Quốc hội duyệt kinh phí từ ngân sách để đổi mới chương trình, sách giáo khoa
(Dân trí) - Quốc hội thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông với kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo. Không có tổng số kinh phí cụ thể, Quốc hội đồng ý quyết định các khoản chi được nêu trong dự toán ngân sách hàng năm Chính phủ trình.
Chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông khả thi, thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hoá và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục nhận nhiều ý kiến tán thành. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề nghị xây dựng nhiều chương trình giáo dục phổ thông.
Một số ý kiến khác đề nghị chỉ xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước. Có ý kiến đề nghị cân nhắc tỷ lệ 20% nội dung “mềm dẻo” là quá nhiều, gây khó khăn cho các địa phương, cơ sở khi thực hiện.
UB Thường vụ Quốc hội phân tích, việc thực hiện một chương trình, một bộ SGK dùng chung cho cả nước có nhiều ưu điểm nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế như nội dung SGK chưa phù hợp với đối tượng học sinh các vùng, miền và thực tiễn các địa phương, chưa phát huy tính chủ động sáng tạo của giáo viên và các nhà trường.
Trên thế giới hiện nay cũng có một số nước sử dụng nhiều chương trình giáo dục phổ thông khác nhau nhưng đều là những quốc gia có nhiều bang hoặc vùng lãnh thổ tự trị. Nhưng xu thế chung của phần lớn các nước, nhất là các nước có nền giáo dục phát triển, là có một chương trình quốc gia và nhiều SGK, các trường xây dựng chương trình riêng nhưng vẫn phải tuân thủ chương trình quốc gia.
Tổng kết thực tiễn này, Quốc hội nhất trí đề nghị xây dựng chương trình mềm dẻo, linh hoạt của Chính phủ. Cơ quan giải trình lưu ý, chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh để bảo đảm tính khả thi. Tỷ lệ thời lượng để các địa phương và nhà trường vận dụng cần phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế.
Về việc biên soạn SGK, UB Thường vụ ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị chú trọng việc xây dựng quy định về thẩm định nhằm bảo đảm chất lượng SGK và quy định việc lựa chọn SGK theo hướng tăng cường sự tham gia của giáo viên, học sinh và cộng đồng dân cư.
Nhấn mạnh nguyên tắc tổ chức biên soạn chương trình, SGK phải thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt, UB Thường vụ Quốc hội đưa ra yêu cầu thận trọng từng bước khi xã hội hoá việc biên soạn sách, tránh rủi ro có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng chục triệu học sinh.
Theo đó, nhà nước cần chịu trách nhiệm, hanh chế tối đa những hạn chế, tiêu cực có thể xảy ra. Quốc hội chốt lại phương án Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK, nhằm bảo đảm an toàn nhưng không trực tiếp biên soạn sách.
UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy trình thẩm định chương trình, SGK phải khoa học, công khai, minh bạch, đảm bảo khách quan, công bằng. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, SGK phải bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục được lựa chọn theo quy trình chặt chẽ, được Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua; Hội đồng làm việc độc lập, khách quan trong quá trình thẩm định.
Chính phủ cũng được nhắc nhở, cần nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính trong việc biên soạn và sử dụng SGK bảo đảm công bằng, không phân biệt sách do Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn hay do các tổ chức, cá nhân biên soạn.
Vấn đề kinh phí thực hiện đề án, đa số ý kiến đại biểu cho rằng việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là việc hệ trọng, cần dành nguồn kinh phí thoả đáng.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, khái toán kinh phí Chính phủ trình ra chưa rõ, theo lộ trình nhưng phải chi tiết, cần tăng thêm kinh phí cho các địa phương khó khăn mới đáp ứng được yêu cầu. Một số ý kiến khác lại cho rằng không nên đầu tư ngân sách quá lớn để thực hiện Đề án.
UB Thường vụ Quốc hội giải trình, số tiền Chính phủ đưa ra chỉ là dự toán kinh phí xây dựng chương trình, biên soạn 1 bộ SGK; thẩm định chương trình và SGK; thực hiện những công việc cần thiết và trực tiếp liên quan đến tập huấn giáo viên để thực hiện chương trình và SGK mới. Còn khoản tiền bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đổi đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giao dục… được bố trí ở 2 đề án khác trong chương trình hành động của Chính phủ.
UB Thường vụ Quốc hội khẳng định sẽ tăng cường giám sát kinh phí thực hiện đề án được ghi trong dự toán ngân sách hàng năm của Chính phủ.
Trước đó, từ đầu kỳ họp, Chính phủ trình tổng kinh phí thực hiện đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông là 778,8 tỷ đồng. Trong đó, 462 tỉ đồng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức cá nhân viết SGK; xây dựng, thẩm định SGK (dự kiến có 4 bộ)…
Việc triển khai thực hiện chương trình và SGK mới dự kiến chiếm 316,8 tỷ đồng trong số gần 800 tỷ đồng tổng kinh phí của đề án. Phần kinh phí này để thực hiện các nhiệm vụ như biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên; ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa theo chương trình mới; cung cấp đĩa ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa cho giáo viên vùng khó khăn (khoảng 30% tổng số giáo viên toàn quốc); công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc tập huấn giáo viên.
Lộ trình thực hiện đề án được xác định, từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.