Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ 2016: Thí sinh ít có cơ hội chọn chỗ để vào đại học!

(Dân trí) - Thứ trưởng Bùi Văn Ga: “Thí sinh được phép chọn 2 trường trong đợt 1 và 3 trường trong mỗi đợt bổ sung, mỗi trường chọn 2 ngành theo thứ tự ưu tiên. Điều này giúp các em được chọn ngành học theo sở thích hơn là chọn một chỗ để vào học đại học theo ngành mà mình không thật thích thú”.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về những quy định trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ 2016 mà bộ vừa công bố để lấy ý kiến.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Thưa Thứ trưởng, những điểm mới bổ sung, sửa đổi trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ 2016 mà bộ vừa công bố lấy ý kiến có những điểm mới quan trọng nào với thí sinh và các trường?

Qui chế tuyển sinh năm 2016 được hoàn thiện trên nguyên tắc những gì đã làm tốt năm 2015 thì năm nay làm tốt hơn, những gì còn bất cập năm 2015 thì khắc phục triệt để, còn những gì không cần thiết phải thay đổi thì giữ nguyên để đảm bảo ổn định tâm lý thí sinh.

Trên nguyên tắc đó thì năm nay thí sinh tiếp tục đăng ký xét tuyển sau khi đã có kết quả thi. Vì thế thí sinh có thể tham khảo kết quả xét tuyển vào các trường khác nhau năm 2015 để cân nhắc, lựa chọn việc đăng ký xét tuyển phù hợp với kết quả thi của mình.

Thí sinh được phép chọn 2 trường trong đợt 1 và 3 trường trong mỗi đợt bổ sung, mỗi trường chọn 2 ngành theo thứ tự ưu tiên. Điều này giúp các em được chọn ngành học theo sở thích hơn là chọn một chỗ để vào học đại học theo ngành mà mình không thật thích thú.

Đối với những trường tuyển sinh theo nhóm trường, sự lựa chọn ngành học phù hợp với sở trường của thí sinh còn đa dạng hơn.

Dự thảo qui chế cho phép thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng qui định của mình để chọn ngành học yêu thích ở các trường khác nhau trong nhóm. Việc lập nhóm xét tuyển vừa có lợi cho thí sinh, vừa có lợi cho cả nhà trường (loại bỏ được thí sinh ảo).

Tuy nhiên Luật GDĐH qui định các trường tự chủ trong tuyển sinh nên việc có thành lập nhóm trường tuyển sinh chung hay không tùy thuộc vào sự tự nguyện của các trường.

Bộ cung cấp cơ sở dữ liệu chung để các trường truy cập khi xét tuyển. Khi có kết quả xét tuyển các trường cập nhật lên hệ thống để loại trừ danh sách thí sinh đã trúng tuyển để xét tuyển các đợt tiếp theo. Các trường chủ động qui định phương thức xét tuyển giữa các nguyện vọng thí sinh đã đăng ký.

Qui chế năm nay không qui định điểm xét tuyển đợt sau phải cao hơn hay bằng điểm xét tuyển đợt trước để các trường chủ động cân chỉnh điểm nhận đăng ký xét tuyển, tránh tình trạng các trường tốp trên nhận hồ sơ từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, gây phức tạp cho công tác tuyển sinh chung.

Hệ thống sẽ từ chối nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vượt quy định

Thưa Thứ trưởng, quy định cho phép thí sinh nộp qua đường bưu điện, nộp trực tuyến, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó kiểm soát, gây lộn xộn?

Tâm lý chung của phụ huynh và thí sinh là muốn đến trường nộp hồ sơ cho yên tâm! Điều này gây tốn kém và không cần thiết.

Quy chế năm nay quy định thí sinh nộp Phiếu ĐKXT cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng kí trực tuyến. Thí sinh nộp lệ phí ĐKXT cũng qua đường bưu điện hay các phương thức khác do trường quy định, trừ phương thức nộp trực tiếp tại trường.

Thí sinh cũng cần hiểu rõ số nguyện vọng được đăng ký trong mỗi đợt xét tuyển. Nguyên tắc chung dù đăng ký trực tuyến (do thí sinh nhập thông tin ĐKXT vào hệ thống) hay đăng ký qua đường bưu điện (nhà trường nhập thông tin từ phiếu ĐKXT của thí sinh vào hệ thống) thì thí sinh cũng chỉ được số nguyện vọng tối đa quy định đã nhập vào hệ thống trước.

Những nguyện vọng nhập sau đó (quá số nguyện vọng tối đa) thì hệ thống sẽ từ chối. Vì vậy thí sinh cần cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định đăng ký xét tuyển.


Theo Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ 2016, hạn chế thí sinh lựa chọn ngành học, trường học theo cảm tính

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ 2016, hạn chế thí sinh lựa chọn ngành học, trường học theo cảm tính

Thu hẹp dần diện được hưởng ưu tiên cao

Thưa thứ trưởng, khá nhiều ý kiến cho rằng, mức điểm chênh lệch ưu tiên là 1 điểm với thí sinh thuộc các đối tượng liền kề và 0,5 điểm giữa các khu vực liền kề sẽ gây thiệt thòi cho nhiều học sinh? Tại sao bộ không khắc phục?

Lý do khiến một số ý kiến đề nghị giảm mức chênh lệch điểm ưu tiên đối tượng và khu vực xuất phát từ cấu trúc đề thi đáp ứng 2 mục đích. Trước đây đề thi chỉ sử dụng cho mục đích tuyển sinh ĐH, CĐ nên được thiết kế để phân loại thí sinh. Còn nay đề thi có 60% kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, 40% kiến thức nâng cao để tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì vậy so với thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây thì nay để đạt được điểm cao sẽ khó hơn nhưng để đạt điểm trung bình sẽ dễ hơn.

Dựa trên lập luận đó thì những thí sinh có mức ưu tiên cao sẽ có nhiều quyền lợi hơn, không công bằng với những thí sinh không được ưu tiên. Bộ đã yêu cầu Cục Khảo thí thống kê kết quả thí sinh đạt trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2015 diện ưu tiên và diện không ưu tiên.

Kết quả cho thấy tỉ lệ thí sinh vùng khó khăn, thí sinh là dân tộc thiểu số đạt trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào so với thí sinh các vùng khác cũng tương đương với những năm tuyển sinh 3 chung. Nếu giảm mức chênh lệch điểm ưu tiên theo đề nghị của một số ý kiến (giảm 50% mức chênh lệch điểm ưu tiên) thì tỉ lệ thí sinh vùng khó khăn, thí sinh là người dân tộc thiểu số trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ thấp đi đáng kể.

Bộ cũng đã đưa vấn đề này ra thảo luận ở các cuộc họp với các trường ĐH, CĐ và tham khảo ý kiến của Ủy Ban Dân tộc. Phần lớn ý kiến cho rằng nên duy trì mức điểm ưu tiên như năm 2015 nhưng thu hẹp bớt diện ưu tiên cao, cụ thể là các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên 1, đối tượng được hưởng ưu tiên theo hộ khẩu khu vực 1.

Ví dụ dự thảo qui chế tuyển sinh năm nay qui định để được hưởng nhóm ưu tiên 1 thì thí sinh công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số phải có hộ khẩu thường trú 18 tháng trở lên trong thời gian học THPT tại các xã khu vực 1.

So với quy chế năm 2015 thì diện này thu hẹp đi khá nhiều. Hoặc như thí sinh được hưởng ưu tiên theo hộ khẩu thường trú khu vực 1 phải có hộ khẩu thường trú từ 18 tháng trở lên trong thời gian học THPT ở các xã này và học THPT tại trường huyện, thị xã có xã khu vực 1.

So với qui chế 2015 diện được hưởng ưu tiên khu vực 1 vì thế cũng giảm đi đáng kể.

Nói tóm lại, qui chế năm nay thu hẹp dần diện được hưởng ưu tiên cao nhưng những đối tượng thí sinh vùng còn khó khăn, con em dân tộc vẫn cần được duy trì mức chênh lệch điểm ưu tiên như những năm trước để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

Đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và sự công bằng ở bậc Cao đẳng

Trong dự thảo quy chế mới có quy định, “trường CĐ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là: Tốt nghiệp THPT”, liệu có phải hạ thấp đầu vào cao đẳng thưa thứ trưởng?

Luật Giáo dục Nghề nghiệp có hiệu lực tháng 7 năm 2015 đã thống nhất trình độ cao đẳng và cao đẳng nghề. Vì vậy công tác tuyển sinh, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo... của hai loại hình trường cao đẳng phải dần dần tiến đến sự thống nhất chung, bám sát mục tiêu đào tạo của hệ cao đẳng.

Theo Khung trình độ quốc gia mà Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống nhất soạn thảo dựa trên Khung trình độ tham chiếu ASEAN thì đầu ra của hệ cao đẳng hướng đến kỹ năng thực hành nghề nghiệp.

Mặt khác, nếu phân luồng sau trung học cơ sở được thực hiện tốt thì trên nguyên tắc, học sinh tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện học tiếp CĐ, ĐH. Việc tuyển sinh khi đó cũng chỉ diễn ra ở một số trường ĐH có tính cạnh tranh cao, các trường ĐH theo định hướng nghiên cứu.

Mặc dù qui định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao đẳng là tốt nghiệp THPT nhưng các trường phải thực hiện tuyển sinh theo nguyên tắc xét tuyển thí sinh từ kết quả cao xuống kết quả thấp. Vì vậy các trường CĐ, nhất là những trường cao đẳng có sức thu hút thí sinh lớn, phải qui định tiêu chí xét tuyển thí sinh vào trường mình để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và sự công bằng.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Hồng Hạnh (thực hiện)

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm