Phương pháp giảng dạy đại học phải thay đổi theo mong muốn của người học
(Dân trí) - "Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống. Phương pháp giảng dạy phải ngày càng thay đổi theo mục tiêu đào tạo, theo mong muốn của người học và của thị trường".
PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ điều này ở hội thảo “Tìm các phương pháp sư phạm hỗ trợ học tập chuyên môn trong bối cảnh quốc tế” do trường ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH Birmingham City (Anh) phối hợp tổ chức vào ngày 8/11.
“Tôi nhận thấy hiện nay trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là thời đại của sự sáng tạo và cá nhân hóa thì rõ ràng phương pháp giảng dạy cũng phải làm sao cho phù hợp từ khâu xây dựng chương trình cho đến phương pháp dạy để sao cho mỗi cá nhân tùy theo năng lực của mình mà họ xây dựng kế hoạch học tập, xây dựng cho mình một chương trình học theo ý của họ. Theo đó, phương pháp giảng dạy không chỉ tích cực mà làm sao khơi động được để sinh viên hiểu được chính bản thân của mình từ đó tự học theo đúng khả năng và mục tiêu của mình”, PGS.TS. Trần Thị Hồng nhận định.
Theo bà Hồng, vai trò của người giảng viên sẽ ngày càng quan trọng, không chỉ dừng lại như trước đây là truyền thụ lại kiến thức mà giờ đây giảng viên phải nắm vững kiến thức để hướng dẫn người học theo xu thế mới. Bên cạnh đó, người giảng viên còn là một “hình mẫu” để người học noi theo như vậy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn truyền tất cả kỹ năng về cuộc sống, về làm việc và kỹ năng tạo mối quan hệ để sinh viên của mình thành công trong xu thế mới.
PGS. TS. Trần Thị Hồng cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm để nâng cao phương pháp và chất lượng giảng dạy của giảng viên. Hội thảo này cũng quy tụ được các diễn giả đến từ các trường ĐH như ĐH Birmingham City (Anh quốc), ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) và trường ĐH Sư phạm TP.HCM… đến chia sẻ phương pháp giảng dạy ở mỗi trường để sinh viên có khả năng sinh việc nhiều nhất, có ý nghĩa thực tiễn và bản thân sinh viên thấy được trường ĐH cũng giống như trong doanh nghiệp.
Trong số tham luận, diễn giả Nguyễn Văn Hiển, trường ĐH Sư phạm TP.HCM và các đồng sự đã chỉ ra các trở ngại mà giáo sinh Việt Nam đối mặt trong kì thực tập đào tạo đầu tiên trong chương trình giáo dục giáo sinh. Bài nghiên cứu đã được thực hiện với các giáo sinh năm thứ 3 của đại học hàng đầu trong giáo dục tại Việt Nam trong năm học 2016-2017. Trong đó, lỗ hỏng lớn giữa chương trình đào tạo tại đại học và thực hành tại trường học; thiết kế không phù hợp của quá trình thực tập, và sự thiếu sót kinh nghiệm thực tế của giáo sinh là nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đối với quá trình thực tập.
Các đại biểu nhận định, hội thảo này là dịp các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục trình bày các vấn đề về phương pháp sư phạm, hỗ trợ người học trong các bối cảnh quốc tế hóa từ đó đề xuất phương hướng triển khai tại Việt Nam. Sau hội thảo, các chuyên gia cũng xây dựng một diễn đàn nhằm giúp các nhà làm giáo dục có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như áp dụng những phương pháp giảng dạy mới.
Lê Phương