Phong phó giáo sư, giáo sư: Trẻ hóa, già hóa song hành

GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết, số người được phong phó giáo sư ở tuổi 29, giáo sư ở tuổi 37 ngày càng tăng, trong khi phong trào học tập suốt đời ngày càng đi vào chiều sâu.


Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tổ
chức Lễ công bố quyết định

Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tổ chức Lễ công bố quyết định
và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư (năm 2013). Ảnh: TTXVN.

“Mùa” công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm nay có gì mới thưa ông?

Đây là một mùa thu hoạch đầu tiên rất thiết thực sau Nghị quyết 29 của Chính phủ để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục với phương châm nhà giáo quyết định đổi mới giáo dục.

Điểm mới thứ nhất là Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận và toàn bộ Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước thống nhất chủ trương ngày càng nâng cao chất lượng khoa học và đào tạo. Chất lượng ở đây gồm có chất lượng nghiên cứu, chất lượng đào tạo và chất lượng phục vụ xã hội và, quan trọng nhất là phải hội nhập được với thế giới tiên tiến.

Cụ thể, hội đồng ngày càng xem trọng và đánh giá cao các công trình khoa học được đăng trên các tạp chí chất lượng và uy tín cao trong nước và quốc tế và nhấn mạnh yêu cầu về ngoại ngữ (đặc biệt tiếng Anh) của các ứng viên GS và PGS. Hội nhập quốc tế nâng cao chất lượng nhưng mỗi ngành yêu cầu mức độ tiệm cận khác nhau và tránh cực đoan.

Việc nhiều người cho rằng, chỉ công nhận bài ISI (bài đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín, hệ số tham khảo cao) thì hơi cực đoan, dù trên thế giới là như vậy. Ở nước ta, việc đăng ISI chỉ dễ với lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ; với khoa học xã hội và nhân văn, việc này khó hơn vì còn do đặc thù của đất nước.

Điểm mới thứ hai của năm nay là tuổi đời cao hơn, có ứng viên đến 80 tuổi, nhất là đối với khoa học xã hội và nhân văn và nghệ thuật. Nhưng cũng có những ứng viên rất trẻ trong ngành khoa học và công nghệ.

Ngày nay giới trẻ được quan tâm nhiều hơn trước, nhưng vì sao họ vẫn ít có cơ hội được thăng tiến, ít được phong GS, PGS?

Có thể nói, so với các năm trước, ứng viên tuổi cao có cao hơn; tuổi trẻ thì chỉ tương tự.

GS.TSKH Trần Văn Nhung.
GS.TSKH Trần Văn Nhung.

Vậy chúng ta đang đi giật lùi trong việc trẻ hóa đội ngũ GS và PGS?

Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị định 141 là quyết định sáng suốt, mang đầy tính khuyến khích đối với GS, PGS. Nghị định 141 quy định rất rõ GS, PGS sẽ được quy ra ngạch lương gì; ví dụ, PGS được quy ra giảng viên chính, GS được quy ra giảng viên cao cấp, chuyên viên chính không phải thi, được tăng 1 bậc lương. Điều này ngày càng khuyến khích giới trẻ ứng cử chức danh GS, PGS vì gắn liền các chức danh là chính sách, chế độ, vật chất và tinh thần. Số lượng ngày càng tăng lên chứ không giảm đi. Thực tế có những PGS 29 tuổi và GS ở tuổi 37-38.

So với Hàn Quốc hay các nước khác trong khu vực, tuổi của GS và PGS của Việt Nam vẫn cao hơn?

Nếu nói như thế thì cần phải nhìn vào GDP; ví dụ, ở Hàn Quốc là 30.000 USD/người/năm trong khi ở Việt Nam mới chỉ có 1.500 USD/người/năm. Chúng ta đang có cố gắng để hấp dẫn giới trẻ đến với các chức danh, nhưng vẫn chỉ đang trong quá trình dần dần tiệm cận. Nếu bây giờ Việt Nam bùng lên số lượng như Hàn Quốc thì chất lượng sẽ là một vấn đề. Làm sao để hội nhập thế giới về số lượng mà còn phải đảm bảo chất lượng. Cái khó là ở chất lượng!

Theo ông, để trở thành PGS, GS, giới trẻ gặp khó khăn gì?

Khi hội nhập thế giới để đánh giá PGS và GS, yếu tố đầu tiên là các công trình nghiên cứu có chất lượng, không chỉ được đăng trên các tạp chí trong nước mà còn các tạp chí thế giới. Điều đó không dễ vì điều kiện cho anh chị em nghiên cứu khoa học trong nước khó khăn hơn rất nhiều. Các phòng thí nghiệm, trang thiết bị, đội ngũ nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm của Việt Nam chưa song hành được với thế giới để bài báo của các nhà khoa học có thể được đăng.

Làm thế nào để giới trẻ có thể trở thành PGS, GS sớm hơn?

Nghị quyết 29 và Nghị định 141 thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ các nhà khoa học nói chung, giới trẻ nói riêng. Hiện có nhiều người cố gắng phấn đấu trở thành GS, PGS. Bản thân các nhà khoa học trẻ cần tận dụng tối đa các điều kiện nghiên cứu khoa học trong nước có thể được và tận dụng hợp tác quốc tế đang rất thuận lợi.

Hợp tác quốc tế cũng có thể hiểu là hợp tác online, không nhất thiết phải trông thấy mặt nhau và phải học hỏi trực tiếp. Sau hơn 10 năm, nhờ có các đề án 322 và 911, hàng vạn người được đào tạo ở khắp các châu lục khiến số công trình nghiên cứu được đăng trên ISI quốc tế ngày càng nhiều.

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ngày càng nhận thấy các thế hệ mới thổi một luồng sinh khí mới vào lực lượng GS và PGS, tiềm năng mới của đất nước. Xu hướng trẻ hóa đang được đẩy mạnh, số trẻ thì trẻ thêm. Số tuổi đời được công nhận GS cao hơn cũng là một xu hướng tích cực vì đó là biểu hiện sinh động của việc học tập suốt đời.

Cảm ơn ông.

"Xu hướng trẻ hóa đang được đẩy mạnh, số trẻ thì trẻ thêm. Số tuổi đời được công nhận GS cao hơn cũng là một xu hướng tích cực vì đó là biểu hiện sinh động của việc học tập suốt đời"

GS.TSKH Trần Văn Nhung

Theo Hồ Thu (Tiền Phong)