Rào cản với việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trình độ trung cấp lên đại học
(Dân trí) - Nói về đề xuất quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học với giáo viên tiểu học, lãnh đạo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tính khả thi khi đến nay, còn đến 40% số giáo viên tiểu học, tương đương 160.000 người có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống…
Không miễn học phí nhưng có chính sách tín dụng với sinh viên sư phạm
Thẩm tra dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục mà Chính phủ trình Quốc hội sáng nay, 29/4, Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu ý kiến với định hướng hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông
Ông Bình đề nghị ban soạn thảo luật nghiên cứu, cụ thể hóa phạm vi, tiêu chí của hệ thống giáo dục mở và cơ chế, quy trình, cách thức tổ chức quản lý trong liên thông.
Cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu bổ sung các nguyên tắc để thúc đẩy tổ chức phân luồng; xem xét việc quy định về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học về liên thông giữa các trình độ đào tạo của 2 loại hình đào tạo này trong dự thảo luật, thể hiện tính mở, liên thông, bảo đảm tính chỉnh thể của hệ thống.
Cụ thể, về giáo dục phổ thông, lãnh đạo cơ quan thẩm tra cho rằng, những đề xuất sửa đổi đưa ra là cần thiết nhưng chưa đầy đủ. UB Văn hoá, Giáo dục đề nghị cần có những quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Luật Giáo dục về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức thực hiện và cơ chế tài chính trong việc biên soạn, in, phát hành sách giáo khoa; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa.
Cơ quan soạn thảo luật cũng cần làm rõ quy định về việc thí điểm chương trình giáo dục phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục khác với chương trình giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, về việc sử dụng các tài liệu dạy học song song hoặc thay thế sách giáo khoa.
Ngoài ra, trong cơ quan thẩm tra cũng có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy định về mục tiêu, phương pháp giáo dục phổ thông hướng đến yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển tư duy phản biện cho học sinh.
Về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết, đa số thành viên UB tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học, bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.
Một số đại biểu đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục khái quát, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, các đại biểu đều cho rằng, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Luật cần sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm, bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.
40% giáo viên tiểu học chỉ có trình độ cao đẳng trở xuống
Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, UB Văn hoá, Giáo dục nhận xét, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo trong dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách. Các quy định về vị thế, vai trò; điều kiện, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, sự đãi ngộ, tôn vinh còn chồng chéo.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị ban soạn thảo rà soát, sửa đổi chương quy định về nhà giáo một cách căn cơ, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo trong luật. UB Văn giáo, Giáo dục cũng chờ đợi quy định đầy đủ, cụ thể hơn hệ thống chính sách tương xứng với vị thế đã được xác định, làm rõ mối quan hệ và trách nhiệm tương hỗ giữa nhà nước - nhà giáo - người học, làm căn cứ để xây dựng luật Nhà giáo và pháp luật có liên quan, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm đương tốt nhất trọng trách của mình.
Chi tiết hơn, cơ quan thẩm tra đề cập về chính sách lương của nhà giáo và đề nghị cơ quan soạn thảo luật bám sát Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa trong luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng quy định trong các đề án cải cách tiền lương.
UB Văn hoá, Giáo dục cũng đề nghị nghiên cứu để bổ sung các quy định liên quan đến cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm các quy định về về khái niệm, tiêu chuẩn, chế độ đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng.
Đối với vấn đề chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giảng viên đại học và giáo viên trung học cơ sở, đồng thời nhấn mạnh, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực làm việc phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo.
Đối với giáo viên tiểu học, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học. Lý do đưa ra, đến nay, còn đến 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên.
Theo nhóm ý kiến này, cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ cao đẳng khi chính sách này được thực hiện.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo để khuyến khích sinh viên theo học trình độ phù hợp, khuyến khích nhà giáo tích cực học tập để nâng chuẩn đào tạo.
P.Thảo