Ra đề đánh giá mà như cố đánh trượt!
Một đề thi hay phải thể hiện sự phân hóa cao trong việc đánh giá trình độ học sinh vừa phải bảo đảm tính chính xác về từ ngữ và tư liệu; kích thích sự hứng thú, sáng tạo.
Đề thi là một trong những phương tiện quan trọng kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Đề thi phải đánh giá và phân loại được trình độ học sinh về năng lực thông hiểu, kỹ năng vận dụng ở nhiều mức độ khác nhau. Hiện nay, ở các trường phổ thông, tình trạng ra đề thi về môn văn đang có nhiều bất cập.
Chỉ có thể... “cắn bút”!
Rất nhiều thầy cô đã cố gắng ra đề theo tinh thần đổi mới nhưng cũng có tình trạng đề mở quá dẫn tới tình trạng mơ hồ thậm chí tối nghĩa: “Mơ không chỉ là giấc mơ mà còn là mơ của giấc mơ” - Hãy trình bày giấc mơ của em. Hay yêu cầu trình bày suy nghĩ qua những câu như: “Cuộc sống là một hành trình em chọn bước đi hay dừng lại”, “Hãy gõ vào trái tim em, hãy cho biết trái tim em đang nói gì?”. Những đề này thuộc loại đề mở nhưng rất mông lung, học sinh khá trở xuống khó xác định hướng đi, hiểu được đề cũng không phải dễ. Học sinh cũng khó xác đinh bố cục cho bài viết.
Có những đề vừa khô khan, trừu tượng lại quá cao so với trình độ của học sinh trung học giống như một đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐH: “Kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần có trong một thế giới hiện đại là khả năng học phương pháp học... Bởi những kiến thức bạn có ngày hôm nay sẽ trở thành lỗi thời nhanh hơn bạn tưởng nhiều” - Từ lời khuyên của Phrit-men, hãy bàn về vai trò của “học phương pháp học” đối với mỗi con người trong thế giới hiện đại.
Một đề thi khác: “Một con người làm sao có thể nhận thức được chính mình? Đó không phải là việc của tư duy mà là của thực tiễn. Hãy ra sức thực hiện bổn phận của mình, lúc đó bạn lập tức hiểu được giá trị của mình” (Gớt) - Hãy trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên. Hoặc một đề thi yêu cầu: Viết một bài văn ngắn nêu suy nghĩ của em về ý kiến của đại thi hào Lỗ Tấn: “Ước mơ không phải là cái gì có sẵn, cũng không phải là cái gì không thể có”.
Đây là những đề thi có đủ 3 khó: khó làm, khó điểm lại khó xơi. Rõ ràng, với những đề văn như thế này các em chỉ có “cắn bút”. Đề khó làm mất cảm hứng của người học, càng học càng thấy rối, lại không đánh giá đúng trình độ thật sự của học sinh.
Khổ vì quá dài rồi... quá ngắn
Đề thi về văn nghị luận xã hội thường phong phú và rộng hơn nghị luận văn học. Chính vì vậy, đề về nghị luận văn học thường khó làm mới. Đề vẫn quay đi quay lại phân tích nhân vật, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, tình huống truyện, phân tích một bài, đoạn thơ. Lỗi thường gặp trong đề văn nghị luận văn học là đề không đáp ứng tiêu chí về thời gian và chất lượng: quá dài hoặc quá ngắn.
Ví dụ: Cũng là câu 4 điểm và cùng trong một thời gian như nhau (90 phút, đề gồm 3 câu) nhưng lại có sự nghịch lý đến vô lý. Đây là đề thi học kỳ lớp 9 tại một quận ở TP HCM: “Đọc đoạn trích sau: “Thế là tối lại ra đường luôn. Thường xuyên... Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng là một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai? Tôi nghĩ thế, nghĩ thêm: đứng cẩn thận, mảnh bom ghim vào tay thì khá phiền. Và mồ hôi thấm vào môi tôi, mằn mặn, cát lào xào trong miệng. Nhưng quả bom nổ... (trích Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê). Dựa vào đoạn trích trên, hãy nêu những cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê”.
Đây là một đề thi của trường THCS khác: “Cảm nhận của em về chân dung nữ thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê”.
Một đề quá dài và một đề quá ngắn, lại cùng một thời lượng như nhau. Với đề quá dài, các em không đủ thời gian vì trong tác phẩm không chỉ chân dung của 1 nhân vật mà tới 3 nhân vật. Đề quá ngắn kia thì sa vào “chẻ sợi tóc làm tư”, học sinh không biết viết gì, chắc hẳn nhiều em “chém gió” với tâm trạng bực bội, học nhiều nhưng không áp dụng được bao nhiêu, không biết mình có đáp ứng đúng yêu cầu của đề hay không...
Những kiểu đề như thế này vẫn thường hay gặp trong các kỳ thi học kỳ ở một số trường THCS. Hiện tượng này cũng được lặp lại trong những đề phân tích thơ. Cùng một trường, cùng làm bài kiểm tra một tiết, cùng làm chung một bài thơ nhưng lớp này thì chỉ bình một khổ thơ, lớp kia lại phải phân tích cả bài thơ...
Đề hay phải khơi gợi cảm xúc
Đề văn nghị luận hay vừa phải kiểm tra được kỹ năng làm văn của học sinh vừa đánh giá được sự hiểu biết về các vấn đề xã hội của học sinh lại vừa có đất cho những học sinh giỏi dụng võ. Em Nguyễn Thiên Kim, Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM, giải nhất kỳ thi học sinh giỏi TP, phát biểu: “Khi cầm đề trên tay, em có cảm giác như đề này đã chờ sẵn em từ lâu, em cắm đầu viết liền một mạch sợ không ghi hết cảm xúc đang tuôn trào”.
Đối với nghị luận xã hội, đề thi nên là những vấn đề quen thuộc gần gũi không nên “đao to, búa lớn”, không nên quá mơ hồ. Đề thi là sự đánh giá tổng hợp kiến thức sự hiểu biết về các vấn đề xã hội của học sinh, cũng như quan điểm chính kiến thật sự của các em trong cuộc sống, không nên buộc học sinh phải ép lòng nói những điều không phải là suy nghĩ thực và liên hệ theo kiểu hô khẩu hiệu: “Em cố gắng chăm ngoan học giỏi để không phụ lòng thầy cô, ba mẹ”. |
Theo Hoàng Thị Thu Hiền
Người Lao Động