Quảng Bình: “Trốn tìm” với học sinh giữa núi rừng để “bắt” tới trường

(Dân trí) - “Khi thấy cô thầy đến nhà vận động tới lớp là các em lại trốn chạy vào rừng. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải nhờ tới trưởng bản, công an viên, đồn biên phòng… cùng vào rừng để “bắt” học sinh quay lại trường, học cái chữ”, thầy Đinh Văn Chung chia sẻ.

5 giờ sáng dậy “đánh thức” học sinh tới lớp

Nằm cách trung tâm huyện nghèo Minh Hóa khoảng 80km về phía Tây, bản Lòm (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) nằm lọt thỏm giữa bốn bề là rừng núi trùng điệp. Bản Lòm giáp ranh với biên giới Việt Lào có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, bởi thế thời tiết nơi đây quanh năm rất khắc nghiệt.

Nói không ngoa, bản Lòm là bản làng khó khăn nhất và xa nhất của xã miền biên Trọng Hóa, bởi địa hình nơi đây rất hiểm trở, dân cư lại sống rải rác trên các sườn núi nên việc đến trường của các em học sinh gặp không ít khó khăn. Không những vậy, đây là nơi sinh sống chủ yếu của người Mày, trình độ dân trí còn thấp khiến việc vận động con em trong bản đến trường học cái chữ Bác Hồ còn lắm gian nan.

Sáng nào cũng vậy, mới 5 giờ sáng, các cô thầy ở bản Lòm lại dậy đi vận động từng em học sinh tới lớp
Sáng nào cũng vậy, mới 5 giờ sáng, các cô thầy ở bản Lòm lại dậy đi "vận động" từng em học sinh tới lớp

Theo chân các cán bộ, giáo viên điểm trường lẻ bản Lòm (thuộc Trường PTDT Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trọng Hóa 2) đi vận động các em học sinh đến lớp, chúng tôi mới thực sự thấm thía được những vất vả, khó khăn cũng như cảm phục trước tâm huyết của những con người theo nghiệp “trồng người” nơi vùng biên giới.

Mới 5 giờ sáng, cả bản Lòm vẫn còn chìm trong một màn sương mù dày đặc, cái lạnh buổi sáng sớm cứ như cứa vào da thịt, tím tái cả người. Thế nhưng, các cán bộ, giáo viên ở điểm trường bản Lòm đã thức dậy và chia nhau đi đến từng ngõ ngách của bản làng để “đánh thức” học sinh tới lớp cho kịp giờ học.

Điểm trường lẻ bản Lòm nằm cheo leo bên sườn núi
Điểm trường lẻ bản Lòm nằm cheo leo bên sườn núi

Dường như công việc chính của các thầy cô nơi đây không chỉ là dạy học mà còn là những “cán bộ dân vận”. Bởi, dù nắng hay mưa, mỗi sáng họ đều dậy sớm để đi “dỗ dành” và “bắt” học sinh tới lớp. Nhưng không phải lúc nào công tác “dân vận” ấy cũng đem lại kết quả như mong muốn.

Nói về những tháng ngày vất vả cắm bản gieo chữ, thầy giáo Đinh Văn Chung (giáo viên chủ nhiệm lớp 1, điểm trường lẻ bản Lòm) chia sẻ: “ Nhiều em chỉ cần thấy thầy cô đến đầu bản là các em lại tìm cách lẫn tránh. Có nhiều em đồng ý theo cô thầy tới lớp rồi, nhưng đi được nữa đường chỉ cần sơ hở hay khuất bóng thầy cô một tý là các em lại tìm cách bỏ trốn vào rừng. Chuyện “trốn tìm” với học sinh giữa rừng để “bắt” về đi học ở đây diễn ra như cơm bữa”.

Cũng theo thầy Chung, vất vả nhất là đi vận động các em vào đầu năm mỗi năm học, bởi sau mấy tháng hè, nhiều em theo ba mẹ đi làm ăn xa không chịu về đi học, nhiều em thì đã lập gia đình nên rất ngại đến trường. “Muốn vận động các em tiếp tục đến trường điều đầu tiên là phải đi từng nhà vận động phụ huynh trước, phải cho họ thấu hiểu được tầm quan trọng của việc học, “dỗ dành” họ từng li, từng tý một, đến lúc nào họ có “cảm tình” và tin tưởng các thầy cô thì họ mới đồng ý cho con họ tới trường để học cái chữ”, thầy Chung lắc đầu nhớ lại.

Do đặc tính thấy em đến trường thì anh mới đến và ngược lại nên nhà trường đành ngăn lớp lại mới có chỗ để dạy
Do đặc tính thấy em đến trường thì anh mới đến và ngược lại nên nhà trường đành ngăn lớp lại mới có chỗ để dạy

Sáng nào cũng vậy, các thầy cô ở bản Lòm phải dậy sớm để tới nhà vận động học sinh, còn những em nào vắng học thì buổi chiều, ban đêm tiếp tục đến nhà làm công tác “dân vận”. Dường như họ không còn nhớ nổi bao nhiêu lần “dở khóc, dở cười” khi đi vận động như vậy nữa, bởi có nhiều em khi thấy các thầy sợ quá lại trốn vào rừng gọi không chịu về, có em lại trốn trong buồng, nằm bất động như hễ không cho các thầy cô biết. Thế nên, chuyện học sinh tới lớp đầy đủ quả là một điều “hiếm hoi” đối với điểm trường này.

“Vận động" trường kỳ...

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng học sinh “lười” đến lớp nếu không đi “đánh thức”, thầy giáo Đinh Quốc Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trọng Hóa 2 cho biết: “Hiện tại, do không có điều kiện nên học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 tại bản Lòm phải ra bản Dộ học. Tuy nhiên, đường sá đi lại khó khăn nên học sinh bỏ học nhiều buộc các thầy cô phải thường xuyên túc trực ở bản Lòm để vận động và đồng thời mượn tạm nhà dân bản để cho các em ở lại buổi trưa chứ nếu không chiều các em không đi học nữa”.

Bên cạnh việc vận động hằng ngày, thường xuyên thì nhà trường còn tổ chức họp phụ huynh thường niên để khuyên phụ huynh nhắc nhở con em họ đi học đầy đủ. Cùng với đó, chúng tôi “dọa” sẽ cắt chế độ, sẽ báo cáo với xã, công an đến làm việc nếu các em ấy tiếp tục bỏ học…

Bên cạnh việc vận động hằng ngày, thường xuyên thì nhà trường còn tổ chức họp phụ huynh thường niên để khuyên phụ huynh nhắc nhở con em họ đi học đầy đủ
Bên cạnh việc vận động hằng ngày, thường xuyên thì nhà trường còn tổ chức họp phụ huynh thường niên để khuyên phụ huynh nhắc nhở con em họ đi học đầy đủ

“Mỗi lần họp như thế, nhà trường mời cả cán bộ xã, đồn biên phòng, già làng, trưởng bản cùng với phụ huynh, những học sinh hay vắng học để tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học, hỏi lý do sao vắng học nhiề? Khi đi họp các em ấy hứa là sẽ đến lớp đầy đủ nhưng đâu lại vào đấy!”, thầy Hoàng ngán ngẫm.

Ngoài những giáo viên cắm bản đi vận động thì Trường PTDT Bán trú TH&THCS Trọng Hóa 2 còn cử riêng ra một cán bộ chuyên đi vận động mỗi sáng (bản Lòm, Dộ và bản Cha Cáp), em nào không đi học nếu có lý do chính đáng như đau ốm thì sẽ xem xét, còn nếu không cứ ghi tên, số buổi nghỉ lại để nhà trường trực tiếp đến làm việc.

Công tác vận động học sinh ở bản Lòm diễn ra rất trường kỳ nhưng xem ra nhận thức về việc học của các bậc phụ huynh nơi đây còn nhiều hạn chế
Công tác vận động học sinh ở bản Lòm diễn ra rất trường kỳ nhưng xem ra nhận thức về việc học của các bậc phụ huynh nơi đây còn nhiều hạn chế

Câu chuyện vận động học sinh tại đây vẫn còn là một bài toán khó đối với các thầy cô, chính quyền địa phương. Bởi học sinh ở đây dường như chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học, cùng với đó phụ huynh các em cũng không chú tâm việc học hành của con cái họ nên việc “gieo chữ” cho học sinh nơi đây còn gặp rất nhiều gian nan…

Văn Lịnh – Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm