Quán quân Olympic tiếng Anh kể chuyện chinh phục ngoại ngữ

Đạt điểm IELTS 7.5, giành giải quán quân cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ Đoàn do T.Ư Đoàn tổ chức, Đỗ Thu Thủy (SN 1990) không tự mãn với những gì đạt được.

Hiện Đỗ Thu Thủy là cán bộ phòng Thanh toán Quốc tế (Ngân hàng Agribank chi nhánh Tràng An). Đều đặn mỗi tối, kết thúc giờ làm, Thủy theo học các lớp biên dịch tiếng Anh. Với Thủy, việc học ngoại ngữ giống như thói quen vào mạng của giới trẻ, cần sự thường xuyên, liên tục nhằm tích lũy tri thức.

 

Thủy thích học ngoại ngữ từ lớp 5: “Xem phim nước ngoài, mình luôn tự hỏi vì sao cuộc sống của họ lại giàu có, hiện đại hơn nước mình. Mình hỏi bố mẹ nhưng có lẽ khi ấy nghĩ mình trẻ con nên bố mẹ trả lời qua loa, khiến mình không thỏa mãn. Mình quyết định không hỏi nữa mà tự tìm hiểu bằng cách học ngoại ngữ thông dụng nhất là tiếng Anh”.

 

Từ động lực trên, tiếng Anh trở thành niềm say mê. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, Thủy tự học, tự đọc thêm từ các nguồn khác: “Mình được học tiếng Anh từ lớp 2, theo chương trình sách giáo khoa. Lên cấp hai, chương trình không mở rộng hơn cấp 1 nhiều, chủ yếu là “hello, how are you” nên mình chủ động tự học ở các sách khác, nguồn khác”.

 

Bố mẹ Thủy cho biết, khi con gái bắt đầu tiếp xúc với ngoại ngữ thì trong nhà từ tường , bàn ghế đến chạn bát, cửa nhà tắm, ti vi được phủ kín những tờ giấy nhớ tiếng Anh. Trước đó, Thủy là quán quân trong nhiều cuộc thi tiếng Anh khác.

 
Đỗ Thu Thủy: ...Mình lấy thành công của người khác là động lực để phấn đấu.
Đỗ Thu Thủy: "...Mình lấy thành công của người khác là động lực để phấn đấu".
 

Liên tiếp hai năm lớp 6, lớp 7, cô nữ sinh trường THCS Thị Trấn (Vũ Thư, Thái Bình) đoạt giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh cấp huyện. Sau vòng huyện, Thủy tham dự vòng tỉnh và lần lượt đoạt giải nhì (năm lớp 6) và giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh (năm lớp 7).

 

Mai Thu Hương, bạn cùng lớp với Thủy hai năm cấp hai cho biết: “Thủy luôn đứng đầu trong các vòng khảo sát tiếng Anh của huyện. Hồi ấy, thang điểm khảo sát cao nhất là 20 thì điểm của Thủy luôn xấp xỉ con số ấy, vượt xa khoảng cách điểm số so với người đứng thứ hai, thứ ba. Nổi tiếng đến mức, mình học đội tuyển toán, biết mình cùng lớp, rất nhiều bạn trong đội toán hỏi về Thủy. ”.

 

Đi để thấy mình... nhỏ bé

 

Lớp 8, Thủy cùng gia đình chuyển lên Hà Nội. Thủy tự tin với sự thay đổi môi trường học, môi trường sống. Cô bạn tâm sự: “Luôn đứng đầu trong các kì thi học sinh giỏi tiếng Anh khiến mình tự tin khi lên Hà Nội học.

 

Nhưng sau một thời gian, mình nhận ra khả năng ngoại ngữ của mình so với các bạn cùng lớp chưa là gì cả. Mình không còn ở ngôi vị quán quân về tiếng Anh trong các kì khảo sát, kì thi học sinh giỏi”.

 

Không còn là số 1 nhưng Thủy không buồn vì điều ấy. Môi trường học với nhiều người giỏi hơn khiến cô bạn hào hứng, say mê môn học hơn.

 

“Mình không ghen tị hay đố kị với người giỏi hơn mình. Mình lấy thành công của người khác là động lực để phấn đấu”, Thủy nói. Lớp 8, Thủy tiếp tục được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi tiếng Anh của trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa) và đoạt giải ba cấp quận. (Hà Nội không có kì thì cấp thành phố với cấp 2 khi đó).

 

Thủy nhận ra chỉ có thể trưởng thành nếu dám đặt bản thân vào môi trường nhiều thử thách. Thi đại học ngành kinh tế, điểm của Thủy thừa sức để cô bạn bước chân vào những ngôi trường có tiếng như Đại học Ngoại Thương, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân,… nhưng Thủy lại chọn khoa Quản Trị Kinh Doanh của Đại học Hà Nội, ngôi trường có truyền thống về đào tạo ngoại ngữ.

 

“Thời điểm đó, Khoa Quản trị kinh doanh của ĐH Hà Nội là một trong số ít những nơi dạy kinh tế hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều này hấp dẫn mình”. Thủy cho biết năm đầu tiên đại học là năm Thủy “cày” tiếng Anh cật lực để chuẩn bị cho những năm tiếp theo học chuyên ngành bằng tiếng Anh.

 

Tốt nghiệp ra trường, Thủy không đi làm ngay mà quyết định xin học bổng du học thạc sĩ. “Lớp 8, từ Thái Bình lên Hà Nội học khiến mình nhận ra rất nhiều điều về bản thân. Mình tự hỏi nếu từ Việt Nam sang một quốc gia châu Âu học thì những trải nghiệm ấy mang lại cho mình điều gì? Mình nghĩ đến một hành trình mới trong việc học”.

 

Thủy xin thành công học bổng ngành Thạc sĩ Tài chính Kế toán của Đại học Reading (Anh), một trong 20 trường top đầu về đào tạo kinh tế. Đó là lần đầu tiên Thủy xa gia đình.

 

“Hồi ở Việt Nam, là con một nên mình được bố mẹ chiều, không phải làm gì cả. Sang Anh mình phải tự lập tất cả: tự lo cho bản thân, tự đi chợ, nấu nướng… Ở Anh, có những sáng thức dậy, mình thèm được nghe tiếng hát của bố, tiếng lách cách bếp núc của mẹ, được nghe bố mẹ nhắc nhớ ăn sáng, đi đường cẩn thận. Lúc ấy mình hiểu sâu sắc về tình cảm gia đình”.

 

Hai năm theo học tại Anh, Thủy cho biết ngoài kiến thức chuyên môn, cái được lớn nhất của Thủy là biết mình đang ở đâu.

 

“Những nền giáo dục tiên tiến khiến cơ hội nắm bắt, lĩnh hội tri thức thời đại nhanh hơn. Nhờ thế mình hiểu mình và đất nước mình đang ở đâu so với bạn bè thế giới. Mình càng có động lực phấn đấu, rèn luyện bản thân”.

 

Trở về Việt Nam vào tháng 1/2014, một thời gian ngắn sau, Thủy chính thức về công tác tại phòng thanh toán quốc tế của Ngân hàng Agribank, chi nhánh Tràng An. Thủy vẫn tiếp tục học tiếng Anh biên dịch vào buổi tối. Tiếng Anh là công cụ đắc lực của Thủy trong công việc.

 

Ngoài ra, với Thủy tiếng Anh là sở thích, niềm say mê. “Mình có những chuyến đi đến những nền văn hóa khác, biết những biến động, những con người, cuộc đời khác,... Mình thấy mình giàu có hơn về tri thức nhờ ngoại ngữ”.

 

Theo Thúy An

Tấm gương/Tiền phong