Quanh việc đóng cửa UNSW Singapore

Tham vọng của Singapore trong kế hoạch thu hút 150.000 sinh viên nước ngoài từ nay cho đến năm 2015 có nguy cơ tan thành mây khói sau khi trường đại học nổi tiếng của Úc là New South Wales (UNSW) <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/5/180750.vip">đột ngột đóng cửa</a> cơ sở của mình tại Singapore chỉ sau 3 tháng hoạt động.

Lý do mà UNSW đưa ra là số lượng sinh viên vào học quá ít: Trong tháng 3 vừa qua, UNSW dự kiến có khoảng 300 sinh viên nhưng trên thực tế con số này là 148 và dự kiến trong tháng 8 sắp tới cũng chỉ có khoảng 250 sinh viên.

 

Ngoài ra, UNSW cho biết đã chi hơn 20 triệu đô la Singapore để xây dựng cơ sở vật chất cho khu học xá tại Singapore trong năm ngoái. Trong chiều hướng số lượng sinh viên đăng ký ít ỏi, UNSW cho rằng tiếp tục đầu tư sẽ không hiệu quả.

 

Mô hình hoạt động của UNSW có thể được hiểu như là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Học phí đóng tại hai cơ sở Sydney và Singapore đều như nhau - từ 26.000 đến 29.000 SGD/năm và cam kết chất lượng về tuyển chọn sinh viên, giảng dạy và học tập cũng tương tự.

 

Tuy nhiên, dường như có gì đó rất mâu thuẫn: Nếu sinh viên giỏi muốn học tại Singapore thì họ đã chọn những trường đại học nổi tiếng tại Singapore như Đại học Quốc gia Singapore (NUS) hay Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) chứ tội tình gì phải đăng ký vào học tại UNSW. Nếu họ muốn có bằng đại học của Úc thì tại sao lại phải học tại Singapore?

 

Theo Giáo sư Cham Tao Soon, Chủ tịch sáng lập của NTU, sinh viên giỏi đủ tiêu chuẩn vào học tại các trường đại học công lập đã có uy tín của Singapore có lẽ phải cân nhắc vì học phí tại UNSW đắt gấp 4 lần.

 

Ngoài ra, Giáo sư Cham cũng khá ngạc nhiên khi trước đây UNSW thông báo là trường cũng đào tạo kỹ sư với kinh phí đầu tư rất tốn kém bởi chỉ một phòng lab cũng tiêu tốn từ 1-2 triệu SGD. Theo ông, có lẽ UNSW nên khởi đầu và tập trung vào những ngành ít tốn kém hơn như kinh doanh hay xã hội nhân văn thì sẽ hiệu quả hơn.

 

Giáo sư Hellmut Scuttle của trường đào tạo MBA nổi tiếng INSEAD có hai khu học xá, một tại Singapore và một tại châu Âu thì lại có một nhận định khác. Ông cho rằng UNSW cần kiên nhẫn và cho dự án của mình nhiều thời gian hơn.

 

Ông nhớ lại INSEAD cũng chỉ thu được hai sinh viên đủ tiêu chuẩn trong khóa học đầu tiên tại Singapore nhưng sau đó họ đã kiên nhẫn và có được 54 sinh viên, mặc dù thấp hơn so với mong đợi. INSEAD đã chi 40 triệu SGD trong đợt xây dựng đầu tiên và tiếp theo đó là 20 triệu.

 

Dù sao đi nữa, INSEAD đã chấp nhận rủi ro rất lớn bởi nếu khu học xá tại Singapore thất bại thì sẽ kéo theo thất bại của khu học xá tại châu Âu. Cuối cùng, điều đã làm cho INSEAD tiếp tục có mặt ở Singapore là niềm tin của họ vào thương hiệu của mình và tầm nhìn của Singapore như một trung tâm giáo dục của khu vực và trên toàn cầu.

 

Nhưng dự án đại học của UNSW tại đảo quốc Sư tử bất thành không chỉ là chuyện của phía Úc mà còn là thách thức đối với Nhà nước Singapore. Cơ quan Xúc tiến đầu tư Singapore (EDB) từ chối cho biết con số cụ thể về số tiền đầu tư của phía Singapore trong dự án này.

 

Tuy nhiên, theo các báo cáo từ phía Úc, Nhà nước Singapore cam kết xây dựng khu học xá 80 triệu SGD và đồng ý cung cấp vốn lưu động và hỗ trợ UNSW về nghiên cứu trong vòng 10 năm tới. Những thông tin về thỏa thuận giữa EDB và UNSW nói chung rất hạn chế, số tiền đã cam kết, số đã chi là bao nhiêu, việc xử lý các vấn đề còn lại như thế nào đều không được công khai.

 

Thật ra, UNSW không phải là trường đại học nước ngoài duy nhất bỏ dở kế hoạch hoạt động tại Singapore. Năm 2005, một năm sau khi được EDB chào mời mở khu học xá tại Singapore, Warwick, một trong số 10 trường đại học hàng đầu của Anh đã từ chối vì cảm thấy không an tâm về vấn đề tài chính và cơ chế kiểm soát dự án. Năm ngoái, trường Đại học John Hopkins của Mỹ cũng rút lui khỏi Singapore sau gần tám năm hợp tác với cơ quan nghiên cứu A*Star của Nhà nước Singapore vì nguyên nhân cơm không lành canh không ngọt.

 

Theo Giáo sư Fred Hilmer, Phó hiệu trưởng của UNSW, UNSW đã đề nghị EDB cho phép giảm tầm vóc của dự án khu học xá tại Singapore nhưng không được EDB chấp thuận. Và đây là một trong những nguyên nhân khiến UNSW buộc phải quyết định đóng cửa.

 

UNSW đã giải quyết quyền lợi tài chính cho sinh viên một cách thỏa đáng: tất cả 148 sinh viên đã vào học tại UNSW Singapore được ba tháng nay sẽ được nhận học bổng toàn phần nếu chuyển sang khu học xá tại Sydney. Tiền trợ cấp sinh hoạt là 22.000 SGD đối với sinh viên người Singapore và 12.000 SGD đối với sinh viên quốc tịch khác.

 

Thế nhưng, tiền không phải là tất cả và nhiều sinh viên đã giận dữ vì cảm thấy mình bị xem là một món hàng mà ai muốn vứt đi đâu thì vứt. Một số gia đình mong cho con mình được vào học tại các trường lớn như NUS hay NTU vì môi trường tại Singapore nghiêm khắc và kỷ cương hơn so với Sydney khá tự do và thoải mái.

 

Chưa hết, 30 giảng viên của UNSW tại Singapore nay phải loay hoay thích ứng với tình hình mới, hoặc trở về Úc, hoặc tiếp tục ở lại Singapore với các cơ sở đào tạo khác. Và họ đến đây không chỉ một mình mà còn có cả gia đình và con cái.    

 

Theo Lê Hữu Huy

Thời báo Kinh tế Sài Gòn