Quán hàng rong “tấn công” cổng trường học: Cơ quan quản lý “bó tay”?

(Dân trí) - Bày bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc trước cổng trường tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường đối với học sinh. Trong khi nhà trường đành “bất lực” đứng nhìn nạn bán hàng rong tung hoành thì các cơ quan quản lý trực tiếp lại có lý do cho việc thả nổi này.

Sở dĩ các trường học không thể can thiệp được vào việc giải tán các quán bán hàng rong trước cổng trường là do không thuộc phạm vi quản lý. Chính vì thế, giải pháp mà các trường thực hiện cũng chỉ là nâng cao công tác tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng phòng giáo dục quận Thanh Xuân (Hà Nội), để giải quyết triệt để các quán hàng rong “tấn công” các trường học thì đòi hỏi chính quyền nơi trường cư trú phải quyết liệt chấn chỉnh và xử lý nghiêm. Về góc độ nhà trường thì chỉ biết tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh nâng cao ý thức mà thôi.

“Ở đây tôi đề cập đến cả phụ huynh là do có không ít trường hợp đưa con đến trường vội vàng nên không kịp chuẩn bị đồ ăn sáng nên tranh thủ mua ở các quán hàng rong. Chính vì thế tạo thói quen xấu cho chính con em mình” - bà Thủy chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề quản lý, PV Dân trí đã trao đổi ông Nguyễn Văn Anh - Phó trưởng Công an xã Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) về "vấn nạn" bán rong trước cổng trường tiểu học Mỹ Đình. Ông Anh chia sẻ: “Công tác chấn chỉnh các quán hàng rong ở trước cổng trường được công an xã thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên khi có mặt thì người dân nghiêm túc chấp hành, còn khi vắng mặt thì họ lại bày bán. Về những mặt hàng không rõ nguồn gốc thì một mình phía Công an không thực hiện được mà cần phải kết hợp với phòng Y tế”.
 

Cũng theo ông Anh, có rất nhiều hình thức biến tướng của người bán hàng. Chẳng hạn, buổi sáng thì bày bán bánh mỳ còn khi vắng bóng cơ quan chức năng thì lại mang các mặt hàng khác ra bán. Trong khi đó, lực lượng thì lại quá mỏng nên không thể giám sát liên tục được.

“Các buổi chiều chúng tôi thường cắt cử lực lượng đứng trước cổng trường và thường không cho các cháu học sinh nào mua bán ở các quán hàng rong này” - Ông Anh nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của phóng viên, với việc cắt cử như vậy tại sao chiều ngày 7/11 vẫn có nhiều học sinh mua bán ở các quán hàng rong này? “Vấn đề này chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại” - ông Ánh cho hay.

Trong khi, phía chính quyền xã kêu khó quản lý việc bán hàng rong tấn công trường học thì phòng Y tế xã cũng đã đưa ra những cảnh báo về nguy cơ của việc thả nổi này. Tuy nhiên, giải pháp mà đơn vị này hiến kế cũng chỉ là nâng cao nhận thức và tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh.
 
Giải pháp chỉ mới chỉ dung lại là  tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh.

Giải pháp chỉ mới chỉ dung lại là  tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh.

 
Bà Lưu Thị Ghém - cán bộ phòng Y tế xã Mỹ Đình cho biết: “Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm là kế hoạch hàng năm của Phòng. Đầu năm có họp ban chỉ đạo và xây dựng đoàn liên ngành của xã bao gồm công an, quản lý thị trường, y tế đi kiểm tra. Việc kiểm tra được thực hiện định kỳ hàng tháng. Trong quá trình kiểm tra chúng tôi cũng đã thu, bắt, giữ và tiêu hủy ngay những mặt hàng không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên sau đó các mặt hàng này lại tiếp tục xuất hiện, tất nhiên chúng tôi không thể ngày nào cũng đi được”.

Bà Ghém cũng thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề xử lý các quán hàng rong rất khó khăn bởi không hẳn họ là những người ở địa phương, xử lý ở nơi này thì họ lại tìm đến những điểm trường khác…

Giải pháp mà phòng Y tế đưa ra đối với các trường học cũng chỉ là tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép dưới cờ, làm việc với trường để nghiêm cấm học sinh mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc để phòng chống các bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguyễn Hùng - Trọng Trinh