Quy định bồi dưỡng nhân tài: Đến Giáo sư cũng "khóc"

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Theo GS Nguyễn Văn Minh, chính sách cho người tài không nên cực đoan, khi chỉ nhìn ở những tấm bằng giỏi, xuất sắc.

Chia sẻ tại Hội thảo tham vấn chuyên đề về việc xây dựng Luật Nhà giáo triển khai Thông tư số 20/2023/TT - BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp tổ chức tại TPHCM mới đây, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã trao đổi về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo.

Cụ thể, liên quan tới đào tạo giảng viên, dự kiến trong Luật Nhà giáo quy định: "Cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học có nhiệm vụ đào tạo giảng viên giảng dạy môn chuyên ngành của cơ sở mình thông qua việc tuyển dụng ứng viên là sinh viên có bằng tốt nghiệp cử nhân loại giỏi trở lên ở chuyên ngành đó; người có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ loại giỏi trở lên ở chuyên ngành đó. Học phí đào tạo, học bồi dưỡng do cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học chi trả".

Quy định bồi dưỡng nhân tài: Đến Giáo sư cũng khóc - 1

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Huyên Nguyễn).

GS Nguyễn Văn Minh chỉ ra bất cập ở quy định này khi có rất nhiều người không có tấm bằng loại giỏi nhưng chuyên môn lại vô cùng xuất sắc.

"Tôi đơn cử như giáo sư toán trẻ nhất Việt Nam, là sinh viên trường tôi, không có bằng cử nhân loại giỏi nhưng chuyên môn rất xuất sắc, khó ai vượt qua được. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên cực đoan về việc này", GS Minh bày tỏ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh thêm, việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, bên cạnh những tấm bằng giỏi, xuất sắc cần xét thêm về sự nổi trội trong chuyên môn khác.

Thực tế lâu nay, những chính sách bồi dưỡng, thu hút nhân tài cũng gặp khó ngay ở những người có tấm bằng giỏi, xuất sắc. Các địa phương, đơn vị có những chính sách về thu hút nhân tài vào làm việc tại cơ quan nhà nước nhưng không tuyển dụng được nhiều do vướng các quy định.

Bên cạnh thực tế người giỏi "ngại" vào cơ quan nhà nước vì mức thu nhập thấp, môi trường làm việc đôi khi chưa phù hợp thì những quy định khó khăn từ tuyển dụng cũng đã "ngáng bước" người tài đến với môi trường công lập.

Đơn cử như tại TPHCM, sau 6 năm (từ năm 2018) đưa ra chính sách tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, hôm 18/1 vừa qua mới chính thức tuyển được 3 người đầu tiên.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho biết năm 2023, TPHCM thông báo tuyển dụng sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ ở 63 vị trí việc làm nhưng qua quá trình tiếp nhận, sàng lọc hồ sơ, có 4/10 thí sinh đăng ký đủ tiêu chuẩn tham gia dự tuyển.

"Tiêu chuẩn của sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ là rất cao", ông Huỳnh Thanh Nhân cho hay.

Quy định bồi dưỡng nhân tài: Đến Giáo sư cũng khóc - 2

Từ năm 2018 đến nay, TPHCM mới tuyển được 3 viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc (Ảnh: Nhung Nhung).

Tại Chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ sinh viên tiêu biểu do Thành ủy TPHCM tổ chức  năm 2023, Quách Thanh Vịnh An, cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc, Trường Đại học Luật TPHCM lại không thuộc diện được hưởng chính sách thu hút nhân tài do những quy định khiến Vịnh An "không kịp trở tay".

Vịnh An được xem là một trong những sinh viên có thành tích học tập tốt nhất tại Trường Đại học Luật TPHCM từ trước đến nay khi tốt nghiệp loại xuất sắc hai ngành Luật và Quản trị kinh doanh, thủ khoa trường năm 2022.

Khi tốt nghiệp, nữ sinh mới nhận ra rằng cho dù mình có cố gắng như thế nào, có học giỏi và tốt nghiệp xuất sắc ra sao vẫn không đủ điều kiện để được tuyển thẳng vào công tác trong cơ quan công lập.

Theo đó, ngoài sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, Nghị định 140/2017 còn quy định sinh viên phải đáp ứng được 1 trong 3 tiêu chí: Đạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh/quốc gia, giải Olympic hoặc giải khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia/quốc tế. Những tiêu chí này thường phải có từ khi học phổ thông.

"Ở khối ngành khoa học xã hội, sinh viên rất khó đáp ứng tiêu chuẩn trên. Nếu muốn phải tham gia từ hồi THPT. Thế nhưng, Nghị định 140 ra đời từ năm 2017, lúc này em đã là sinh viên năm nhất, đã quá muộn cho em để có thể quay lại để đạt được ở điều kiện trên", An bày tỏ.

Cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc cho rằng quy định này không hợp lý với biết bao công sức mà nữ sinh đã nỗ lực suốt những năm đại học.

Theo số liệu thống kê tại Trường Đại học Luật TPHCM cho thấy từ năm 1987-2018, trường có 1 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, đến 2022 con số này nâng lên là 9 sinh viên nhưng chưa từng có ai đáp ứng được các điều kiện về tuyển dụng, thu hút nhân tài.

Trong nhiều hội nghị, hội thảo, chương trình về đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài, nhiều ý kiến cũng đã nêu ra những khó khăn khi thu hút người tài, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những chính sách phù hợp, thuyết phục hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm