Phong bì làm hư cô, hại học trò

“Ngày nhà giáo, một bộ phận giáo viên vì thiếu bản lĩnh mới đi nhận phong bì, quà cáp đắt tiền. Thậm chí, gợi ý phụ huynh biếu xén, phong bì… điều này gây ảnh hưởng xấu đến học trò”- TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ.

Phong bì cho… gọn

Nhằm “ghi điểm” trong mắt giáo viên, dịp 20/11 ở các thành phố lớn, nhiều gia đình sẵn sàng mua quà đắt tiền, phong bì “dày” mong con em mình được cô quan tâm hơn, tránh bị trù dập. Loay hoay trong việc chọn quà gì tặng cô giáo chủ nhiệm của con gái đang học lớp 1, chị Nguyễn Hương Thủy (Định Công, Hà Nội) chia sẻ: “Thú thực, đến giờ tôi cũng đang phân vân trong chuyện mua tặng quà nào cho cô thì hợp lý. Nhưng nhất định phải là loại quà “độc”, có giá trị để cô dùng nó và nhớ tới con mình”.

Để tránh “đau đầu” mua quà, nhiều phụ huynh chọn cách biếu phong bì. Phụ huynh Trần Đức Hòa (đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy “đi” phong bì bây giờ là khá phổ biến. Chứ mua quà, bánh kẹo, hoa quả thì những ngày này chắc gì cô đã dùng đến. Tặng phong bì cô vừa tăng thu nhập, lại sử dụng được theo ý muốn, vẹn cả đôi đường”.

Không chỉ ngoài đời, “Phong bì tặng cô” còn là đề tài “nóng hổi” trên một số diễn đàn Internet. Tại diễn đàn lamchalame, có rất nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề này. Nickname Thuytranthu lo lắng: “Chuẩn bị 20/11 rồi, con học mẫu giáo lớp có tới 3 cô, mất gần nửa tháng lương rồi”. Còn nickname Me_VuMinh chia sẻ: “Các cô giáo ở trường con mình... vật chất lắm. Chẳng biết mua gì nên cứ để phong bì, để tiền các cô thích mua gì thì mua”.

Thậm chí, giáo viên cũng “đi” phong bì đồng nghiệp. Nickname Hoaanh2408 tâm sự: “Mình cũng là giáo viên, ngày 20/11 nhiều nhất là hoa và vài món quà nhỏ của học trò tặng chứ chẳng khi nào có phong bì. Mọi người ai cũng làm phong bì, nên mình đành phải đi, không lại sợ con mình thiệt”. 

Tỉnh táo để từ chối

Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm không khỏi cảm thấy đau xót trước thực trạng nét đẹp truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc đang ngày càng mai một, biến tấu bởi “văn hóa phong bì”.

TS. Lâm cho biết: “Ngày nhà giáo, không phải do giáo viên nghĩ ra để nhận quà từ phụ huynh, đây là một ngày ý nghĩa giống như các ngày lễ, tết xưa kia phụ huynh đến nhà thầy  với một chút quà dù nhỏ, trân trọng người thầy. Ngày nay, một bộ phận giáo viên vì thiếu bản lĩnh mới đi nhận phong bì, quà cáp đắt tiền. Thậm chí, gợi ý phụ huynh biếu xén, phong bì…”.

“Không phải giáo viên nào cũng đánh mất phẩm chất, vẫn còn nhiều trường hợp nhà giáo không bao giờ nhận quà, thậm chí còn “cấm cửa” phụ huynh đến nhà dịp 20/11… Vấn đề ở đây là cách ứng xử, không thể từ chối mọi thành ý, nhưng phải tỉnh táo để đưa ra quyết định từ chối những món quà cao hơn giới hạn giữa tình cảm và vật chất. Nghề giáo viên không giàu có, hay giàu lên nhờ ngày 20/11, nhưng mỗi giáo viên hãy là tấm gương sáng để học sinh noi theo” - TS Lâm chia sẻ.

 

“Phụ huynh cứ tưởng quà cáp, phong bì là cô quan tâm hơn đến con. Nhưng họ không biết rằng làm thế là đang vô tình hại con. Trẻ biết được sẽ mất đi hình ảnh trong sáng giữa thầy và trò. Học sinh nảy sinh tư tưởng muốn làm gì thì làm, bởi chỉ cần bố mẹ biếu phong bì giáo viên là xong” - TS Nguyễn Tùng Lâm.

 
Theo Quang Huy
Gia đình & Xã hội