Phó Tổng cục trưởng “mách nước” nghề ngàn đô

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) trao đổi về cơ hội khi “bỏ” đại học theo trường nghề.

Ông Sâm cho biết:

Ông Sâm cho biết:


- Trong bối cảnh thị trường lao động biến động như hiện nay, và trong bối cảnh các doanh nghiệp cũng có những biến động rất mạnh mẽ do suy thoái kinh tế và khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chiến lược nhân lực của các doanh nghiệp bị thay đổi ghê gớm, chưa nói công nghệ sản xuất cũng thay đổi. Nhu cầu nhân lực cũng thường xuyên thay đổi, vì vậy mà các cơ sở dạy nghề cũng phải thay đổi để thích ứng. Việc tuyển sinh trong các cơ sở dạy nghề vì thế cũng có biến động.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng những cơ sở dạy nghề có chất lượng cao việc tuyển sinh không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng những trường nào không đáp ứng gặp khó khăn là tất yếu.
Các ông có thống kê tỉ lệ trường khó tuyển sinh?

- Năm nay các trường nghề vẫn tuyển sinh lao động ở những trình độ khác nhau, sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và chứng chỉ nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay trung cấp nghề và cao đẳng nghề đã tuyển sinh được khoảng 60%. Việc tuyển sinh nghề thường xuyên liên tục chứ không phải theo kỳ, mùa như đại học, nên dự báo đến cuối năm sẽ tuyển đủ 100%.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà các trường nghề được phụ huynh, học sinh phổ thông quan tâm hơn. Ông cho rằng sức hấp dẫn lớn nhất của trường nghề nằm ở điểm nào?

- Học nghề rất tốt cho những người có nhu cầu học để làm việc.

Đối với việc học, quan trọng nhất là học để có việc làm, ổn định cuộc sống, có cơ hội thăng tiến. Tôi cho rằng học nghề là cơ hội thuận lợi nhất để có việc làm vì thị trường lao động cho học nghề là vô cùng lớn, và cơ hội thăng tiến cho người học nghề cũng rất lớn.

Ở chỗ, có việc làm thì có cơ hội ổn định, ổn định thì có cơ hội tích luỹ, tích luỹ rồi có điều kiện để học nâng cao lên nhằm góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập, đồng thời học liên thông để nâng cao năng lực và thăng tiến trong sự nghiệp.

Điều mà thí sinh quan tâm nhất là tỉ lệ học viên ra trường có việc làm và thu nhập sau học nghề. Ông có thể cho biết các số liệu liên quan?

- Hiện nay đối với học nghề tỉ lệ học viên ra trường có việc làm thấp nhất đạt 70%, có những nghề đạt 100%. Thậm chí, có những nghề mà đang học trong trường doanh nghiệp đã vào tuyển dụng, học viên có việc ngay từ năm thứ nhất, thứ hai.

Tuỳ ngành nghề, vị trí công việc, mức lương bình quân của lao động qua đào tạo nghề là 4 triệu đồng/ tháng trở lên. Còn những nghề, ví dụ như công nghệ hàn, 3G, 6G thu nhập lên tới 15triệu/ tháng, lập trình viên có thể thu nhập 1.500 USD/ tháng…

Theo ông, những nghề nào sẽ thu hút nhân lực trong thời gian tới?

- Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những lĩnh vực nào đang chuyển dịch cơ cấu mạnh thì những lĩnh vực đó có nhu cầu lao động lớn, đặc biệt là những lĩnh vực tăng cường khả năng hội nhập ASEAN và thế giới. Vì vậy, có thể kể ra ở đây những nghề truyền thống, nghề phổ biến, những nghề có nhu cầu sử dụng lao động rộng như điện, điện tử, cơ khí, hàn, công nghệ thông tin đều là những nghề có nhu cầu nhân lực lớn.

Để các trường nghề hấp dẫn hơn, chính sách dạy nghề có gì thay đổi trong thời gian tới không, thưa ông?

- Đã có nhiều chính sách cho dạy nghề, nhưng tôi cho rằng phải làm quyết liệt hai việc hiện hữu. Đó là chúng ta phải phân luồng một cách hợp lý theo nhu cầu của thị trường lao động hứ không phải khả năng của các cơ sở đào tạo. Tức là nhu cầu thị trường như thế nào phải phân luồng đúng như thế, nói nôm na là cần phải có hạn ngạch - thứ mà nước nào trên thế giới cũng có.

Thứ hai, trong thị trường nghề cần quy định những nghề bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia thì mới được tham gia lao động, và các chủ sử dụng lao động mới sử dụng, để đảm bảo sức khoẻ cho người thụ hưởng và đảm bảo an toàn cho toàn bộ những người lao động, cũng như nâng cao chất lượng lao động Việt Nam. Và như thế là góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia.

Ông có thể nói rõ hơn về việc phân luồng theo hạn ngạch?

- Việt Nam đã nêu rất nhiều chính sách phân luồng, nhưng tôi chưa thấy đi vào bản chất của vấn đề. Theo tôi, phân luồng theo hạn ngạch là cần thiết, và cực kỳ đơn giản. Ví dụ trong thị trường lao động định hình ra 80% là sử dụng lao động trực tiếp, 20% gián tiếp, thì chắc chắn 80% đó là lao động phổ thông và lao động qua đào tạo nghề. Còn lại 20% lao động ở trình độ đại học trở lên.

Hãy đừng nói đến tâm lý phụ huynh muốn con em mình có bằng đại học. Có tâm lý phụ huynh hay không trước hết là do chúng ta, phải làm để xã hội nhìn nhận giá trị thực. Hiện nay, xã hội còn tách rời giá trị thực trong lao động và giá trị ảo trong đào tạo.

Gần đây có ý kiến cho rằng nên chuyển cao đẳng nghề về cho Bộ GD-ĐT quản lý, còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ quản lý về chất lượng đầu ra, tức là đưa ra các tiêu chuẩn đầu ra. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi không quan tâm điều đó, mà quan tâm làm sao giáo dục dạy nghề của Việt Nam có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Về vấn đề quan trọng nhất là đừng nghĩ đến ai quản lý, quản lý như thế nào, mà đáp ứng như thế nào, có được thị trường, doanh nghiệp thừa nhận hay không.

Nhưng các trường cho rằng 1 cổ 2 cơ quan quản lý, họ không biết nghe ai?

- Tôi không nghĩ vậy. Chức năng quản lý do Chính phủ phân công, mà Chính phủ đã phân công rồi thì tôi nghĩ không có gì chồng chéo, quan trọng là khi thực hiện đừng để chồng chéo.

Xin cảm ơn ông.
Theo Ngân Anh/Vietnamnet