Phương pháp không thể thiếu trong giảng dạy triết học
PGS.TS Đặng Hữu Toàn (Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Triết học là môn khoa học đặc thù, mang tầm khái quát và tính trừu tượng cao. Do đặc thù này của triết học, việc giảng dạy môn học này trước đây thường và chủ yếu là sử dụng phương pháp thuyết trình.
Hiện nay, khi người giảng đã có sự kết hợp phương pháp này với một số phương pháp khác, song thuyết trình vẫn chiếm vị trí chủ đạo.
Thuyết trình là phương pháp giảng dạy truyền thống theo lối thày diễn giải, người học nghe và ghi chép.
Với phương pháp thuyết trình, người thày đóng vai trò như một cuốn sách, một tập giáo trình truyền đạt lại nội dung cần giảng dạy một cách trực tiếp và người học luôn trong tâm thế tiếp thu một cách thụ động.
Ngày nay, với việc sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới, hiện đại, phương pháp thuyết trình đã cho thấy những hạn chế nhất định của nó.
Có thể nói, hạn chế lớn nhất của phương pháp này là cản trở khả năng chủ động, tính sáng tạo của người học.
Ngoài hạn chế làm hao phí nhiều thời gian và sức lực của người thầy, gây ra sự mệt mỏi, nhàm chán cho người học và làm cho không khí học tập trở nên nặng nề và do vậy, hiệu quả giảng dạy cần đạt tới chưa thật sự cao.
Song, theo PGS.TS Đặng Hữu Toàn, không phải do những hạn chế đó mà giờ đây, phương pháp thuyết trình đã trở nên lạc hậu. Với những ưu thế vốn có, nó vẫn là phương pháp mang tính vượt trội so với các phương pháp khác, kể cả những phương pháp hiện đại, nhất là với việc giảng dạy triết học.
“Triết học là môn học mang tính trừu tượng hóa, khái quát hóa rất cao và do vậy, việc giảng dạy và học tập môn học này luôn đòi hỏi cả người dạy và người học đều phải có năng lực tư duy trừu tượng ở mức độ cao.
Công nghệ hiện đại chỉ là phương tiện
Thế nhưng, cũng theo PGS.TS Đặng Hữu Toàn, với phương pháp thuyết trình, việc giảng dạy và học tập triết học theo cách nói - nghe mà người giảng không hay, nội dung giảng nghèo nàn, thiếu sức hấp dẫn; còn người học thì không nghe được hay không muốn nghe, nghe mà không lĩnh hội được nội dung cần lĩnh hội một cách đầy đủ, có hệ thống từ những điều giảng giải của người giảng thì không thể nói đến sự ham mê, hứng thú và chất lượng của cả việc giảng lẫn việc học.
Thêm vào đó, phương pháp thuyết trình trong giảng dạy nói chung, trong giảng dạy triết học nói riêng luôn sử dụng phương tiện cơ bản là lời nói.
Do vậy, việc sử dụng ngôn từ phải chặt chẽ, có lôgíc, có sức thuyết phục, truyền cảm; âm điệu, ngữ điệu và phong cách của người giảng phải được kết hợp hài hòa, thuần thục, đúng lúc, đúng chỗ để tránh gây ức chế cho người học, tránh áp đặt.
Để khuyến khích tính tích cực, chủ dộng và sáng tạo ở người học, nhất lại là những học viên cao học, nghiên cứu sinh triết học, PGS.TS Đặng Hữu Toàn cũng lưu ý, không nên coi phương pháp thuyết trình là phương pháp độc tôn, duy nhất, mà cần có sự phối hợp, kết hợp, lồng ghép một cách hợp lý, hài hòa, sinh động và có hiệu quả với những phương pháp khác, nhất là các phương pháp dạy học mới, mang tính tích cực, như nêu vấn đề, thảo luận nhóm, hỏi - đáp, sàng lọc, phát vấn, đối thoại, xêmina,...
Liên quan đến vấn đề phương pháp giảng dạy, TS Nguyễn Văn Bảng (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG HCM) nêu quan điểm: Đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó có sử dụng các công cụ, phương tiện hiện đại, công nghệ cao để giảng dạy, học tập là rất cần thiết. Song nên nhận thức đúng mức: Chúng chỉ là phương tiện.
Do vậy, không nên lạm dụng và sùng bái nó, đến mức độ coi nhẹ vai trò của người thầy. Mà nên kết hợp nhuần nhuyễn cả các phương pháp truyền thống với các công cụ, phương tiện hiện đại.
Bên cạnh đó, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Điều đó đòi hỏi, đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu phải thường xuyên được đi nghiên cứu, khảo nghiệm thực tế đang diễn ra hiện nay không chỉ trong nước và cả trên thế giới.
Bản thân những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu cũng phải thường xuyên học tập, nhất là ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học, để làm giàu cho chất xám của mình. Trước hết là những thông tin gần với các môn học mình được giao đảm trách. Khắc phục tình trạng “chay” trong giảng dạy.
Bởi bản chất môn học lý luận đã rất trừu tượng, nếu không được các minh họa chọn lọc trong thực tế, nó lại càng thúc đẩy làm lũy thừa sự trừu tượng; chỉ làm vật cản cho người ta có ấn tượng xấu với môn học mà thôi.