Trước đó cô Hoa đã từng dạy các em trong nhà Gươl bản R'bượp được một năm, và sau đó nhận công tác ở thôn Tà Vàng và “duyên số” lại đưa cô đến với lớp học dưới mái nhà Gươl của thôn này. “Nếu ở R'bượp, sáng chạy xe máy được đến con suối đầu tiên mình gửi xe ở nhà người dân, xắn quần lội bộ đến trường, qua nhà em học sinh nào, cô giáo lại ghé vào dắt học sinh của mình đi học thì ở Tà Vàng, cô Hoa chỉ mất 5 phút đi xe máy từ trung tâm huyện Tây Giang để đến lớp và ở đây các Ama, Amế sẽ dẫn con đến lớp”, cô giáo Hoa cho biết.
Khi ánh mặt trời đã xuyên trên từng góc bàn các em ngồi, mà sương thì vẫn lả tả vương vít vào lớp học, đậu trên tóc, trên hàng mi dài của những cặp mắt bé nhỏ. Những đôi mắt rạng ngời, những miệng nhỏ xinh xinh của các em học sinh khi ê a đọc những con số, chữ cái được viết trên bảng khiến chúng tôi chỉ muốn nấn ná ở lại với lớp học trong ngôi nhà Gươl nơi bản Tà Vàng.
Thu Hiền