Phụ huynh Hàn Quốc tập trung cầu nguyện, "nín thở" trước kỳ thi Đại học "sinh tử"
(Dân trí) - Chỉ còn hơn 1 ngày nữa, kỳ thi đại học ở Hàn Quốc sẽ diễn ra (thứ Năm, ngày 15/11). Trong những ngày này, hàng nghìn phụ huynh thành tâm trước tượng phật Gatbawi ở núi Palgoongsan cầu nguyện cho con vượt qua kỳ thi khốc liệt vốn được ví như "đấu trường sinh tử". Rất nhiều bà mẹ đã quỳ lạy từ 1000 đến 3000 lần, liên tục hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc được gọi là Suneung hoặc tiếng Anh là CSAT, từ lâu đã được biết đến là một trong những kỳ thi áp lực nhất thế giới. Theo Telegraph, đây là kỳ thi cấp quốc gia, giống như thi SAT ở Mỹ. Học sinh Hàn Quốc sẽ hoàn thành 7 môn gồm Quốc ngữ, tiếng Anh, Hóa học, tiếng Trung cơ bản, Toán học, Khoa học xã hội và thi nghề.
Người Hàn Quốc vô cùng coi trọng kỳ thi này, bởi họ quan niệm rằng Đại học sẽ mở ra con đường tương lai xán lạn cho con em mình. Kỳ thi Đại học Hàn Quốc giống như một dấu mốc quan trọng bậc nhất trong cuộc đời mỗi người, mọi hy vọng của gia đình, của xã hội và bản thân thí sinh đều đặt trọn vào kỳ thi này.
Điểm số trong kỳ thi Suneung ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của các em sau này, bao gồm cả triển vọng nghề nghiệp và hôn nhân. Ngay từ khi còn nhỏ, phụ huynh cùng các em học sinh đã nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi quyết định thành bại của cuộc đời.
Vào mùa thi Suneung, các đền chùa, nhà thờ thường xuyên tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho các bậc phụ huynh, nhất là trước ngày thi 100 ngày, những nơi này luôn chật cứng người. Rất nhiều bà mẹ đã quỳ lạy từ 1.000 đến 3.000 lần để cầu may cho con.
Núi Palgongsan, nơi được gọi là vùng đất thiêng của Phật giáo vì có chùa và vách đá Phật trong núi là điểm đến của rất nhiều phụ huynh có con thi đại học. Người dân nơi đây tương truyền rằng nếu cầu nguyện một cách thành tâm trước tượng Phật Gatbawi, mọi mong ước sẽ trở thành sự thật. Chính vì vậy, những ngày này có gần 10.000 phụ huynh đến đây cầu nguyện mỗi ngày. Thậm chí, nhiều phụ huynh quỳ hàng tiếng đồng hồ trước tượng Phật và thắp nến xung quanh để bày tỏ sự thành tâm.
Năm học mới của học sinh Hàn Quốc bắt đầu vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 12. Học sinh nước này có 2 kì nghỉ là nghỉ hè vào tháng 7, 8 và nghỉ đông vào tháng 1, 2. Thời gian thi Đại học hàng năm ở Hàn Quốc là vào tháng 11 (thường vào khoảng thứ 5 trong tuần thứ 2 của tháng 11).
Việc chuẩn bị cho kỳ thi Đại học được phụ huynh và học sinh Hàn Quốc chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng từ trước đó. Các bậc phụ huynh không tiếc tiền khi đầu tư cho con em mình đi học thêm tại các trung tâm danh tiếng. Thông thường, các trường học Hàn Quốc kết thúc giờ học vào lúc 4h chiều, nhưng việc học sinh ở lại trường tự học hoặc học phụ đạo đến 10-11h đêm là chuyện quá đỗi quen thuộc.
Người Hàn Quốc quan niệm "Tứ đang ngũ lạc", có nghĩa là nếu ai chỉ ngủ 4 tiếng/ngày thì sẽ đỗ đạt và ghi tên bảng vàng, còn nếu như ngủ tới 5 tiếng/ngày thì sẽ chẳng mang lại kết quả gì hết. Chính vì vậy, học sinh Hàn Quốc luôn cố gắng học ngày đêm để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời mình.
Cả nước chuẩn bị cho “buổi sáng định mệnh”
Đối với đa số học sinh Hàn Quốc, thi đỗ Đại học là một "tấm vé thông hành" giúp họ vào đời dễ dàng hơn và có cơ hội làm việc tại những công ty lớn, hoặc làm công chức nhà nước. Chính vì những kỳ vọng quá lớn của gia đình và toàn xã hội, nên kỳ thi Đại học Hàn Quốc cực kỳ được coi trọng và vô hình chung đã đặt lên vai các em học sinh những áp lực hết sức nặng nề.
Theo Koreaherald đưa tin ngày 12/11, công ty tàu điện Seoul sẽ tăng số lượng xe điện ngầm và xe buýt vào thứ 5 này (15/11) – ngày thi đại học, cũng như huy động thêm taxi trên đường và gửi 790 phương tiện giao thông khẩn cấp để tạo điều kiện giao thông thuận lợi vào buổi sáng của kỳ thi Suneung.
Vào buổi sáng “định mệnh”, thủ đô Seoul sẽ kéo dài thời gian tập trung xe điện ngầm cao nhất một giờ ở hai bên đường từ 6-10h sáng. Xe buýt sẽ chạy trong khoảng thời gian ngắn hơn từ 6-8h10 sáng và buổi trưa.
Khi ngày thi tới, cả đất nước Hàn Quốc cùng hướng về các thí sinh: Các trường trung học phổ thông đều đóng cửa; các công sở sẽ cho nhân viên nghỉ việc hoặc đi làm muộn và về sớm hơn để tránh tình trạng tắc đường gây ảnh hưởng tới thí sinh; các loại xe bị cấm đi lại trong khu vực cách địa điểm thi 200m nhằm giảm tiếng ồn trong khi các thí sinh làm bài; hàng trăm mô-tô cảnh sát được huy động để đưa giúp thí sinh bị muộn đến phòng thi; trong phần thi nghe tiếng Anh buổi sáng và một phần thi vào buổi chiều, máy bay sẽ tạm dừng hoạt động hoặc cất hạ cánh trong yên lặng; các chương trình truyền hình đưa tin xoay quanh vấn đề thi cử như cách nấu bữa ăn dinh dưỡng cho thí sinh, lời chúc thi tốt từ quan chức cũng như các nhân vật nổi tiếng trong xã hội.
Chỉ tính riêng ở thủ đô Seoul, có khoảng 130.000 học sinh dự kiến sẽ tham dự Suneung tại 208 địa điểm thi trên khắp 11 quận của thành phố.
Kết quả thi tốt là tấm vé thông hành" đảm bảo cho thí sinh vào một đại học danh giá. Ở Hàn Quốc, hệ thống cấp bậc, địa vị xã hội rất quan trọng và tấm bằng của một trong 3 trường đại học danh tiếng là Đại học Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei… sẽ gần như đảm bảo cho một người có được việc làm tốt.
Những thí sinh đạt điểm không quá xuất sắc vẫn có thể vào một trong các đại học SKY (bộ 3 trường danh tiếng hàng đầu ở Hàn Quốc gồm Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei), nhưng chỉ có thể học ngành nghệ thuật và không thể chuyển ngành sau khi vào trường.
Các trường SKY chỉ chấp nhận những người đạt điểm xuất sắc. Những điểm số hoàn hảo này là kết quả của kỳ thi diễn ra trong 9 giờ.
Nếu quyết định vào các trường đại học bậc hai, ít uy tín, bạn có thể học kỹ thuật, nhưng sẽ khó cạnh tranh với các ứng viên khác khi ra trường và xin việc.
Mặc dù chính phủ Hàn Quốc nỗ lực để giảm bớt sự cạnh tranh bằng cách giới thiệu một hệ thống tuyển sinh đại học đa dạng hơn, kỳ thi đại học Suneung vẫn là yếu tố sống còn cho giáo dục công lập ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, mặt trái của nền giáo dục Hàn Quốc đã dẫn đến hệ quả nước này có tỷ lệ tự tử cao nhất và tỷ lệ sinh thấp nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tự tử cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở học sinh. Lý do chính dẫn đến tự tử là áp lực nặng nề từ các bài kiểm tra và điểm số, lượng bài tập quá nhiều, thiếu thời gian nghỉ ngơi. Căng thẳng quá mức cũng dẫn đến nạn bắt nạt và bạo lực học đường ngày càng phổ biến. Với tất cả cảm xúc tiêu cực dồn nén, ngày thông báo kết quả thi đại học giống như thời điểm kích hoạt nút cò, khiến nhiều em nảy sinh ý nghĩ tự tử.
Gần đây, một nữ sinh trung học đã tự kết liễu cuộc đời và để lại tờ giấy nhắn: "Tôi ghét trường học".
Lệ Thu
(Tổng hợp)