Phương thức tuyển sinh 2020 của Học viện Ngoại giao, ĐH Giao thông Vận tải

(Dân trí) - Học viện Ngoại giao và Trường ĐH Giao thông Vận tải đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2020. Theo đó, mỗi trường có một phương thức xét tuyển khác nhau.

Học viện Ngoại giao thông báo về các phương thức tuyển sinh đại học năm 2020 như sau:

Đối tượng tuyển sinh gồm: Tất cả thí sinh tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy và có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Học viện Ngoại giao.

Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành, không vi phạm pháp luật.

Học viện xét tuyển trong cả nước với tổng chỉ tiêu hệ Đại học chính quy: 500. Trong đó, ngành Quan hệ quốc tế: 100; Ngành Kinh tế quốc tế: 100; Ngành Truyền thông quốc tế: 100; Ngành Luật quốc tế: 100; Ngành Ngôn ngữ Anh: 100.

Phương thức tuyển sinh:

- Mỗi phương thức xét tuyển có chỉ tiêu riêng. Trong trường hợp phương thức xét tuyển 1 không đủ chỉ tiêu thì số lượng chỉ tiêu còn lại được chuyển sang phương thức 2.

– Trong trường hợp không trúng tuyển theo phương thức xét tuyển 1, nếu có nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký theo phương thức xét tuyển 2 theo lịch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Đối với từng ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả quy đổi Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT hoặc theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.

Đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Phương thức 1: Xét tuyển kết hợp Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và Kết quả học tập THPT

* Chỉ tiêu xét tuyển: 30% tổng chỉ tiêu cho mỗi ngành.

* Đối tượng xét tuyển: Thí sinh đăng ký xét tuyển phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Có Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển):

- Đối với các ngành có học phần ngoại ngữ là tiếng Anh: IELTS (academic) hoặc Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương đạt từ 6,5 trở lên.

- Đối với các ngành có học phần ngoại ngữ là tiếng Pháp: từ DELF-B1 trở lên.

- Đối với các ngành có học phần ngoại ngữ là tiếng Trung Quốc: từ HSK 4 trở lên (mức điểm từ 280 điểm trở lên).

– Có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8,0 trở lên;

– Đạt hạnh kiểm Tốt trong từng năm lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12.

* Tiêu chí xét tuyển:

Điểm xét tuyển bao gồm: (1) Điểm ngoại ngữ theo Chứng chỉ quốc tế được quy đổi theo Bảng 1; (2) Tổng điểm trung bình chung học tập của 02 môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào Học viện của năm học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải ngoại ngữ: Vật lý hoặc Hóa học hoặc Ngữ văn) và (3) Điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có).

Bảng 1: Bảng quy đổi điểm Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo thang điểm 10

Trình độ ngoại ngữ

Quy đổi điểm theo thang điểm 10

1. Tiếng Anh

IELTS

TOEFL iBT

 

6,5

79 – 93

8,5

7,0

94 – 101

9,0

7,5

102 – 109

9,5

8,0 – 9,0

110 – 120

10,0

2. Tiếng Pháp

DELF-B1

8,5

DELF-B2

9,0

DALF-C1

9,5

DALF-C2

10,0

3. Tiếng Trung Quốc

HSK4 (Mức điểm từ 280 điểm trở lên)

9,0

HSK5

9,5

HSK6

10,0

– Công thức tính điểm xét tuyển: Điểm xét tuyển = A+B+C+D

Trong đó:

A: là điểm quy đổi Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo Bảng 1.

B: là điểm trung bình chung học tập của năm học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 của môn Toán.

C: là điểm trung bình chung học tập của năm học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 của môn khác không phải Ngoại ngữ trong tổ hợp môn xét tuyển của Học viện (Vật lý hoặc Hóa học hoặc Ngữ văn).

D: là điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng (nếu có).

– Ngưỡng điểm đánh giá hồ sơ xác định trúng tuyển của từng ngành đào tạo sẽ tính từ trên xuống dưới đến mức đạt đủ chỉ tiêu và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Học viện Ngoại giao.

* Tiêu chí phụ xét tuyển: Trong trường hợp tại ngưỡng điểm đánh giá hồ sơ xác định trúng tuyển của từng ngành đào tạo có số lượng thí sinh nhiều hơn số chỉ tiêu, Học viện sẽ sử dụng tiêu chí phụ theo thứ tự lần lượt như sau:

– Thí sinh có nguyện vọng cao hơn.

– Điểm Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cao hơn.

– Thí sinh tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương năm học lớp 11 hoặc lớp 12.

– Điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 cao hơn.

* Ghi chú: Đối với các thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển này, nếu có nguyện vọng tham gia Chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ được xét tuyển thẳng vào đúng ngành thí sinh đã trúng tuyển.

Phương thức 2: Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

* Chỉ tiêu xét tuyển: 70% tổng chỉ tiêu cho mỗi ngành.

* Đối tượng xét tuyển: Thí sinh đăng ký tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên phạm vi toàn quốc.

* Ghi chú: Đối với các thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển này, nếu có nguyện vọng tham gia Chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ phải tham gia kiểm tra đầu vào môn tiếng Anh do Học viện tổ chức.

Phương thức 3: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo & của Học viện

Trường ĐH Giao thông Vận tải:

Hội đồng tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông vận tải đã thông báo phương thức tuyển sinh năm 2020 bằng hình thức xét tuyển theo 4 phương thức:

            * Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT năm 2020: Tùy theo từng ngành, chỉ tiêu dự kiến từ 70% - 80% chỉ tiêu của ngành đó. Bao gồm các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D03, D07, B00, trong đó mỗi ngành không quá 4 tổ hợp xét tuyển;

            * Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào điểm bình quân kết quả học tập 5 kỳ học THPT (không tính kết quả học kỳ II lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển phương thức 1. Tùy theo từng ngành, chỉ tiêu dự kiến từ 20% - 30% chỉ tiêu của ngành đó;

            * Phương thức 3: Xét tuyển thẳng học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và các cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia, Quốc tế;

            * Phương thức 4: Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT năm 2020: dự kiến từ 10% - 20% chỉ tiêu của các chương trình tiên tiến và chất lượng cao.

Tuyển sinh học tại  Phân hiệu - TP Hồ Chí Minh (GSA):

            Xét tuyển theo 4 phương thức

            * Phương thức 1:     Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT năm 2020: Tùy theo từng ngành, chỉ tiêu dự kiến từ 50% - 70% chỉ tiêu của ngành đó. Bao gồm các tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D07, C01, trong đó mỗi ngành không quá 4 tổ hợp xét tuyển;

            * Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào điểm bình quân kết quả học tập 5 kỳ học THPT (không tính kết quả học kỳ II lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển phương thức 1. Tùy theo từng ngành, chỉ tiêu dự kiến từ 20% - 50% chỉ tiêu của ngành đó;

            * Phương thức 3: Xét tuyển thẳng học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và các cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia, Quốc tế;

            * Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (chỉ áp dụng với một số ngành): dự kiến từ 15% - 35% chỉ tiêu của ngành đó.

Hồng Hạnh