1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Phụ huynh "chia phe" việc học của trẻ, giáo viên quay cuồng

Kiều Phương

(Dân trí) - F0 tại trường học tăng nhanh, nhiều phụ huynh mong muốn con học trực tuyến. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ lại phản đối, cho rằng việc học của trẻ không thể trì hoãn thêm.

Phụ huynh chia phe việc học của trẻ, giáo viên quay cuồng - 1

Phụ huynh mỗi người một ý về việc cho con đi học khiến giáo viên "quay cuồng" (Ảnh: DT).

Phụ huynh "chín người mười ý"

Chiều tối ngày 27/2, trước thông tin Hà Nội ghi nhận hơn 11.500 ca mắc mới, trường học của con trai phụ huynh Trần Mạnh Tiến (Cầu Giấy) thêm một lần tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh về việc cho trẻ học trực tiếp hay online.

Cách đây khoảng gần 2 tuần, nhà trường cũng khảo sát ý kiến phụ huynh về việc tổ chức học tập trong bối cảnh dịch bệnh. Lớp mà con trai anh Tiến theo học có 47 phụ huynh, khi đó, có tới 45 người tích vào phương án "Tôi ủng hộ cho con học trực tiếp", chỉ có 2 bậc cha mẹ lựa chọn cho con học online.

Nhưng đến tối qua, kết quả của cuộc khảo sát gần như đảo chiều. Lớp học "chia phe", 35 phụ huynh mong muốn cho trẻ học trực tuyến, số còn lại đồng ý việc vẫn duy trì hình thức offline tại trường.

Anh Trần Mạnh Tiến là một trong 35 phụ huynh lựa chọn phương án "Tôi muốn cho con học online". Lý giải cho sự lựa chọn của mình, anh Tiến chia sẻ: "Lớp có 45 học sinh, hiện tại chỉ có 25 em tới lớp bởi số học sinh còn lại đều thuộc diện nghỉ học do trở thành F1, F0. Mặc dù con tôi bây giờ vẫn may mắn mạnh khỏe, nhưng trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện tại, tôi luôn lo sợ điều không may xảy ra.

Do đó, tôi mong muốn con mình ở nhà học trực tuyến cho an tâm. Học là việc cả đời, còn sức khỏe của con em thì chỉ có một. Tôi cho rằng không việc gì phải đẩy con đi học một cách mạo hiểm như vậy".

Con gái đang học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Hải Phòng, chị Vũ Thị Hồng vẫn quyết định cho con tạm dừng việc đến trường, ở nhà học online mặc dù sức khỏe của con vẫn ổn định, không thuộc trường hợp F1 hay F0.

Mới đây, lớp 4C của con gái chị Hồng tổ chức cuộc khảo sát phụ huynh cho trẻ học trực tiếp hay trực tuyến. "Sau 3 tiếng vừa bình chọn, vừa trao đổi ý kiến giữa các bậc cha mẹ, thì tỷ số vô cùng "cam go" khi 19/35 phụ huynh muốn cho con học trực tuyến, số còn lại nêu cao lập trường "ủng hộ trẻ đến trường".

Chị Hồng cho hay, trước thực trạng này, nhà trường đã quyết định tổ chức việc học của trẻ dựa trên mong muốn của phụ huynh. Đối với những cha mẹ muốn đưa trẻ tới trường, nhà trường vẫn tổ chức dạy trực tiếp, dù trong lớp chỉ có 1 học sinh. Với trường hợp phụ huynh mong trẻ được học trực tuyến, nhà trường và thầy cô vẫn tôn trọng và ủng hộ; tuy nhiên, phụ huynh phải cam kết sẽ hỗ trợ con học online an toàn, hiệu quả trong suốt khoảng thời gian học tại nhà.

Tuy nhiên, phụ huynh Nguyễn Bích Ngọc (Hải Phòng) lại có suy nghĩ khác. Dù chỉ là một trong số ít phụ huynh ủng hộ việc cho trẻ tiếp tục học tại trường, song chị Ngọc vẫn quyết tâm giữ vững quan điểm của mình, bởi với chị, việc học của trẻ không thể bị trì hoãn thêm một ngày nào nữa.

"Suốt một thời gian dài ở nhà học trực tuyến, kết quả học tập của con giảm sút đáng kể, đồng thời trở nên nghiện game, nghiện máy tính. Bây giờ mà học trực tuyến, khác nào "thả hổ về rừng", tạo điều kiện cho cháu nghiện chơi, chán học?

Do đó, tôi tha thiết mong nhà trường vẫn tổ chức cho học sinh học trực tiếp. Đến trường, sống trong môi trường giáo dục, các con mới ý thức được việc học của bản thân" - chị Ngọc bày tỏ.

Giảng dạy tại một trường THCS ở Hà Nội, nhà giáo Nguyễn H.P. chia sẻ, tình trạng phụ huynh chia lập trường "nửa online - nửa offline" khiến nhiều giáo viên, nhà trường bối rối.

"Thực tế, việc phụ huynh trong một tập thể có ý kiến trái chiều, người đồng ý học online, người nhất định yêu cầu trẻ đến trường không phải là chuyện hiếm.

Nhiều ngày về trước, tại một số lớp xuất hiện vài F0, đồng thời cũng kéo theo nhiều trường hợp học sinh là F1. Ngay lập tức, nhiều phụ huynh tỏ ra không hài lòng, đòi hỏi trách nhiệm và yêu cầu ngay lập tức cho trẻ dừng học trực tiếp. Nhưng ngược lại, một vài phụ huynh lại khá bình tâm, cho rằng "F0 bây giờ bình thường lắm" và vẫn đưa con tới trường".

Phụ huynh chia phe việc học của trẻ, giáo viên quay cuồng - 2

Giáo viên giờ phải đảm nhiệm nhiều vai (Ảnh: DT)

Giáo viên "căng mình" vì "vừa off, vừa on"

Nhà giáo Nguyễn H.P. bày tỏ, nếu như bật công tắc đèn chỉ được chọn "on hay off" thì hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cộng với luồng ý kiến trái chiều "người muốn học on - người lại thích off" đến từ phía phụ huynh, nhiều giáo viên - học sinh phải quay cuồng vì sử dụng đồng thời 2 nút "ON/OFF" cùng một lúc.

"Phụ huynh "chín người thì mười ý", nhưng ai cũng có cho mình quan điểm và suy nghĩ vô cùng thuyết phục. Vì thế, chúng tôi đã chọn cách dung hòa, trong quá trình học trực tiếp thì đồng thời gắn máy quay, phát live để những học sinh đang ở nhà có thể theo dõi.

Hiện tại, một ngày của tôi khá vất vả. Có hôm 2 tiết đầu tôi dạy trực tiếp, 3 tiết sau lại tất tả chạy sang lớp khác, vừa dạy trực tiếp, vừa ghi hình cho những bạn ở nhà…"

Theo nhà giáo P., việc phải đảm nhiệm "nhiều vai" như thế khiến giáo viên gặp một chút quá tải vì phải liên tục vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học khác nhau. Để những học sinh đang học online có thể nghe - nhìn rõ hơn, cô P. và đồng nghiệp của mình phải viết chữ thật lớn, nói thật to, lâu lâu cố ý nhắc nhở, hỏi han bởi sợ các em lơ là việc học.

"Nhiều hôm đi dạy về, giọng khản đặc do trên lớp phải nói nhiều, nói to. Nhưng thời điểm này, đây là hình thức phù hợp nhất, và giáo viên chúng tôi không biết làm gì ngoài cố gắng" - giáo viên Nguyễn H.P. tâm sự.

Trong khi đó, nhà giáo Thanh Trà (giáo viên trường tiểu học) cho biết, trong bối cảnh F0, F1 tại trường tăng "chóng mặt", kết hợp với việc nhiều phụ huynh mong muốn cho con ở nhà học trực tuyến để phần nào an tâm, cô Trà và đồng nghiệp của mình đã tập trung những học sinh F0, F1 và những em có nhu cầu học online tại tất cả lớp trong cùng một khối để tổ chức dạy riêng vào một số buổi cố định trong tuần.

"Phương pháp này sẽ giúp giáo viên giảm bớt áp lực khi không còn tình trạng "phân thân" nửa online, nửa trực tiếp. Điều này cũng giúp các em học trực tuyến có cơ hội được trao đổi nhiều hơn với thầy cô, nâng cao chất lượng học tập dù phải học qua màn hình.

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa, giáo viên sẽ vất vả hơn khi phải dạy bổ sung cho những học sinh học trực tuyến vào một số buổi riêng trong tuần".

Trao đổi với Dân trí, thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ, việc phụ huynh "chia phe" nửa muốn học online, nửa muốn học trực tiếp, nếu nghe qua thì sẽ có phần nào đó "quá đáng"; tuy nhiên, suy xét kỹ lại, tất cả ý kiến đó đều xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng cho sức khỏe cũng như chất lượng học tập mà các bậc phụ huynh dành cho con em.

"Trong bối cảnh hiện tại, ngoài việc học cách bảo vệ bản thân, chúng ta còn phải học cách thích nghi trước những thay đổi không ngừng của đại dịch.

Tôi nghĩ, hình thức học "on-off" kết hợp là phương pháp thích hợp trong thời điểm hiện tại, dù chúng ta đều thừa nhận, học tập theo hình thức này sẽ không mang lại hiệu quả tối ưu như hình thức học trực tiếp.

Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên chúng tôi cũng luôn nỗ lực và thay đổi không ngừng. Trong quá trình dạy trực tiếp, tôi luôn cố gắng chú trọng đến những phần kiến thức quan trọng, lượng nội dung còn lại sẽ yêu cầu các em về nhà tự học, hôm sau thầy cô sẽ kiểm tra. Làm vậy để tranh thủ từng giây, từng phút các em được đến trường. Còn với trường hợp học sinh học trực tuyến, chúng tôi cũng gửi bài giảng, gửi bài tập, đồng thời thường xuyên liên lạc, trao đổi với phụ huynh để nắm được tiến trình học tập của học sinh".