Quảng Trị: “Xây dựng Xã hội học tập là bất kỳ người dân nào cũng được học”

(Dân trí) - Ngày 13/5, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản về “Học tập suốt đời - Xây dựng xã hội học tập”.

Tham gia Hội nghị có GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, đại diện HĐND tỉnh, Sở GD-ĐT, Hội Khuyến học tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.

Xây dựng Xã hội học tập (XHHT) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ cấp bách, vừa là yêu cầu chiến lược lâu dài của nền giáo dục, quyết định thành công của sự nghiệp CNH, HĐH ở nước ta.

Hội nghị quán triệt thực hiện các mô hình xây dựng Xã hội học tập.
Hội nghị quán triệt thực hiện các mô hình xây dựng Xã hội học tập.

Những năm qua, tại Quảng Trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng XHHT trong toàn tỉnh và đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục được tăng cường, mở rộng; chất lượng GD-ĐT phát triển ổn định. Các nguồn lực đầu tư cho phát triển GD-ĐT được tăng cường, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Hội Khuyến học phối hợp với ngành Giáo dục, cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” hàng năm bằng các hình thức và hoạt động phong phú, với các chủ đề cụ thể, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia học tập...

Ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh: So với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, phong trào học tập suốt đời, xây dựng XHHT, nhận thức của một số các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể và người dân về vai trò, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng XHHT của tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế. Các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường đã được thiết lập nhưng chưa hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động. Công tác tuyên truyền các nội dung xây dựng XHHT tới các tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương, đơn vị chưa thực sự sâu rộng. Chỉ có khoảng 35% Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả.

Tại hội nghị, đại diện Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã triển khai Quyết định số 448/QĐ-KHVN của Hội Khuyến học Việt Nam về ban hành bộ tiêu chí và hướng dẫn tổ chức đánh giá công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, “Xã hội học tập”, “Cộng đồng học tập”... Đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy; Sở GD&ĐT; Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai Chỉ thị số 03/CT-TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh học tập suốt đời và xây dựng XHHT; Kế hoạch số 642/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Xây dựng XHHT, giai đoạn 2013-2020; Kế hoạch số 880/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện đề án “Đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.

GS-TS Phạm Tất Dong cho rằng: Mục tiêu cơ bản của việc xây dựng XHHT là làm thế nào để bất kỳ người dân nào cũng được học tập, học tập suốt đời. Xây dựng XHHT không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành nào mà là nhiệm vụ trực tiếp cần thực hiện của chính quyền các cấp. Trong đó, hai lực lượng đóng vai trò xung kích là Hội Khuyến học và ngành Giáo dục.

GS-TS Phạm Tất Dong cho biết, yêu cầu cơ bản của việc xây dựng XHHT làm từ cơ sở, phải xây dựng cho được xã học tập, phường học tập, thị trấn học tập...

GS-TS Phạm Tất Dong cho rằng, xây dựng Xã hội học tập là làm sao để bất kỳ người dân nào cũng được học, cần gì học nấy.
GS-TS Phạm Tất Dong cho rằng, xây dựng Xã hội học tập là làm sao để bất kỳ người dân nào cũng được học, cần gì học nấy.

Đánh giá rằng XHHT là vấn đề toàn cầu, GS Dong viện dẫn việc xây dựng Xã hội học tập của một số nước trên thế giới và cho rằng, Việt Nam đang đi chậm so với nhiều nước, ít nhất là 25 năm.

GS Dong nhấn mạnh rằng, việc học tập hiện nay không nên quá chú trọng vào bằng cấp, mà vừa học theo bằng, học theo nhu cầu, cần gì học nấy, học suốt đời, học mọi lúc mọi nơi. Lúc nào có nhu cầu, lúc nào thấy thiếu hụt kiến thức, kỹ năng thì phải học. Ông ví von rằng, học tập suốt đời là để “xóa mù chữ chức năng”. Muốn tiến tới một xã hội công nghiệp trong tương lai thì phải học từ bây giờ, lấy học tập làm mục tiêu cơ bản.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên triển khai đại trà 4 mô hình học tập: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập” theo Quyết định 448 của Hội Khuyến học Việt Nam. Hội Khuyến học tỉnh sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT để thống nhất và hướng dẫn cụ thể kế hoạch nhân rộng các mô hình học tập. Đề nghị lãnh đạo các địa phương, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh, huyện, các sở, ban ngành có kế hoạch triển khai ở các địa phương. Hội khuyến học các cấp cần phối hợp với Phòng Giáo dục chọn xã, chọn điểm để thực hiện.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm