Giới thiệu sách:

Quá trình hình thành và phát triển Hội Khuyến học Việt Nam

(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2010 - 2015, Hội Khuyến học Việt Nam, Trung ương Hội ấn hành cuốn “Quá trình hình thành và phát triển Hội Khuyến học Việt Nam”.

Cuốn sách do đồng chí Vũ Hữu Loan - một cán bộ lãnh đạo Hội ngay ngày thành lập Hội và đồng chí Phùng Trí Nhuận biên soạn, Nhà xuất bản Dân trí ấn hành. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội viết lời giới thiệu. 

Như cuốn sách đã ghi, những chặng đường khó khăn ban đầu quá trình vận động thành lập Hội, đi đến những thành quả hiện nay là xuất phát từ sự khẳng định về truyền thống hiếu học của dân tộc hàng ngàn năm. Ngày nay lại được tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời soi sáng, những đường lối của Đảng về giáo dục qua các kỳ Đại hội từ Cách mạng tháng Tám đến nay.

Cuốn sách ghi đậm nét và nêu cao những sáng lập viên ban đầu của Hội trong đó đặc biệt nhấn mạnh những ý tưởng của cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc cần thiết phải có một tổ chức quần chúng xã hội bên cạnh ngành giáo dục và đào tạo để hỗ trợ chấn hưng sự nghiệp giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Hội Khuyến học Việt Nam ra đời xuất phát từ những nhân tố đó.

Quá trình hình thành và phát triển Hội Khuyến học Việt Nam - 1
Các đại biểu dự Đại hội khuyến học toàn quốc lần thứ II (tháng 9/2009) chụp ảnh với lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Việt Hưng)

Nội dung cuốn sách còn ghi lại quá trình hoạt động và trưởng thành của Hội Khuyến học Việt Nam với những mốc son sáng chói như: Đại hội I thành lập Hội, Đại hội II, Đại hội III ghi nhận bước trưởng thành của Hội, các Đại hội thi đua khuyến học, Đại hội Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học, Trung tâm học tập cộng đồng, các phong trào khuyến học, khuyến tài ở Trung ương và các địa phương tạo nên bản lĩnh và sức sống của phong trào, đặt cơ sở ban đầu quan trọng cho việc xây dựng  xã hội học tập ở nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chúng ta có thể hình dung được một tổ chức quần chúng rộng rãi có tính tập thể có mặt ở các cơ sở địa phương, làng xã, phố phường, thôn bản thúc đẩy truyền thống hiếu học của nhân dân ta, có những đóng góp thường xuyên vào sự nghiệp giáo dục cả trong và ngoài nhà trường, hình thành nên một trận địa mới nhà nhà đi học, người người đi học, “ai ai cũng được học hành” như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với ý định khiêm tốn, tác giả mong muốn cung cấp những kinh nghiệm của các thế hệ cán bộ Hội từ Trung ương đến địa phương ngay từ ngày đầu thành lập đến nay, với các đồng chí nối tiếp sau này thấy những kinh nghiệm quý báu trong quá trình tổ chức hoạt động Hội, những điểm mang bản sắc Việt Nam, một hiện tượng độc đáo của nước ta ở trong khu vực và trên thế giới, đồng thời thấy rõ hướng đi của phong trào những cơ sở thiết thực để tiến tới xây dựng xã hội học tập ở nước ta trong thời kỳ đổi mới.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc, cùng toàn thể hội viên, cán bộ Hội Khuyến học Việt Nam về cuốn sách, và mong rằng mỗi người ở cương vị công tác và lĩnh vực hoạt động của mình tham khảo những bài học cần thiết đồng thời góp những ý kiến quý báu để cuốn sách trong những lần ra mắt lần sau được đầy đủ và toàn diện hơn.

Báo Khuyến học & Dân trí