Quy chế mới về đào tạo đại học: Vừa "mở", vừa "siết" các trường đại học
(Dân trí) - Nhiều trường đại học cho rằng dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học có nhiều điểm mới đáng chú ý, "mở" với tự chủ, "siết" về chất lượng.
Các trường đại học phải xây dựng quy chế riêng của mình
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, nội dung Dự thảo quy chế đào tạo đại học thể hiện là quy chế khung, quy định các vấn đề cốt lõi trong đào tạo (gồm các quy định cứng, quy định mở, về các yêu cầu tối thiểu trong tổ chức đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, liên kết đào tạo, đào tạo liên thông, đào tạo văn bằng 2 cho người có trình độ đại học). Căn cứ Quy chế này, các cơ sở đào tạo phải xây dựng và ban hành quy chế của riêng của trường mình để thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Dự thảo Quy chế thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục đại học về: Thang đánh giá kết quả học tập, xếp loại học tập, xếp loại tốt nghiệp đối với người học trình độ đại học ở tất cả các hình thức và loại hình đào tạo; Quy định chặt chẽ các yêu cầu tối thiểu trong tổ chức thực hiện nhất là đối với việc liên kết đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; Quy định các yêu cầu tối thiểu để đào tạo vừa làm vừa học, liên kết đào tạo, đào tạo văn bằng 2 cho người có trình độ đại học và đào tạo liên thông.
Đồng thời, dự thảo Quy chế lần này đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật; đảm bảo thống nhất các quy định chung tại các Thông tư của Bộ GDĐT ban hành về chuẩn chương trình đào tạo với các Thông tư quy định về đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, quy định về mở ngành đào tạo và các quy định khác có liên quan…
Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học mới vừa chặt chẽ lại vừa "mở". Ông Triệu phân tích, chặt chẽ ở chỗ là gần như tất cả các vấn đề về quản lý đào tạo từ trước đến nay chưa đề cập hoặc chưa thống nhất thì nay đã đề cập tới và được giải quyết một cách cơ bản thống nhất.
Ở chiều "mở", dự thảo Quy chế chỉ đưa ra khung chính, các điều khoản cơ bản, để phù hợp với Luật cũng như xu thế tự chủ chung của các trường từ trước đến nay. Điều này giúp các trường vừa thực hiện đúng quy định, vừa thuận lợi trong phát huy tự chủ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đánh giá, dự thảo Quy chế đã bao hàm tất cả những khía cạnh về quản lý nhà nước, nhưng không can thiệp quá sâu, "cầm tay chỉ việc" cho các trường. "Như vậy, vẫn đảm bảo tính tự chủ của các trường", ông Tùng khẳng định.
Cơ sở đào tạo phải bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung
Ông Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng, quy định về liên kết đào tạo trong dự thảo này chặt chẽ hơn. Theo đó, liên kết đào tạo chỉ thực hiện đối với hình thức vừa làm vừa học theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Giáo dục đại học và theo quy định của dự thảo. Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề không được liên kết đào tạo.
Dự thảo Quy chế đã nêu rõ các yêu cầu tối thiểu đối với cơ sở đào tạo tổ chức liên kết đào tạo và cơ sở phối hợp đào tạo.
Cụ thể, để tổ chức liên kết đào tạo, cơ sở đào tạo phải được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học (còn thời hạn theo quy định) bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp. Đồng thời, chương trình đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo. Các điều kiện bảo đảm chất lượng tại cơ sở phối hợp đào tạo cũng phải được cơ sở đào tạo quy định và đã thẩm định.
Về phía cơ sở phối hợp đào tạo, dự thảo quy định đơn vị này phải được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục (còn thời hạn theo quy định) bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp. Đáp ứng các yêu cầu về về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý theo yêu cầu của chương trình đào tạo.
Đáng chú ý, so với dự thảo lần trước, bản dự thảo lần này đã bỏ quy định cơ sở phối hợp đào tạo phải được ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản. Đây cũng là điểm mới được đại diện các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở phối hợp đào tạo ghi nhận, góp phần giảm gánh nặng về thủ tục hành chính cho công tác liên kết đào tạo. Tuy nhiên, cơ sở phối hợp đào tạo phải lưu ý báo cáo ủy ban nhân dân về công tác liên kết đào tạo, tuyển sinh,… theo đúng quy định.
Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo. Trong đó, nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm quản lý chất lượng đào tạo của cơ sở chủ trì đào tạo. Hai bên cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo; thực hiện các quy chế về tuyển sinh, đào tạo; đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giảng viên, sinh viên trong suốt quá trình thực hiện hoạt động đào tạo.
Nhiều ý kiến nhận định, quy chế tích hợp được nhiều văn bản quản lý về đào tạo vốn trước nay khá rời rạc, nằm ở nhiều văn bản do thời điểm ban hành khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới hoạt động quản lý đào tạo nói riêng và đào tạo nói chung chưa được hiệu quả như mong muốn. Dự thảo Quy chế đào tạo đại học lần này khắc phục được hầu hết các nhược điểm đó.
Cụ thể, dự thảo Quy chế đã giải quyết các vấn đề của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Nghị định 99 của Chính phủ mới ban hành theo tinh thần tự chủ của các nhà trường. Dự thảo tích hợp, lồng ghép thống nhất nhiều văn bản quy định các hình thức và các phương thức đào tạo trình độ đại học.