Quảng Ngãi: Xem xét xã hội hóa Trường ĐH Phạm Văn Đồng

(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Ngãi đang thực hiện kế hoạch xây dựng phương án đầu tư xã hội hóa trường Đại học Phạm Văn Đồng. Thông tin này lập tức nhận các ý kiến trái chiều của dư luận, đặc biệt là của cán bộ, giảng viên nhà trường.

Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều văn bản đồng ý chủ trương cho một số doanh nghiệp khảo sát, đầu tư vào trường ĐH Phạm Văn Đồng theo hình thức xã hội hóa.

Gần đây nhất là vào tháng 12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký ban hành văn bản chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác xây dựng phương án xã hội hóa trường ĐH Phạm Văn Đồng. Việc làm này xuất phát từ đề xuất đầu tư phát triển trường ĐH Phạm Văn Đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng.

Động thái này của UBND tỉnh Quảng Ngãi làm cho các cán bộ, giảng viên nhà trường lo lắng.

Quảng Ngãi: Xem xét xã hội hóa Trường ĐH Phạm Văn Đồng - Ảnh 1.

Tỉnh Quảng Ngãi đang xem xét cho doanh nghiệp đầu tư phát triển trường Đại học Phạm Văn Đồng theo hình thức xã hội hóa.

Theo TS Nguyễn Đăng Vũ - Hiệu trưởng trường ĐH Phạm Văn Đồng, trường được thành lập vào tháng 9/2007 trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi và trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi.

Trường hiện có 21 đơn vị trực thuộc với 9 khoa đào tạo và 191 giảng viên. Từ khi thành lập đến nay, trường ĐH Phạm Văn Đồng đã đào tạo gần 20.000 học sinh, sinh viên.

Phần lớn sinh viên của trường đến từ khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Do đó, trường ĐH Phạm Văn Đồng đóng vai trò khá quan trọng trong việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ cho tỉnh Quảng Ngãi.

Cũng theo TS Vũ, chủ trương xã hội hóa là việc làm đúng nhưng phải thực hiện cẩn thận tránh đi chệch hướng và biến thành tư nhân hóa. Vì vậy, TS Vũ bày tỏ quan điểm phương án đầu tư phát triển trường ĐH Phạm Văn Đồng theo hình thức xã hội hóa phải lấy ý kiến của nhà trường chứ không chỉ dựa vào phương án đề xuất của doanh nghiệp.

"Thông tin xã hội hóa khiến tâm lý cán bộ, giảng viên dao động. Đã có 2 Tiến sĩ xin nghỉ việc, nhiều giảng viên cũng có ý định xin chuyển công tác", TS Vũ thông tin.

TS Vũ cho biết thêm, hiện trường còn thiếu hội trường, công xưởng thực hành, nhà thi đấu… nhưng chưa được bố trí vốn xây dựng. Do đó, nếu cho trường xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư xã hội hóa những hạng mục này mới thực sự đúng ý nghĩa.

Trước đó, tháng 9/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng có văn bản thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH SXTM Dược phẩm Sài Gòn nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển trường ĐH Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa. Chủ trương này cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Quốc Triều