Quy hoạch lại trường Sư phạm sẽ tác động đến việc làm của giáo viên

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, khi quy hoạch lại các trường Sư phạm sẽ sẽ tác động lớn đến việc làm của giáo viên...

Trong những năm gần đây, điểm chuẩn vào các trường Sư phạm có xu hướng giảm dần. Đặc biệt là năm nay, một số trường sư phạm lại rất thấp, thậm chí có trường Cao đẳng Sư phạm thông báo tuyển thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn. Điều này khiến nhiều người lo ngại chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đang quyết liệt quy hoạch lại các trường sư phạm trên cả nước. Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội về chủ trương trên của Bộ GD-ĐT.

Việc quy hoạch lại các trường Sư phạm sẽ tác động lớn đến việc làm của giáo viên (ảnh minh họa)
Việc quy hoạch lại các trường Sư phạm sẽ tác động lớn đến việc làm của giáo viên (ảnh minh họa)

Các trường CĐ nên hợp nhất lại hoặc sáp nhập với trường lớn

PV: Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT đang thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại các trường Sư phạm. Theo ông, việc quy hoạch này nên thực hiện như thế nào?

PGS Nghiêm Đình Vỳ: Trong quá trình phát triển các trường ĐH sư phạm, tôi thấy không có sự quy hoạch thống nhất. Bên cạnh các trường chính danh đào tạo sư phạm thì có những trường ĐH đa ngành lại mở ra khoa sư phạm. Mỗi tỉnh đều có 1 trường Cao đẳng (CĐ) sư phạm. Điều đáng nói là nhiều trường không đáp ứng được yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên theo yêu cầu mới...

Ngoài ra, chúng ta còn có một hệ thống các trường CĐ đào tạo giáo viên nhưng có khi họ lại làm việc không đúng chuyên môn. Ví dụ như giáo viên dạy Ngữ văn lại giảng dạy Lịch sử hay giáo viên dạy Thể dục lại tham gia giảng dạy các môn Khoa học xã hội.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến năm 2020, cả nước sẽ thừa khoảng 70.000 giáo viên nên việc quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm càng được đặt ra cấp thiết.

Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên tập trung xây dựng những trường trọng điểm như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Còn lại những trường ĐH, CĐ đào tạo giáo viên nào còn yếu thì nên có sự hợp nhất lại hoặc có thể sáp nhập vào những trường sư phạm trọng điểm hay vào những vị trí trường vệ tinh.

Chúng ta đã có cơ chế hình thành những trường ĐH, CĐ cộng đồng. Vì vậy, các trường sư phạm nên tham gia với tư cách là các thành viên. Ví dụ như CĐ Sư phạm Hà Nam được sáp nhập vào ĐH Sư phạm Hà Nội...

Sẽ tác động rất lớn đến việc làm của giáo viên

PV: Khi quy hoạch lại các trường sư phạm, ngành Giáo dục và các trường sẽ phải đối diện với những thách thức, khó khăn nào, thưa ông?

PGS Nghiêm Đình Vỳ: Khi quy hoạch lại các trường sư phạm sẽ tác động rất lớn tới nhiều thầy cô giáo. Vì họ đang giảng dạy tại một trường nhưng khi nhiều trường sáp nhập lại với nhau thì chắc chắn việc làm cho giáo viên sẽ giảm bớt đi.

Những giáo viên đang giảng dạy ổn định nhưng nếu trường của họ sáp nhập với trường khác thì việc bố trí việc làm cho họ sẽ ra sao hay những giáo sinh vừa tốt nghiệp thì tìm kiếm việc làm ra sao. Nếu vấn đề này không được giải quyết một cách thấu đáo thì sẽ trở thành một vấn đề xã hội.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Nếu lương giáo viên mà cao như ngành Quân đội, công an thì ngành Giáo dục sẽ thu hút được học sinh giỏi theo học trường sư phạm cũng như thu hút giáo viên giỏi giảng dạy.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Nếu lương giáo viên mà cao như ngành Quân đội, công an thì ngành Giáo dục sẽ thu hút được học sinh giỏi theo học trường sư phạm cũng như thu hút giáo viên giỏi giảng dạy.

Để giải quyết vấn đề này thì ngành Giáo dục nên tổ chức đào tạo lại đội ngũ giáo viên (kể cả giáo viên ở các trường ĐH, CĐ sư phạm) để nâng cao trình độ, kỹ năng... Bên cạnh đó là nên đào tạo lại đội ngũ giáo viên đang thiếu các môn như: Nghệ thuật, công nghệ, âm nhạc... Hay có thể chuyển dần số lượng giáo viên không dạy các môn khoa học cơ bản nữa sang giảng dạy, làm các công việc khác.

Chúng ta nên thống kê xem số lượng giáo viên của từng môn học ở các địa phương, trường học. Qua đó, chúng ta mới thống kê số lượng thừa-thiếu như thế nào thì mới có thể bổ sung, cắt giảm, chuyển đổi cho phù hợp.

Mặt khác, các trường có thể sắp xếp số lượng người dạy học để sao cho 1 giáo viên đi đào tạo tập trung 6 tháng hoặc 1 năm. Việc làm này nên dải đều sẽ góp phần nâng cao chất lượng cũng như giải quyết tình trạng thừa giáo viên. Vì vậy, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên: cơ sở đào tạo giáo viên, các trường phổ thông và cơ quan quản lý để khi đào tạo không bị dư thừa giáo viên trong tương lai.

Lương giáo viên phải như ngành Quân đội, công an

PV: Trong một hội nghị tổng kết năm học mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có nhấn mạnh: Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

PGS Nghiêm Đình Vỳ: Một vấn đề mấu chốt nhất là việc quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm phải gắn với đảm bảo đời sống, thu nhập cho giáo viên.

Nếu giáo viên có thể sống được bằng lương thì sẽ không phải nghĩ đến việc làm thêm mà tập trung vào việc giảng dạy chuyên môn cho tốt. Minh chứng là những giáo viên giỏi có giờ học dạy mẫu thì đều tập trung thời gian cho bài giảng nên đa phần là giảng dạy tốt.

Nếu mà lương giáo viên mà cao như ngành Quân đội, công an thì ngành Giáo dục sẽ thu hút được học sinh giỏi theo học trường sư phạm cũng như thu hút giáo viên giỏi giảng dạy. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế chính sách thay đổi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Bích Lan

VOV