Quảng Nam tăng cường biện pháp giảm số học sinh bỏ học

(Dân trí) - Trao đổi với PV <i>Dân trí</i>, ông Trần Văn Nhựt - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, Sở vừa có văn bản gởi Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh báo cáo số học sinh nghỉ học cũng như các biện pháp để duy trì sĩ số trong thời gian đến.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Nam, sau khi kết thúc học lỳ 1, có gần 1.500 học sinh bỏ học. Trong đó, ở cấp THPT, học sinh bỏ học chủ yếu là học sinh lớp 10 thuộc các huyện miền núi (Quảng Nam có đến 50% số huyện là huyện miền núi, trong đó có 6 huyện là huyện miền núi cao).

Về nguyên nhân bỏ học, ông Nguyễn Tất Thắng - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho rằng có cả lý do của gia đình, nhà trường và xã hội.
 
Một trong những lý do khiến số lượng học sinh ở Quảng Nam bỏ học là do mưu sinh.
Một trong những lý do khiến số lượng học sinh ở Quảng Nam bỏ học là do mưu sinh. Trong ảnh: Một nhóm học sinh đãi vàng trên sông A Vương (huyện Tây Giang, Quảng Nam).

Về phía nhà trường: Ở nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi, do địa bàn rộng lớn, phức tạp nên công tác vận động học sinh đến lớp của nhà trường gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý còn nhiều hạn chế, chưa nắm bắt cụ thể hoàn cảnh gia đình và trình độ của từng học sinh. Việc phân loại trình độ học lực học sinh đầu cấp chưa kịp thời nên kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng giúp đỡ học sinh yếu kém chưa sát thực tế. Chương trình chưa sát hợp với các đối tượng thuộc các vùng, miền khác nhau.

Về phía gia đình: Các bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học của con em. Chưa kết hợp chặt chẽ với nhà trường, hoàn toàn ỷ lại, phó mặc cho nhà trường trong công tác giáo dục con em, không ít học sinh thiếu sự quan tâm của gia đình, bị bạn bè rủ rê bỏ học.

Về phía xã hội: Lãnh đạo và tổ chức chính trị - xã hội một số thôn, xã, thiếu quan tâm chăm lo đến việc học tập của con em, chưa chỉ đạo quyết liệt việc vận động học sinh bỏ học ra lớp. Mức trợ cấp học bổng đối với học sinh người dân tộc ở nội trú đối với THPT là không đủ, cần hỗ trợ gạo cho học sinh.

Ngoài ra, về phía bản thân học sinh cũng do nhu cầu, động cơ học tập chưa được xác định rõ ràng. Trình độ nhiều môn học chưa đạt chuẩn do hỏng kiến thức từ cấp học dưới, do được xét tuyển thẳng (100%) vào các lớp đầu cấp hoặc do yêu cầu phổ cập giáo dục.

Bên cạnh đó, học sinh chán học vì khả năng tiếp thu còn hạn chế, kết quả học tập kém hoặc không theo kịp lớp học. Học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải tham gia lao động để phụ giúp gia đình, đặc biệt vào các mùa nương rẫy, thu mua chỗi, đót, đào đãi vàng...

Để từng bước tiếp tục hạn chế số học sinh bỏ học, Sở GD-ĐT Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị giáo dục và các địa phương báo cáo ngay số lượng học sinh bỏ học đã được xác lập theo từng thôn, xã để UBND các huyện có văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các địa phương có giải pháp huy động số học sinh bỏ học ra lớp. Tham mưu với UBND các huyện nhằm huy động các nguồn lực từ các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nhà trường, các đơn vị kết nghĩa giúp học sinh khó khăn về kinh tế tiếp tục ra lớp.

Tiếp tục tăng cường thời lượng dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém, tiếp tục duy trì các lớp tự học ban đêm có hướng dẫn của giáo viên cho các học sinh nội trú. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với Hội cha mẹ học sinh, các đoàn thể trong nhà trường duy trì có hiệu quả các hình thức quản lý giờ học tại gia đình cho các học sinh ngoại trú. Tiến hành đổi mới phương pháp có hiệu quả và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi học sinh người dân tộc. Tăng cường công tác chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm bám sát lớp, tăng cường quản lý học sinh, nắm bắt và báo cáo kịp thời diễn biến về tâm tư tình cảm đối với những học sinh có nguy cơ bỏ học cao.

Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá xếp loại học sinh theo đúng qui chế của Bộ GD-ĐT cụ thể là quản lý chặt chẽ việc đánh giá cho điểm, xếp loại học sinh, có đánh giá so sánh trong từng bộ môn, không để học sinh ngồi nhầm lớp.

Tham mưu với Công đoàn ngành huy động, quyên góp sách vở, áo quần, dụng cụ học tập của các học sinh, các trường đồng bằng có điều kiện theo tinh thần tự nguyện để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Sở GD-ĐT Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập trong học sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội thông qua các cam kết ra lớp của học sinh, duy trì sĩ số của nhà trường, huy động số học sinh bỏ học ra lớp và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo các cấp ở địa phương.

Duy trì các buổi họp giao ban định kỳ để nắm bắt kịp thời và có giải pháp hữu hiệu hạn chế học sinh bỏ học trong cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể với nhà trường.

Định kỳ mở các hội nghị giáo dục ở cơ sở, huy động những người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản bàn biện pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Hỗ trợ gạo cho học sinh người dân tộc thiểu số ở nội trú. Tăng cường sự quan tâm của UBND huyện đối với cán bộ, giáo viên và học sinh của trường.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm