Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Lương cho giáo viên vẫn còn nhiều bất cập
(Dân trí) - Phát biểu tại hội nghị triển khai Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản, toàn diện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Vấn đề nâng lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh giáo viên chúng ta đã làm nhưng vẫn còn nhiều bất cập”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị triển khai Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản, toàn diện diễn ra ngày 13/2/2014.
Phó Thủ tướng giải thích: Ngay như Trung ương đã bàn hai kỳ về đề án cải cách tiền lương nhưng chưa ra được Nghị quyết bởi để sắp xếp lại lương Việt Nam cần 1 triệu rưỡi tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách có 1 triệu tỷ đồng.
Về những khó khăn trong công tác phổ cập bậc mầm non, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải bàn tính rất thận trọng vì trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên trong đó có giáo viên mầm non. Một hệ quả tất yếu của nó dẫn đến là biên chế giáo viên tăng rất cao, trong mấy năm tăng mấy trăm ngàn giáo viên trong khi công chức của cấp huyện trở lên, các Đảng, đoàn, xã hội, con số tròn là 384 ngàn thôi. Chính vì thế bài toán biên chế là cần phải tính toán.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, vấn đề thiếu nhà trẻ mẫu giáo ở những nơi các khu công nhân, công nghiệp tập trung, các khu công nghiệp mới hoặc tình trạng các cơ sở mầm non chưa được cấp phép, điều này ngành giáo dục cần tiếp tục làm.
“Tuy nhiên, vấn đề trước mắt ta cần làm để phổ cập mầm non là cơ sở vật chất trước, mặt thứ hai là đội ngũ giáo viên. Tới đây Chính phủ sẽ bàn riêng với các đồng chí Bộ GD-ĐT nhưng ở đây các đồng chí Giám đốc Sở trên tinh thần đó về báo cáo với các đồng chí lãnh đạo uỷ ban, lãnh đạo tỉnh uỷ để chúng ta cùng nhau quyết tâm hoàn thành mục tiêu phổ cập” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với hơn 100 lãnh đạo của 63 Sở GD-ĐT tham dự hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá: Nhìn vào con số 17 tỉnh hoàn thành phổ cập mầm non (13 tỉnh đã cấp giấy công nhận, 4 tỉnh vừa hoàn thành để công nhận -PV ) trong khi sắp tới phải phổ cập hết rồi thì thấy con số này có vẻ hơi thấp nhưng chúng ta đã có 75% số xã phổ cập, còn 20% nữa nên chúng ta cần hết sức quyêt tâm.
6 nhiệm vụ và giải pháp phổ cập giáo dục Bộ GD-ĐT xác định 6 nhiệm vụ và giải pháp phổ cập giáo dục trong thời gian tới. Cụ thể, một là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục; coi phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là tiền đề để nâng cao chất lượng GD-ĐT, từ đó huy động các nguồn lực cho phổ cập. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phổ cập, đặc biệt là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng đối với việc thực hiện mục tiêu phổ cập. Hai là triển khai nghị định về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ sau khi được Chính phủ ban hành. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở mức độ cao hơn và thực chất. Ba là phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, nhất là vùng cao, vùng khó khăn, đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi và giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi đến lớp. Ưu tiên quỹ đất đầu tư xây dựng trường mầm non cho các xã chưa có trường mầm non độc lập và quỹ đất để xây dựng trường mầm non cho các xã chưa có trường mầm non độc lập, quỹ đất để xây dựng trường mầm non khi quy hoạch xây dựng đô thị, khu công nghiệp. Xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, đồ chơi và các công trình phụ trợ khác đáp ứng yêu cầu phổ cập. Củng cố, mở rộng hợp lý mạng lưới trường tiểu học, THCS, phát triển trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội học tập cho các đối tượng phổ cập; củng cố, duy trì kết quả phổ cập. Củng cố hệ thống trường dân tộc nội trú và bán trú dân nuôi. Quan tâm hơn nữa đối với học sinh vùng khó khăn, học sinh dân tộc. Bốn là tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên. Năm là tăng cường khả năng tiếp cận và hòa nhập của các đối tượng phổ cập vùng khó khăn, vùng dân tộc, quan tâm dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc; tiếp tục triển khai thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi; nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo vùng miền. Và cuối cùng là tập trung các nguồn lực, ưu tiên ngân sách chi thường xuyên và chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục cho nhiệm vụ phổ cập. Triển khai dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” hợp tác với Ngân hàng Thế giới WB cho giáo dục mầm non giai đoạn 2012 - 2015. |